Chuyên tâm vào giải pháp mang tính cơ cấu

Theo Báo Đầu tư

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, các giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam 2013 cần nhắm vào nguyên nhân cơ bản là hệ thống thể chế phân bổ nguồn lực.

Thưa ông, nhắm vào nguyên nhân cơ bản là hệ thống thể chế phân bổ nguồn nghĩa là gì?

Chuyên tâm vào giải pháp mang tính cơ cấu - Ảnh 1
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Vấn đề cơ bản của nền kinh tế hiện nằm ở cơ cấu vi mô.

Cụ thể là, hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và đang giảm dần, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp. Thực trạng này là hệ quả của phân bổ nguồn lực sai lệch và bất hợp lý.

Cũng vì lý do này mà hệ thống các đòn bẩy và động lực khuyến khích sai lệch, không thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ, tổ chức quản lý để nâng cao năng suất và hiệu quả, không thực sự khuyến khích đầu đầu tư lớn, đầu tư dài hạn vào lĩnh vực chế tác, chế tạo…

Tất cả các biểu hiện nói trên lại là hệ quả của các thể chế kinh tế có liên quan và sự vận hành trên thực tế của hệ thống các thể chế đó. Vì vậy, các giải pháp cần thực hiện phải đảo ngược lại diễn biến này.

Như vậy, giải pháp nào được coi là trọng tâm?

Các giải pháp phải xây dựng trên mục tiêu tập trung vào nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh, thay vì tiếp tục tập trung mở rộng quy mô về lượng; tạo ra năng lực sản xuất mới, nguồn cung mới phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, thay thế cho những nỗ lực tập trung vào khai thác nguồn cung dư thừa hiện nay.

Ngay cả giải pháp hoàn thành đầu tư dở dang tạo ra nguồn cung cũng không còn phù hợp, nếu như không tính tới nhu cầu và năng lực cạnh tranh mới.

Việc huy động và phân bổ lại nguồn lực cần thực hiện cả ở tầng vi mô. Như vậy, trọng tâm của các giải pháp tập trung vào thay đổi cơ bản các thể chế để tạo nên hệ thống động lực mới nhằm thay đổi hành vi của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Đó là những giải pháp đổi mới thể chế hạn chế và loại bỏ dư địa và cơ hội “chạy theo và lợi dụng các mối quan hệ thân hữu, xin - cho để trục lợi”, loại những cơ chế tạo nên sự kém minh bạch, thậm chí không minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh

Thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cách thức quản trị doanh nghiệp nhà nước, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nguy cơ lạm dụng vị thế độc quyền, tạo nên bất bình đẳng về quyền, cơ hội kinh doanh và thiệt hại về lợi ích đối với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Thiết lập cơ chế mới về phân bổ và sử dụng đầu tư công, thiết lập cơ chế quản lý đảm bảo các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Thiết lập hệ thống khuyến khích hạn chế, thu hẹp tối đa lối đầu tư mang tính đầu cơ, trục lợi; ngắn hạn và chụp giật, đầu tư bầy đàn, chạy theo các giá trị ảo, bong bóng thị trường.

Việc triển khai thực hiện các công việc nói trên là quá trình, ít nhất là trung hạn. Tuy vậy, trước mắt, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, cần tập trung triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công theo đề án tương ứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô và cường độ lớn hơn, để nhanh chóng mang lại một số kết quả, cải thiện niềm tin của dân chúng và thị trường về một hiệu quả cụ thể của cải cách.