Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ:

Chúng ta đã có những quyết sách đúng và cần thiết

Theo Laodong.vn

(Tài chính) Sau một năm tái lập Ban Kinh tế Trung ương, GS.,TS. Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những kỳ vọng của kinh tế Việt Nam năm 2014.

Chúng ta đã có những quyết sách đúng và cần thiết  - Ảnh 1
GS.,TS.Vương Đình Huệ
Đánh giá những kết quả đạt được của năm nay phải nói đến sự điều  hành quyết liệt và kịp thời của Đảng và Chính phủ trong 3 năm qua. Từ chỗ lạm phát tăng cao nay đã giảm xuống còn ở mức trên 6%, lãi suất giảm mạnh, thanh khoản ngân hàng được kiểm soát, xuất khẩu đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, thu hút các nguồn lực FDI, ODA năm sau cao hơn năm trước, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng.

Hội nghị T.Ư 3 chỉ ra vấn đề mấu chốt của nền kinh tế phải đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ bằng việc tái cơ cấu, xác định 3 khâu trọng tâm đột phá là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu DNNN.

Ngoài trọng điểm là kết luận của Hội nghị T.Ư 8, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của QH, Chính phủ đã phê duyệt các đề án thành phần, tập trung vào các trọng điểm tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, xem đây là khâu đột phá quan trọng trong cải cách KT. Điểm nổi bật lớn nhất trong tái cơ cấu ngành năm qua là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và có quyết sách lớn về vấn đề tam nông. 

Trung ương tới đây sẽ sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để có những quyết sách tiếp theo. Cái được tiếp theo là tập trung tháo nút thắt điểm nghẽn của nền KT như tồn kho cao, nợ xấu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, chúng ta đã và đang tiến hành tái cấu trúc kinh tế trong bối cảnh nguồn lực thực còn hạn chế. Để giải quyết nhanh nợ xấu của ngân hàng, năm qua chúng ta đã thành lập và đưa vào hoạt động Cty Quản lý tài sản (VAMC). Đây là giải pháp cần thiết nhằm khơi thông sự vận hành của hệ thống ngân hàng, đưa tín dụng ra nền KT.

Tuy vậy không phải không có ý kiến quan ngại cho rằng, đây là hình thức chuyển nợ từ ngân hàng thương mại sang VAMC. Tôi cho rằng, về mặt kỹ thuật thì là như vậy, nhưng quan trọng là chúng ta đã giải quyết được bài toán cấp bách về cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục cho vay và giải ngân.   

Tuy nhiên, nếu nghiêm khắc nhìn nhận, nền kinh tế vẫn chưa có tốc độ bứt phá, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt hoặc tăng chậm hơn dự báo, thưa ông?

Đúng vậy, mặc dù đạt được những chỉ tiêu quan trọng, song bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp, tổng đầu tư toàn xã hội và giải quyết việc làm chưa đạt mục tiêu, kinh tế vĩ mô phục hồi nhưng chưa vững chắc; lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời gian tới.

Đối với việc thực hiện đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các DNNN cũng vẫn còn chậm và còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có giảm nhưng vẫn còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, DN giải thể và ngừng hoạt động còn tăng. Trong năm tới, chúng ta tiếp tục củng cố tính vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát có mục tiêu. Qua đó, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát mới có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2014 theo ông đánh giá kinh tế thế giới có sức bật gì và ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Năm 2014, nhiều dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế là kinh tế thế giới sẽ phục hồi và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,5-3,6% (cao hơn so với năm 2013 là 0,9%). Có 4 điểm đáng quan tâm: Một là, các nền kinh tế hàng đầu vẫn tiếp tục có tăng trưởng, Trung Quốc, Mỹ tăng khoảng 2,5-2,6%.

Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozon) bắt đầu khắc phục được nợ công, tăng trưởng dự kiến xấp xỉ 1%... Các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, đảm bảo nợ công là ưu tiên được các quốc gia giải quyết. VN là nền kinh tế có độ mở lớn, năm 2013, XNK lên tới 270 tỉ USD.

Do đó, tín hiệu hồi phục của kinh tế thế giới hồi phục cũng là tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam. Chúng ta cần phải tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược. Đó là tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Dù trong điều kiện ngân sách khó khăn, tổng đầu tư cho giao thông không được  thấp hơn năm nay; đã xuất hiện những yếu tố tăng năng suất lao động tổng hợp, không chỉ là yếu tố vốn và tiếp theo là đổi mới về chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với đề án tái cơ cấu nền kinh tế, mục tiêu 2015 phải có kết quả cụ thể, tới đây vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn chắc chắn sẽ nhanh hơn.