Chuyển đổi phương thức phát triển: Nhận diện cơ hội và thách thức

TS. Phan Thị Thùy Trâm

Mỗi năm GDP toàn cầu bị mất đi 1,6%, tức là khoảng 1.200 tỷ USD do tình trạng biến đổi khí hậu. Và lượng GDP mất đi này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm nữa, nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do phương thức phát triển cũ, truyền thống đã lạm dụng quá nhiều nguồn nguyên liệu hóa thạch, phát thải khí, gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên.Việc chuyển đổi phương thức phát triển trở thành nhu cầu tất yếu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chuyển đổi phương thức phát triển: Nhận diện cơ hội và thách thức
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”

Với việc ban hành hai văn bản pháp quy quan trọng là Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/04/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ,một trong những trọng tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ là chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Kết quả này xuất phát từ đòi hỏi mang tính cách mạng, thời đại, và thể hiện xu hướng bắt nhịp “cuộc chơi”toàn cầu của Việt Nam trong tư duy chính sách và thực tiễn hành động.

Xét về mặt học thuật, “Kinh tế xanh” là sự nâng cấp của “Kinh tế môi trường” (Environmental Economy),mở ra một hướng tiếp cận rộng hơn cho cả những điều chỉnh từ chính sách kinh tế vĩ mô đến điều hành thực hiện trong kinh tế vi mô (nhất là đối với chính sách công trong đầu tư cho khôi phục tài nguyên, môi trường,cùng sự tăng trưởng về thu nhập, cũng như việc làm thông qua đầu tư của Nhà nước và tư nhân), làm giảm thiểu phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy mới ra đời,nhưng nhiều quốc gia đã và đang thực hiện theo hướng xanh hóa nền kinh tế, thậm chí các chỉ tiêu đo lường đã được một số quốc gia áp dụng, như: GDP xanh (Green GDP) cho chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; những sản phẩm đã đăng ký và được cấp chứng chỉ ISO-14000, những sản phẩm xanh được cấp nhãn sinh thái (Eco-label)… Đến nay, các quốc gia cũng cơ bản nhất trí mục tiêu hướng tới của các nền kinh tế toàn cầu là “Kinh tế xanh”, trong đó tập trung vào “Sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Nhận diện các cơ hội và thách thức tại Việt Nam

Là một trong5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công sang phương thức phát triển “xanh”, Việc Nam cần phải nhận diện rõ những cơ hội và thách thức. Cụ thể:

 Về cơ hội

- Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh… là cơ hội cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới nền Kinh tế xanh. Vai trò bất biến của cao nguyên Bắc bộ và dãy Trường Sơn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước, cung cấp nơi cư trú và duy trì văn hóa bản địa, kiểm soát thiên tai, như: lũ lụt, lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai, trong Thỏa thuận toàn cầu của nền Kinh tế Xanh (Global Green New Deal), là một lợi thế chiến lược rất quan trọng của Việt Nam. Giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái có thể được ước tính, và giá trị hiện tại của chúng là một phần cơ bản của "vốn tự nhiên" của Việt Nam.

- Hiện nay, sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng thế giới là biến đổi khí hậu. Nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực, trong đó phát triển kinh tế cacbon thấp, tăng trưởng xanh đang là những xu hướng mới trong lộ trình tiến tới “Nền kinh tế xanh”. Việt Nam sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới khi hướng tới xây dựng“Nền kinh tế xanh”.

- Việt Nam đang có những thay đổi cơ bản sau 26 năm đổi mới và mở cửa,đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một sự phát triển vì con người. Những yếu tố đó được thực hiện trong một môi trường chính trị ổn định là cơ hội tốt cho triển khai thực hiện “Nền kinh tế xanh”.

- Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua tạo ra nội lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Hướng tới một nền “Kinh tế xanh”sẽ nhận được sự đồng thuận cao của xã hội vì những lý do sau: Những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian phát triển vừa qua đã tác động đến sự phát triển của đất nước; Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, như: năng lượng, nguồn nước, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, ngành xây dựng và đô thị, giao thông vận tải… đã thể hiện nhiều hạn chế, yếu kém mang tính hệ thống buộc Chính phủ đang phải cấu trúc lại những lĩnh vực này; Sau một thời gian phát triển từ khi đổi mới và mở cửa, người dân đã nhận thức được sự trả giá của mô hình phát triển của nền “Kinh tế nâu”.

- Nếu khủng hoảng lương thực trong ba thập niên tới, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm chủ chốt trong chuỗi đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Có thể gọi đây là "quyền lực xanh" của Việt Nam trong tương lai, xây dựng trên nền tảng của một nền kinh tế hiện nay có lợi thế cao về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên thế giới.

Về thách thức

 Một là, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền “Kinh tế xanh” hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Hiện nay chưa có văn bản pháp l‎ý nào của Việt Nam khẳng định nội hàm “Kinh tế xanh”. Khi không được nhận thức đầy đủ, thì tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.

Hai, sự khác biệt về cách thức tiến hành giữa nền kinh tế truyền thống - “Nền kinh tế nâu”với mô hình mới - “Nền kinh tế xanh”, cùng những thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cần phải bắt đầu từ đâu, như thế nào cũng chưa được làm rõ trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ba , “Nền kinh tế xanh”gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, cacbon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường…, trong khi thực tế,công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Do đó, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với “Nền kinh tế xanh”là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới.

