Cơ chế một cửa ASEAN: Những lợi ích tối ưu

Ngọc Ánh

Sáng ngày 08/9/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn nút công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong tiến trình hội nhập khu vực cũng như thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những dấu mốc quan trọng

Cơ chế một cửa ASEAN được manh nha từ ngày 7/10/2003, khi lãnh đạo các nước thành viên ASEAN ký kết Hiệp ước ASEAN II (Hiệp ước Bali II) tại Indonesia nhằm nỗ lực hướng tới hiện thực hóa một Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Một trong những công cụ thực hiện mục tiêu kế hoạch này là xây dựng Cơ chế một cửa ASEAN để xử lý bằng phương thức điện tử các chứng từ thương mại ở cấp độ quốc gia và khu vực.

Trên cơ sở mục tiêu đã xác định, hơn hai năm sau (ngày 11/12/2005), tại Kuala Lumpur (Malaysia), lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN. Ngay sau đó, các nhóm làm việc về kỹ thuật và pháp lý của ASEAN đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật việc thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia cũng như kế hoạch hành động Cơ chế một cửa ASEAN và các tài liệu kỹ thuật khác.

Để cụ thể hóa Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, đồng thời thông qua các hướng dẫn về kỹ thuật và kế hoạch hành động để triển khai cơ chế một cửa ASEAN, Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước ASEAN đại diện cho Chính phủ các nước đã ký kết Nghị định thư về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN trong năm 2006.

Kết quả cho những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong suốt những năm qua là việc 7 nước thành viên ASEAN bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã hoàn tất triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. Trong đó, có 5 nước thành viên ASEAN là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã công bố sẵn sàng kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng kế hoạch đã thống nhất vào tháng 12/2015.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước thành viên đi đầu thực hiện cam kết về Cơ chế một cửa quốc gia cũng như chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN.Từ giữa tháng 8/2015 tới giữa tháng 9/2015, trong khuôn khổ Dự án thí điểm Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã lần lượt thực hiện thành công kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đến ngày 08/9/2015 Việt Nam đã chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN.

Lợi ích đa chiều

Cơ chế một cửa ASEAN được đánh giá là môi trường mang lại lợi ích đa chiều cho các quốc gia cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Đối với Chính phủ, Cơ chế một cửa ASEAN giúp đảm bảo sự minh bạch và nâng cao tính tuân thủ nhằm giảm thiểu các rủi ro khi thực thi các quy định bằng phương thức thủ công. Sự tương kết của Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia sẽ cho phép có thể kiểm tra, tham chiếu các chứng từ thương mại xuyên biên giới cũng như các chứng từ do các cơ quan chính phủ cấp thông qua các cơ sở dữ liệu quốc gia, khu vực và các hệ thống tình báo khác. Bên cạnh đó, Cơ chế một cửa ASEAN còn mang lại lợi ích trong trường hợp xảy ra thiên tai khi Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia có thể được sử dụng để thông quan nhanh các lô hàng cứu trợ. Nhờ phương thức điện tử, các dữ liệu quan trọng giữa các cơ quan và tích hợp các bộ mã cơ quan cứu trợ đã được phê duyệt trước vào trong Hệ thống dữ liệu tham chiếu của Ứng dụng khu vực Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với thương mại, việc thực hiện trao đổi dữ liệu điện tử (thông quan phi giấy tờ) qua Cơ chế một cửa ASEAN sẽ ngày càng giảm thiểu sử dụng chứng từ giấy. Nhờ vậy, Cơ chế một cửa ASEAN hiệu quả hơn và dễ dự báo hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc mở rộng trao đổi dữ liệu thông qua Cơ chế một cửa ASEAN sẽ cho phép doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tái sử dụng dữ liệu như việc tự động lấy các dữ liệu từ chứng từ thương mại, chứng từ vận chuyển, tờ khai xuất khẩu… để phục vụ cho khai báo tờ khai hải quan nhập khẩu. Từ đó sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp kể cả các chi phí liên quan đến vận chuyển, lưu trữ, tài liệu hỏng và luân chuyển tiền trong thanh toán.

Cơ chế một cửa ASEAN với đặc tính là một môi trường mà các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và kết nối với nhau. Hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia sẽ cho phép xuất trình dữ liệu và thông tin một lần; xử lý thông tin và dữ liệu một lần và đồng thời; và ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hoá. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan hải quan là một cơ quan ra quyết định duy nhất đối với việc giải phóng hàng hoá trên cơ sở quyết định của các bộ ngành chức năng được kịp thời gửi tới hải quan.Như vậy, Cơ chế một cửa ASEAN sẽ là một môi trường kết nối bảo mật kết nối tất cả các hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên. Bởi vậy, thông tin về thương nhân, đơn vị vận tải, hàng hóa, tình trạng quản lý của các cơ quan Chính phủ sẽ dễ dàng được chia sẻ, tham khảo, đối chiếu tại tất cả các nước thành viên.

Nhấn mạnh hơn về việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là một cơ hội lớn để các Bộ, ngành đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại và vận tải quốc tế. Việc thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia chính là minh chứng sát thực cho chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam và là một trong những đột phá chiến lược, giải pháp quan trọng để Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế thành công.