Chuyển biến từ kinh tế vĩ mô và tác động đến thị trường chứng khoán

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 sô 4-2015

(Taichinh) - Những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và cũng là động lực thúc đẩy các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh tế vĩ mô dần khởi sắc

Quý I/2015 khép lại với những tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực khi tăng trưởng GDP đạt trên 6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Kết quả này là sự cộng hưởng tích cực của các lĩnh vực, ngành nghề…

Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%; khu vực dịch vụ tăng 5,82%. Mức tăng trưởng đột biến của GDP đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng. Đáng chú ý là ngành Công nghiệp chế biến chế tạo, tăng 9,5% và ngành Khai khoáng, tăng 6,7%. Ngành Xây dựng chưa có sự cải thiện, khi chỉ tăng 4,4% thấp hơn mức 5,93% cùng kỳ.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2015, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,35%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,80%; khu vực dịch vụ chiếm 42,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,62%. Các chỉ số sản xuất và tiêu dùng khác cũng đang xác nhận sự khởi sắc của nền kinh tế. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng trên 790 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% - cao hơn mức tăng 5,1% của cùng kỳ 2014. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của khu vực kinh tế nhà nước đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng số và tăng 1,6%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 678,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 85,8%, tăng 11,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3%, tăng 11%; Chỉ số nhà quản trị mua han (PMI) Việt Nam do Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) công bố trong tháng 3/2015 đạt 50,7 điểm, tuy giảm nhẹ so với mức 51,7 điểm trong tháng 2 nhưng vẫn được đánh giá là khá tích cực khi đánh dấu sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất trong nước 19 tháng liên tiếp.

Tình hình kinh doanh cải thiện thể hiện qua việc số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tiếp tục tăng: Sản lượng của ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh, ghi nhận tháng tăng thứ 8 liên tiếp; Đơn hàng mới tiếp tục tăng dù với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 10/2014; Đơn hàng xuất khẩu mới tăng trở lại sau khi giảm trong tháng trước. Các mức tăng trưởng trên được hỗ trợ bởi chi phí đầu vào giảm, đặc biệt là giá xăng dầu. Điều này một lần nữa được phản ánh khá rõ nét qua số liệu tăng trưởng tín dụng quý I/2015 cải thiện tích cực (tăng 1,25% so với cuối 2014) và xu thế gia tăng trở lại của nhập siêu trong nước (chủ yếu là nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ 2014, trong đó, các tháng 1, 2, 3 lần lượt tăng 0,94%; 0,34% và 0,93%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây so với cùng kỳ các quý đầu năm. Phân tích từ báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, các nhóm tác động làm giảm mạnh nhất tới CPI là nhóm giao thông, giảm 8,48%, đóng góp 0,75% vào mức giảm chung của CPI tháng 3/2015 so với tháng 12/2014; Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 1,34% đóng góp 0,13% vào mức giảm chung. Trong khi đó, nhóm tác động tăng CPI mạnh nhất là nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống, với mức tăng 1,17%, đóng góp 0,47%. Điều khác biệt so với các năm trước là CPI quý I/2015 không bị tác động tăng từ việc mua sắm hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán. CPI trong quý I giảm là do tác động từ giá xăng dầu giảm, cùng với đó là các ngành chức năng thực hiện tốt công tác bình ổn giá thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường.

Trong quý I, cả nước có 19.049 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 111,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số DN và tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 4.741 lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 172,9 nghìn tỷ đồng. Số lao động được tạo việc làm của các DN thành lập mới trong quý I là 265 nghìn lao động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay là 5.094 DN, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2015 ước đạt 35,67 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng gần 2,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt gần 10,6 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái; Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,1 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,01 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, nhập siêu ước tính 1,8 tỷ USD. Nếu sản xuất trong nước tiếp tục phục hồi thì khả năng cán cân thương mại năm 2015 theo hướng nhập siêu do phần lớn các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công lắp ráp được nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng USD mạnh lên so với các ngoại tệ khác sẽ có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại ở các thị trường này do hầu hết giao dịch của Việt Nam được thanh toán bằng USD.