Bốn là, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền kinh xanh”. Mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo,nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp. Đây là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong quá trình triển khai “Nền kinh tế xanh”.

Năm , cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “Nền kinh tế xanh” ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới “nền kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.

Định hướng thực hiện “nền kinh tế xanh”ở Việt Nam

Để thực hiện nền “Kinh tế xanh” ở Việt Nam,những định hướng cơ bản sau đây cần thực hiện:

1. Để xây dựng được một lộ trình với các chương trình hành động ưu tiên, cần thấm nhuần quan điểm về nền kinh tế xanh và định vị Việt Nam trong nền kinh tế xanh toàn cầu với những lợi thế có thể có được của Việt Nam.

Trong tương lai, tính cạnh tranh của nền kinh tế xanh của Việt Nam nằm chủ yếu ở những lĩnh vực xanh sẵn có, không phải ở những lĩnh vực công nghiệp không mang những giá trị gia tăng cao ngay ở thị trường "nâu" hiện nay. Vì vậy, cần tập trung tiếp cận sớm những kiến thức xanh và công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới, đầu tư vào giáo dục cho phát triển bền vững, khuyến khích kỹ năng kiến tạo của người Việt Nam.

2. Tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền “Kinh tế nâu” sang “Kinh tế xanh” để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp. Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đổi mới giáo trình, bài giảng theo hướng tiếp cận phát triển “Nền Kinh tế xanh”. Nâng cấp nội dung “Kinh tế môi trường” và “Kinh tế tài nguyên thiên nhiên” truyền thống theo hướng giảng dạy “Kinh tế xanh” .

3. Chuyển đổi sang “Nền kinh tế xanh”cần phải tăng cường năng lực cho bộ máy nhà nước ở các cấp về các kỹ năng phân tích thách thức, xác định cơ hội, đặt ưu tiên cho các hoạt động, huy động nguồn lực, thực hiện chính sách và đánh giá tiến độ. Hơn nữa,cũng phải có kế hoạch đào tạo cán bộ trong bộ máy hành chính về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh vì phát triển bền vững ở mọi cấp, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là về những phương pháp đo lường tiến bộ và đánh giá tài sản tự nhiên của nền kinh tế xanh quốc gia. Hạch toán Xanh (Green Accounting), hay Hạch toán Tài sản toàn diện (Inclusive Wealth Accounting) là những công cụ đã có trên thế giới, Việt Nam cần tiếp cận sớm.

4. Đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “Nền kinh tế xanh”,như:sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính; hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

5. Chú trọng quy hoạch tổng thể,quy hoạch đất đai cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy định tiêu chuẩn quốc tế.Cần đặc biệt quan tâm đến nguy cơ vừa mất đất canh tác, vừa có tình trạng đất canh tác bị suy thoái do các phương thức canh tác lạc hậu, thiếu tính bền vững.

6. Cải cách lại hệ thống thuế, trong đó tập trung thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển “Nền kinh tế xanh”được điều chỉnh thông qua công cụ tài chính và thuế khóa nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường.

7. Đối với chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cần có sự đổi mới, xem xét lại và hoàn thiện chỉ tiêu GDP xanh, cải tiến hệ thống tài khoản quốc gia (SNA)phản ánh đủ các chỉ tiêu tính toán môi trường trong hạch toán cân đối tài khoản quốc gia.

8.Rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách đã có liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái và đầu tư cho phát triển rừng thời gian vừa qua, gắn phát triển rừng với xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy hiệu quả thể chế “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”;những ưu thế của công cụ kinh tế liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, bổ sung và hoàn thiện công cụ này triển khai trong cả nước.

9.Dựa vào tiêu chí quốc tế,như dự tính của UNEP, là đầu tư công toàn cầu chiếm2% GDP cho phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần tổng kết xem trong thời gian vừa qua,mức độ đầu tư cho môi trường ở Việt Nam còn thiếu hụt bao nhiêu,để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

10.Tích cực hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng “Nền kinh tế xanh” ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển kinh tế xanh.

11. Điều hành kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa, từng bước thúc đẩy tiêu dùng trong nước để phát triển kinh tế, thông qua tăng lương cho người dân và đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người nông dân, tăng cường xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội, nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng… Việt Nam cũng cần xây dựng những địa bàn trọng điểm của nền kinh tế xanh ở nhiều vùng, như:cao nguyên Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên, hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, đặc biệt là đảo Phú Quốc. Việt Nam cần phải minh chứng rõ rệt mình đang chuyển dịch vào nền Kinh tế xanh với những địa bàn trọng điểm này.
_________________

Tài liệu tham khảo:

1. François-Régis Mahieu (2009). L’insoutenabilité sociale du développement durable? 

  2. Nguyễn Thị Ngọc Hải (2013). Tăng trưởng xanh – con đường bắt buộc, Báo Vietnamnet, truy cập từ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/103791/-tang-truong-xanh----con-duong-bat-buoc.html

3. http://www.unep.org/greeneconomy/

4. http://sustainabledevelopment.un.org/index.php?menu=1224