Chuyển dịch cơ cấu ngành và đóng góp vào chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Trải qua hơn 30 năm cải cách và đổi mới, kinh tế của Việt Nam tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao, xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành khá tích cực, nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp và chậm cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng chậm lại, trong khi tăng trưởng nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào vốn, đóng góp của tổng năng suất các nhân tố (TFP) còn thấp lại thiếu ổn định; Việt Nam vẫn là nền kinh tế chuyển đổi và cơ cấu kinh tế sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa.

Chuyển dịch cơ cấu ngành của Việt Nam giai đoạn 2006-2016 tiếp tục thực hiện theo hướng công nghiệp hóa. Nguồn: Internet
Chuyển dịch cơ cấu ngành của Việt Nam giai đoạn 2006-2016 tiếp tục thực hiện theo hướng công nghiệp hóa. Nguồn: Internet

Chuyển dịch cơ cấu ngành giai đoạn 2006 - 2016 và những đóng góp vào chất lượng tăng trưởng

Chuyển dịch cơ cấu ngành của Việt Nam giai đoạn 2006-2016 tiếp tục thực hiện theo hướng công nghiệp hóa (CNH), trong đó khu vực nông nghiệp giảm dần tỷ trọng và tăng dần tỷ trọng của khu vực dịch vụ và công nghiệp. Năm 2016, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm 83,68% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tiến tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. Vấn đề đặt ra là kết quả này đóng góp như thế nào vào nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, đo bằng thay đổi TFP và tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể nền kinh tế Việt Nam.  

 Tốc độ tăng NSLĐ tổng thể đã có cải thiện tốt lên trong giai đoạn 2011-2016 với mức trung bình đạt 4,32% hàng năm so với 3,78% của giai đoạn từ 2006-2010 (Tổng cục Thống kê giai đoạn 2006-2016). Đây là kết quả của thực hiện cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Tuy vậy, nhìn tổng thể mức tăng NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế như Việt Nam, chẳng hạn Trung Quốc có tốc độ tăng NSLĐ từ 8% - 9% hàng năm liên tiếp trong 30 năm.

Về tốc độ tăng NSLĐ của từng ngành cho thấy, nông nghiệp là ngành có mức NSLĐ thấp nhất, nhưng tốc độ tăng lại ổn định và cao nhất, kể cả trong giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô từ 2008-2010. Đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần làm giảm chênh lệch mức NSLĐ của nông nghiệp so với các ngành còn lại trong điều kiện lao động nông nghiệp giảm tương đối. Thực tế này phần nào chứng tỏ, đã có bước tiến bộ đáng kể trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và xu hướng chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp từng bước sang ngành có giá trị gia tăng cao hơn, qua đó đóng góp vào tăng chất lượng tăng trưởng của ngành và của nền kinh tế. 

Số liệu thống kê cho thấy, công nghiệp - xây dựng là ngành có mức NSLĐ cao nhất nhưng tốc độ tăng NSLĐ thiếu ổn định, có giai đoạn bị giảm (2008-2010), sau đó đã hồi phục dần từ năm 2011 đến 2016 với tốc độ tăng trung bình đạt 3,27%. Với tốc độ tăng NSLĐ thấp như vậy nên các ngành khác đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch với khu vực công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Năm 2008, mức NSLĐ của công nghiệp - xây dựng cao gấp 4,9 lần nông nghiệp và 1,28 lần dịch vụ thì năm 2016 chỉ còn tương ứng là 3,4 lần và 1,08 lần.

Các phân tích về chuyển dịch cơ cấu gần đây đều đưa ra bằng chứng cho thấy, cải thiện về tốc độ NSLĐ có đóng góp nhiều từ chuyển dịch cơ cấu ngành. Bằng phương pháp phân tích thay đổi tỷ trọng SSA (Shiff-Share-Analysis), Báo cáo Việt Nam 2035 do Nhóm Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và  Đầu tư công bố năm 2016 đã chỉ rõ chuyển dịch cơ cấu ngành đóng góp lớn, trên 60% vào tăng trưởng NSLĐ giai đoạn 2001-2013. Kết quả tương tự cũng được Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự (2007 và 2016) khẳng định lại khi sử dụng phân tích SSA cho giai đoạn 1991-1999 và 2001-2013 (Bảng 1).

Chuyển dịch cơ cấu ngành và đóng góp vào chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Kết quả cho thấy, đóng góp của chuyển dịch cơ cấu ngành vào tốc độ tăng NSLĐ chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, nhất là sang ngành chế biến chế tạo và dịch vụ. Điều này có thể lý giải một phần qua tác động của hội nhập kinh tế, theo đó năm 2001 Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tiếp đó là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007. Hội nhập sâu rộng hơn kéo theo thúc đẩy thương mại và đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Sự mở rộng của khu vực chế biến, chế tạo thực sự thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động giữa các ngành. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm rõ rệt từ năm 2001, từ 67,2%, xuống còn 46,7% năm 2013, tức là giảm 20,5 điểm phần trăm, trong khi giai đoạn 10 năm trước đó (từ 1991-2001) chỉ giảm được 5,5 điểm phần trăm (năm 1991 là 72,7%). Như vậy, sự phát triển của công nghiệp, nhất là chế biến chế tạo, đã kéo theo sự di chuyển lao động nguồn lực sang ngành có NSLĐ cao hơn nông nghiệp và tác động làm tăng NSLĐ tổng thể.