Trong 3 tháng đầu năm 2015, mặt bằng lãi suất huy động được điều chỉnh giảm nhẹ đã tạo cơ sở cho việc tiếp tục giảm dần lãi suất cho vay. So với thời điểm cuối năm 2014, lãi suất huy động giảm nhẹ từ 0,1% - 0,5% tùy từng kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động của các ngân hàng đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng nằm ở mức 6,4 - 7,2%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,4-6,5%/năm; kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,5-5,4%/năm; dưới 01 tháng hoặc không kỳ hạn vẫn ở mức 0,8-1%/ năm. Lãi suất huy động USD không đổi vẫn ở mức 0,75%/năm đối với dân cư và 0,25% đối với tổ chức.

Do việc điều chỉnh lãi suất huy động giảm nên mặt bằng lãi suất cho vay xuất hiện xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất ngắn hạn hầu như giữ nguyên trong khi lãi suất trung và dài hạn chỉ giảm nhẹ khoảng 0,5% và chủ yếu tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Mặt bằng lãi suất cho vay USD không đổi, vẫn ở mức quanh 3–6% trong ngắn hạn và 5,5 – 7% trung và dài hạn.

Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục có xu hướng gia tăng, tính đến ngày 20/3/2015 cả nước có 267 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1216,7 triệu USD, tăng 6% về số dự án so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có 102 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 621,1 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2015 ước đạt 3.050 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất, với số vốn đăng ký đạt 1.406,9 triệu USD, chiếm 76,6% tổng vốn cấp mới và vốn bổ sung.

Những kết quả khởi sắc của nền kinh tế trong những tháng đầu năm đã tạo điều kiện cho việc thu NSNN tiếp tục được đảm bảo. Mặc dù giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh nhưng thu NSNN 3 tháng đầu năm vẫn bảo đảm tiến độ, phản ánh xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Hầu hết các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đạt khá. Tổng thu NSNN lũy kế quý I/2015 ước đạt 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Thu nội địa đạt 173,19 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% dự toán, tăng 19,6% so cùng kỳ năm 2014; Thu từ dầu thô đạt 16,63 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán, giảm 35,9% so cùng kỳ năm 2014; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% dự toán, tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, về cơ bản, kinh tế quý I/2015 đã có những chuyển biến rõ nét. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Thu NSNN từ nguồn thu nội địa đạt khá. Sản xuất công nghiệp tăng cao. Môi trường kinh doanh có những dấu hiệu được cải thiện. Cầu tiêu dùng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, sản xuất trong nước vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại chưa được giải quyết triệt để cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới như kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng thiếu tính bền vững. Áp lực giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; cán cân thương mại nghiêng mạnh về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy khu vực DN trong nước vẫn đang yếu. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu có sự sụt giảm đáng kể (gạo, cà phê, thủy sản...).

Những điểm chưa bền vững

Yếu tố đáng lo ngại, tác động đến câu chuyện không bền vững là đầu tư công. Giữa nợ xấu của ngân hàng với nợ công của Chính phủ, rủi ro từ nợ công của Chính phủ nguy hiểm hơn. Điều này liên quan đến câu chuyện đã nói nhiều về thay đổi mô hình tăng trưởng. Về bản chất mô hình tăng trưởng của chúng ta chủ yếu dựa vào đầu tư, đây chính là điểm không bền vững đầu tiên.

Sự không bền vững thứ hai là câu chuyện giá dầu giảm. Giá dầu giảm có thể tương đương như một gói kích thích tài khóa mà gói kích thích này là cho toàn cầu. Nếu như không có cú hích của giá dầu giảm, kinh tế thế giới có thể còn xấu hơn rất nhiều. Tác động của giá dầu giảm cũng có thể là một nguyên nhân cho sự khởi sắc của kinh tế đầu năm, nhưng đó cũng vẫn là một yếu tố không bền vững.

Những con số trên thể hiện tình hình vĩ mô trong ngắn hạn đã tốt lên. Ở góc độ điều hành của Chính phủ, điều đó có nghĩa là chính sách ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua đã đưa đến những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình hình mới chỉ là tốt hơn so với 5 năm nay chứ chưa phải quay lại với quỹ đạo tăng trưởng cao. Nhìn lại thời kỳ tăng trưởng tốt của đầu những năm 2000, tốc độ tăng trưởng của quý I thường ở mức trên 7%. Nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6-7% khá dễ dàng với tính năng động của nền kinh tế nhưng tăng được 8-9% lại là câu chuyện khác.

