Cơ hội cải cách tiền lương trước Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chính sách tiền lương cũng dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường và hội nhập, tách bạch tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp (tức là khu vực phụ thuộc ngân sách nhà nước) và tiền lương đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vậy khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 thì những cơ hội và thách thức trong cải cách tiền lương là gì và Việt Nam phải làm gì để vượt qua?

Cơ hội cải cách tiền lương trước Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015
Xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Nguồn: internet
Nhiều năm nay, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 15%/năm so với các ngành khác, theo đó, nhu cầu lao động trong ngành dệt may là khá lớn. Theo phân tích của Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, trong khoảng 5 năm qua, ngành dệt may đang xuất hiện 3 xu hướng dịch chuyển của doanh nghiệp, cụ thể: thứ nhất, nếu trước đây các doanh nghiệp may chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, thì hiện nay các doanh nghiệp may đã gắn chặt với các vùng nông thôn, đông dân cư để thu hút lao động địa phương với giá nhân công vừa phải; thứ hai, có sự đầu tư vào máy móc công nghệ, tăng kết nối tự động hóa, tiết kiệm tiền lương, chuẩn bị cho nhu cầu hàng hóa tăng lên mà không phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật; thứ ba là tạo ra môi trường lao động tốt. Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ngành dệt may phát triển, tăng nhu cầu tuyển dụng lao động và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Vậy doanh nghiệp chuẩn bị như thế nào để tăng năng suất lao động, thích ứng với tiền lương tăng khi hội nhập? Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, người làm quản lý doanh nghiệp phải giải quyết bài toán về lao động, chất lượng lao động, năng suất lao động và kèm đó chính là những yếu tố tạo ra năng lực cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, đối với khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường. Trên cơ sở tôn trọng quyền của các bên trong việc xác định tiền lương và ban hành mức lương tối thiểu, Việt Nam đã thành lập hội đồng tiền lương quốc gia vào năm 2013 dựa trên cơ chế đối thoại 3 bên: Chính phủ, người lao động và doanh nghiệp. Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường, có sự quản lý nhà nước, tạo động lực tăng năng suất. Cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam sẽ tiến hành tái cơ cấu nguồn lực lao động, chú trọng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thì thương lượng tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, việc có tăng lương bằng thương lượng được hay không còn phụ thuộc vào năng suất lao động và chất lượng của người lao động. Ông Phillip Hazelton, cố vấn trưởng Dự án quan hệ lao động Việt Nam - Tổ chức Lao động quốc tế, cho rằng: các quốc gia ASEAN đang đối mặt 2 thách thức lớn về tiền lương: thứ nhất, không có mối liên hệ giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động; thứ hai, khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng. Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ tăng nhu cầu đối với lao động có tay nghề cao và có thể chủ nhóm lao động này mới được tăng lương, việc này sẽ góp phần làm gia tăng bất bình đẳng tiền lương giữa các nhóm lao động. Chính vì vậy, Việt Nam cần có lộ trình tăng lương bên cạnh việc thúc đẩy tăng năng suất lao động và người lao động cần được đàm phán về tiền lương của mình trên cơ sở năng suất lao động…

Để vượt qua những thử thách trong cải cách tiền lương khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần xác định tốt sàn tiền lương để bảo vệ người lao động khỏi bị trả lương quá thấp. Đặc biệt, thương lượng tập thể mạnh hơn để mức tăng lương đi cùng với tăng năng suất ở các ngành và doanh nghiệp.