Chuyển dịch cơ cấu từ năm 2010 cũng gắn với sự cải thiện đáng kể về TFP sau 2 năm (2008 và 2009) TFP sụt giảm. Đây cũng là 2 năm Việt Nam phải đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô và mô hình tăng trưởng bộc lộ nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng thấp. Bên cạnh đẩy mạnh hội nhập, thu hút FDI chất lượng hơn thì những nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế đã có tác động tích cực đến phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Từ năm 2010, đóng góp của TFP vào tăng trưởng lẫn tốc độ tăng TFP có xu hướng tăng dần, góp phần làm tăng chất lượng tăng trưởng.

Hình 1: Chuyển dịch cơ cấu ngành giai đoạn 2006-2016 (% so với GDP, giá hiện hành)
Hình 1: Chuyển dịch cơ cấu ngành giai đoạn 2006-2016 (% so với GDP, giá hiện hành)

Thực tế này có phần đến từ chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành và nội bộ các ngành kèm theo những cải tiến về công nghệ do xuất hiện ngành mới sử dụng công nghệ cao hoặc ngành công nghệ cao mở rộng quy mô, ví dụ ngành Điện tử với sự xuất hiện của một loạt doanh nghiệp (DN) đa quốc gia như: SamSung, LG, Intel, Canon… hay xu hướng chuyển sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Thực tế chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp khá rõ theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai thác tài nguyên, trong khi công nghiệp chế biến chế tạo mở rộng quy mô và đóng góp ổn định vào tăng trưởng, kéo theo chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam theo hướng tích cực hơn.

Kết luận và một số kiến nghị

Nhìn chung, đã có những dấu hiệu tích cực về chuyển dịch cơ cấu ngành và quá trình này đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 thể hiện qua hai chỉ tiêu quan trọng là NSLĐ và TFP. Mặc dù vậy, chuyển dịch cơ cấu và đóng góp của quá trình này vào chất lượng tăng trưởng vẫn chưa thực sự bền vững. Các ngành đóng góp cao vào tăng trưởng vẫn là những ngành khá truyền thống thuộc nhóm công nghệ thấp như chế biến thực phẩm, dệt may, da giày. Ngành chế biến chế tạo đóng góp cao vào tăng trưởng NSLĐ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp chuyển sang nhưng lại là ngành có NSLĐ thấp. Ngay cả ngành Điện tử thuộc ngành công nghệ cao, có quy mô mở rộng nhưng vẫn chủ yếu là lắp ráp, phần giá trị cao phần lớn được tạo ra ở nước ngoài, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị của ngành này còn rất hạn chế. Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu giai đoạn vừa qua được thúc đẩy khá nhiều bởi yếu tố hội nhập, đặc biệt là bởi thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, yếu tố thúc đẩy bên trong còn khiêm tốn, rất cần được chú trọng để có chính sách điều chỉnh và tạo động lực trong thời gian tới.

Hình 2: Tốc độ tăng NSLĐ tổng thể và của các ngành  giai đoạn 2008-2016
Hình 2: Tốc độ tăng NSLĐ tổng thể và của các ngành giai đoạn 2008-2016

Chuyển dịch cơ cấu ngành và nâng cao chất lượng tăng trưởng đều là những mục tiêu lớn được thể hiện trong các văn bản cao nhất của Đảng và Nhà nước. Hiện tại, nhiều chủ trương, chính sách lớn đang được thực hiện ở các cấp, các ngành, địa phương và DN nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cần nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành về đóng góp của chuyển dịch cơ cấu đối với nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó tránh chuyển dịch cơ cấu bằng mọi giá, quá chú trọng đến thay đổi cơ cấu (tăng hay giảm tỷ trọng) của ngành, đánh đổi giữa mục tiêu số lượng và chất lượng tăng trưởng.

Việt Nam cần tận dụng tốt hơn các cơ hội của hội nhập mang lại để thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành, tận dụng xu hướng di chuyển vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý trong khu vực và toàn cầu để tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu ngành nói chung, nội bộ các ngành nói riêng, nhất là thu hút những ngành mới, gắn với công nghệ và kinh tế số. Chính sách xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cần góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu xuất khẩu theo hướng đóng góp nhiều hơn vào nâng cao chất lượng tăng trưởng.  

Hình 3: Cơ cấu GDP theo ngành và đóng góp của TFP vào GDP giai đoạn 2006-2015
Hình 3: Cơ cấu GDP theo ngành và đóng góp của TFP vào GDP giai đoạn 2006-2015

Nhà nước cần hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, hỗ trợ đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực công nghệ của khu vực DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ để các DN này có thể tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, cần đẩy nhanh cải cách khu vực DN nhà nước gắn với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, hoàn thiện thể chế cạnh tranh, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ để tạo động lực cho cơ cấu lại các ngành, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút sự tham gia của DN trong nước để tạo ra những ngành, sản phẩm có năng suất, tính cạnh tranh cao hơn.       

Tài liệu tham khảo:

1. Nhóm Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Báo cáo Việt Nam 2035;   

2. Nguyễn Thị Tuệ Anh và Bùi Phương Liên (2007), Đánh giá đóng góp của các ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành vào tăng trưởng năng suất ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2007;

3. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trần Toàn Thắng, Hoàng Thị Hải Yến và Nguyễn Văn Tùng (2016), Chuyển dịch cơ cấu ngành và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, NXB Lao động, 2016;

4. Tổng cục Thống kê (2006, 2016), Niên giám thống kê từ 2006-2016;

5. Viện Năng suất Việt Nam (2015), Báo cáo năng suất Việt Nam 2015.