Chuyển động của thị trường chứng khoán

Mặc dù được hậu thuẫn rất tích cực từ kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng nhưng diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam lại khá bất thường trong quý I/2015. Độ dốc đồ thị các chỉ số cho thấy kịch bản tăng mạnh, giảm sâu trong suốt năm 2014 được tái hiện ngay trong quý I/2015. Hoạt động mua bán của khối ngoại thiếu ổn định là nguyên nhân chính gây ra biến động tăng giảm của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, VN-Index đóng cửa ở mức 551,1 điểm (tăng 1%), trong khi đó HNX-Index chốt tại 82,3 điểm (giảm 0,8%). So với mức tăng tại đỉnh lần lượt 10% và 5%, VN-Index và HNX-Index kết thúc quý đã đánh mất toàn bộ số điểm đã đạt được trong 2 tháng đầu năm. Hoạt động mua vào và bán ra của khối ngoại trong bối cảnh thanh khoản giảm sút khi Thông tư 36/2014/ TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực tạo ra 2 giai đoạn tăng giảm rõ rệt.

Giai đoạn tăng điểm - VN-Index tăng 10% từ ngày 01/01/2015 đến ngày 4/3/2015.

Khối ngoại tăng cường mua vào với dòng cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là động lực tăng điểm chính của thị trường. Xu hướng tăng điểm chỉ bị gián đoạn trong 4 phiên từ 29/1 đến 3/2 do ảnh hưởng Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực. Trong các phiên giao dịch này, yếu tố tâm lý đã đẩy mạnh hoạt động bán tháo, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sàn và ảnh hưởng mạnh đến xu hướng thị trường. Tuy nhiên, bằng lực đỡ hoạt động mua vào mạnh của khối ngoại giúp thị trường hồi phục và đạt đỉnh 600 điểm.

Giai đoạn giảm điểm - VN-Index giảm 8,2% từ ngày 04/3 đến 31/3/2015.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ra ở các cổ phiếu Dầu khí, các quỹ đầu tư tín thác (ETFs) thực hiện rút vốn khiến thị trường liên tiếp giảm điểm. Thanh khoản giảm sút, hoạt động bắt đáy hạn chế cuốn thị trường vào vòng xoáy giảm điểm. VN-Index giảm về mức 551,1 điểm, gần sát mức điểm đầu năm và chỉ có 5 phiên tăng điểm trong số 19 phiên giảm điểm.

Thị trường giảm mạnh do sự giảm sút của nhóm cổ phiếu ngành Dầu khí và các cổ phiếu Bluechip. Cấu trúc thị trường của VN-Index thay đổi do ảnh hưởng các cổ phiếu ngân hàng tăng lên trong khi dầu khí giảm, chỉ số giảm dần sự phụ thuộc vào các cổ phiếu GAS và VNM. Xét về ảnh hưởng ngành, cổ phiếu ngân hàng và dầu khí ảnh hưởng mạnh VN-Index trong quý I. Hai ngành Ngân hàng và Dầu khí có biến động mạnh và ảnh hưởng lớn nhất đến điểm số của VN-Index. Các cổ phiếu trong 2 nhóm ngành này có sự vận động trái chiều nhau do hoạt động mua bán của khối ngoại. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HSX tăng 16,5% trong khi nhóm dầu khí giảm 7,1% so với đầu năm. Xét về điểm số ảnh hưởng lên VN-Index, nhóm cổ phiếu ngân hàng (BID, VCB, CTG, EIB, MBB, STB, chiếm tỷ trọng khoảng 22%) đóng góp cho chỉ số gần 17 điểm (tiêu biểu BID +7,5 điểm, VCB + 4,7 điểm, CTG +2,7 điểm) thì ngược lại nhóm cổ phiếu dầu khí chiếm tỷ trọng 17% vốn hóa lại lấy mất của VN-Index 7,5 điểm (tiêu biểu GAS -4,1 điểm, PVD -3,2 điểm).

Xét về quy mô nhóm cổ phiếu, nhóm Bluechip mất đà dẫn dắt thị trường và giảm mạnh đẩy VN-Index về vùng giá đầu năm. Sau 2 tháng đầu năm dẫn dắt chỉ số, nhóm Bluechips giảm mạnh 8,59% trong tháng 2, và chỉ ghi nhận mức tăng 0,63% trong quý I. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng không đáng kể cổ phiếu vốn hóa nhỏ (Small Cap) giảm 2,73%, cổ phiếu vốn hóa vừa (Mid Cap) giảm 0,32%, ngược lại cổ phiếu nhỏ và cổ phiếu vốn hóa lớn (Large Cap) còn có mức tăng lần lượt 3,09% và 0,26%. Kết thúc quý I, các nhóm cổ phiếu Mid Cap, Penny, Small Cap và Large Cap có mức tăng lần lượt 5,09%, 4,43%, 2,4% và 1,76%. Điều này cho thấy, chỉ nhóm Bluechips bị ảnh hưởng mạnh, các nhóm cổ phiếu còn lại không bị ảnh hưởng rõ rệt trong đợt giảm điểm tháng 3.

Mức vốn hóa thị trường đạt trên 53 tỷ USD, riêng trong tháng 3 đạt 1.144 nghìn tỷ, giảm 7,8% so tháng 2, tuy nhiên vẫn tăng 1,9% so với đầu năm. Nếu loại trừ mức vốn hóa của 8 cổ phiếu niêm yết mới trên 2 sàn (tiêu biểu DCM 1,1 nghìn tỷ, NCT 2,5 nghìn tỷ, CSV 0,8 nghìn tỷ) thì mức vốn hóa vẫn cao hơn 0,8% so với đầu năm. Tính đến 31/3/2015, 2 cổ phiếu GAS và VNM đã giảm từ mức 28% xuống 23,3% vốn hóa thị trường, trong khi các nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh chiếm 20% vốn hóa chỉ với 4 ngân hàng đứng đầu (VCB 9,8%, BID 5,1%, STB 2,4% và CTG 2,3%). Chỉ số VN-Index phần nào không quá phụ thuộc vào 2 cổ phiếu GAS và VNM như nhiều giai đoạn trước đây.

Thanh khoản sụt giảm bình quân 3 tháng đầu năm 2015 đạt 2.263 tỷ/phiên, giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2014. Các cổ phiếu “siêu thanh khoản” hút dòng vốn khiến thanh khoản của thị trường teo lại. Trong nhiều năm gần đây đỉnh thanh khoản của năm thường rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3 do đây là thời điểm hoạt động mua bán của các quỹ ETF rất sôi động, tạo hiệu ứng lan tỏa trên toàn bộ thị trường. Cho dù các ETF và khối ngoại đều duy trì hoạt động giao dịch mạnh trên thị trường trong quý I/2015, dòng vốn trong nước rất thận trọng và không có tăng trưởng. Thanh khoản tháng 2 và tháng 3 do vậy đều có mức giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu được nhìn nhận là do Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực vào đầu tháng 2 đã hạn chế dòng tiền ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán. Áp lực cắt giảm margin, hoạt động cơ cấu lại nguồn của các công ty chứng khoán đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và khiến thanh khoản sụt giảm.

Thanh khoản giảm kéo theo số lượng cổ phiếu có thanh khoản trên 1 triệu USD giảm từ 38 xuống 28 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu có thanh khoản bình quân trên 1 triệu USD/phiên giảm 10 công ty so với đầu năm. Các cổ phiếu ngân hàng đã có sự cải thiện đáng kể khi có 8 ngân hàng lọt vào danh sách so với 2 ngân hàng tại thời điểm đầu năm. Ngoài ra, chất lượng thanh khoản giảm sút do dòng tiền bị hút vào các cổ phiếu “siêu thanh khoản”. Nhóm cổ phiếu này đều có thanh khoản tăng vọt và chiếm 3 vị trí đứng đầu lần lượt FLC 5,9 triệu USD/ phiên, KLF 3,6 triệu USD/phiên, HAI 2,5 triệu USD/ phiên. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, hoạt động giao dịch chỉ tập trung vào cổ phiếu “siêu thanh khoản” khiến giao dịch của phần còn lại đang teo tóp dần.

Nếu như Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã khiến thanh khoản thị trường suy giảm. Hoạt động mua bán của khối ngoại là nguyên nhân đẩy thị trường tăng giảm bất thường. Trong 2 tháng đầu năm khối ngoại mua ròng 985 tỷ trên 2 sàn (mua 1.172 tỷ trên HSX và bán ròng 187 tỷ trên HNX), thì chỉ trong tháng 3 họ đã bán đẩy mạnh bán 938 tỷ trên 2 sàn.

Khối ETF hoạt động tích cực nhất trong xu hướng mua bán của khối ngoại và cũng là nguyên nhân chính gây ra biến động tăng giảm mạnh của VN-Index. Tính từ 01/01/2015 đến 09/3/2015, 2 quỹ VNM (Vietnam market vector) và FTSE VN (FTSE Vietnam Index) mua vào ở thị trường Việt Nam 558 tỷ (VNM mua ròng 870 tỷ, FTSE bán ròng 312 tỷ) đẩy VN-index tăng mạnh lên mức 600 điểm. Ngược lại, khi 2 quỹ thoái vốn mạnh ở thị trường Việt Nam, bán ra 1.014 tỷ (VNM bán ra 868 tỷ, FTSE VN bán ra 145 tỷ) đã khiến chỉ số giảm mạnh về mức đầu năm. Xét về tổng thể, 2 quỹ ETF đã bán ra 456 tỷ trong quý I, đây là hiện tuợng hiếm thấy kể từ khi các ETF hoạt động từ năm 2009 đến nay.

Bên cạnh đó là những tác động từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới không còn thuận lợi cho dòng vốn quốc tế tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, đặc biệt với dòng vốn nóng như ETF. Động thái tung gói nới lỏng định lượng của ECB và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất đã khiến cho dòng vốn nóng rút về trú ẩn ở những tài sản định giá bằng USD và cũng dịch chuyển đón đầu cơ hội ở các thị trường châu Âu. Thị trường chứng khoán các nước châu Âu do vậy tăng mạnh, trong khi thị trường Mỹ đã có sự chững lại trong thời gian gần đây.

Thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm mạnh trong quý II?

“VN-Index sẽ đạt đỉnh vào quý II/2015” là nhận định của một số tổ chức, công ty chứng khoán. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thị trường có rất nhiều yếu tố hỗ trợ như:

Thứ nhất, với nguồn vốn giá rẻ do các gói nới lỏng định lượng của châu Âu, Nhật Bản thì dòng tiền đầu cơ sẽ có xu hướng đổ vào các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Mặt khác, hiện mức P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt là ngành Bất động sản. Cùng với đó là Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ gần như không thể tác động tiêu cực tới thị trường do dòng vốn ngoại sẽ lấn át.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã thực sự ổn định với GDP 2014 tăng 5,98% và dự báo tiếp tục tăng trưởng 6 - 6,2% trong 2015, ngay cả với kịch bản giá dầu xuống thấp quanh 40 USD/thùng. Với CPI kỳ vọng ở mức thấp quanh 4% trong 2015, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm và lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới. Nếu lãi suất tiếp tục hạ, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, sau đó đến kênh bất động sản, đây sẽ là yếu tố níu dòng tiền đầu cơ ở lại với thị trường. Ngoài ra, với việc nhiều chính sách thuế khuyến khích, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh của Bộ Tài chính và chính sách khơi thông dòng vốn đến với DN của ngành Ngân hàng sẽ giúp nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để đầu tư sản xuất, đặc biệt là các DN bất động sản.

Thứ ba, theo phân tích kỹ thuật, VN-Index hiện đang bước vào bước sóng 5 trong sóng I theo thuyết sóng Elliot với chân sóng kéo dài từ 1/2012 và dự kiến điểm kết thúc rơi vào khoảng tháng 5 - 6/2015; VN-Index dự kiến trong khoảng 680 điểm +/- 10. Sau nhịp tăng này, thị trường sẽ điều chỉnh giảm kéo dài khoảng 5-6 tháng để chuẩn bị cho một đợt tăng mạnh vào năm 2016. Các chỉ báo động lượng theo tháng cho thấy, các hiện tượng tương tự thời kỳ tháng 1/2012, tháng 12/2012 và tháng 10/2013.