Cơ hội đồng thời là thách thức với Việt Nam

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia đang trong những vòng đàm phán gấp rút cuối cùng trước khi có thể hoàn thành vào cuối năm nay. Các thỏa thuận tự do hóa, ưu đãi về thuế suất xuất khẩu sẽ mang lại lợi ích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam và thu hút đầu tư FDI vào nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh lớn từ các nước thành viên.

Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia là gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam vừa hoàn tất phiên đàm phán thứ 19 tại Brunei vào ngày 1/9. Các thành viên tham gia thống nhất cao việc thúc đẩy nhanh đàm phán TPP và dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013.

Khi tham gia TPP, các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi thuế suất của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về 0 trong một lộ trình nhất định. Hiệp định này sẽ tạo thuận lợi hóa cho thương mại của các quốc gia thành viên. Đối với Việt Nam, TPP sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên, đặc biệt là 2 cường quốc kinh tế là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 2012, giá trị xuất khẩu của nước ta sang Hoa Kỳ xấp xỉ 20 tỷ USD, sang thị trường Nhật Bản đạt 9 tỷ USD. 8 tháng đã qua của năm 2013, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực, chắc chắn sẽ là một cú hích lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Nguyễn Thị Hoàng Thúy, trong ngắn hạn và trung hạn, việc tham gia TPP là cách duy nhất để Việt Nam có quan hệ thương mại tự do FTA với Hoa Kỳ. Khi đó, nước ta sẽ có quan hệ FTA với Hoa Kỳ trước so với một số nền kinh tế khác trong khu vực tương đồng và cạnh tranh trực tiếp với kinh tế Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… bởi các quốc gia này chưa tham gia đàm phán TPP. Đây là lợi thế nhất định mà các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng để tiếp cận, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da dày, dệt may, các mặt hàng thủy sản, nông sản và đồ gỗ.

Cũng theo Phó vụ trưởng Nguyễn Thị Hoàng Thúy, khi gia nhập TPP, thuế xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng sẽ về 0 trong vòng 10 năm. Đây sẽ là cú hích mạnh cho xuất khẩu của Việt Nam vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. TPP cũng sẽ tạo ra sự ràng buộc chắc chắn và có độ phổ rộng hơn nhiều so với Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam. Song song với lợi thuế xuất khẩu, TPP cũng sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư FDI mới từ Hoa Kỳ và các nước thành viên khác vào nước ta. Đây được cho sẽ là một trong các động lực giúp kinh tế Việt Nam phục hồi đà tăng trưởng sau giai đoạn khó khăn từ năm 2011 đến nay.

Khi tham gia TPP, cơ hội cũng đồng thời là thách thức đối với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong luật chơi mới, khi hàng rào thuế suất được dỡ bỏ về 0, cũng là lúc các quốc gia sử dụng các biện phóng phòng vệ thương mại, dựng lên các hàng rào kỹ thuật. Một trong những yêu cầu của TPP là các sản phẩm xuất khẩu chỉ được ưu đãi khi sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên. Đây là quy định gây khó cho ngành dệt may, da giày của Việt Nam, bởi rất nhiều nguyên liệu của hai ngành sản xuất này phải nhập khẩu từ Trung Quốc, không phải là nước thành viên của TPP.

Mặt khác, các hàng rào kỹ thuật, về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng sẽ gây khó cho các mặt hàng nông sản và thủy sản Việt Nam, vốn chưa quen với các điều kiện này. Chưa kể các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là kiện chống bán phá giá đang được sử dụng ngày càng thường xuyên.

Cơ hội thu hút đầu tư FDI cũng đồng thời với thách thức mở cửa thị trường và áp lực cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Tình cảnh thua ngay trên sân nhà sẽ không tránh khỏi nếu như các doanh nghiệp Việt Nam, với năng lực cạnh tranh còn hạn chế, không gấp rút tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm để có thể cải thiện sức cạnh tranh của mình. Tuy cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh đối với cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của chúng ta, nhưng những tập đoàn lớn mạnh công nghệ cao, năng lực quản trị chuẩn mực sẽ dễ dàng đánh bại các doanh nghiệp Việt Nam còn thua kém nhiều mặt, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, bất động sản.

Đón nhận một làn sóng đầu tư FDI mới khi TPP có hiệu lực là một cơ hội có thể thấy rõ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đón nhận cơn sóng này với một tâm thế chủ động cụ thể như thế nào. Sau thời gian dài trải thảm đỏ kêu gọi FDI vào Việt Nam, rất nhiều mục tiêu về lan tỏa và chuyển giao công nghệ, về trình độ kỹ năng và chất lượng nguồn nhân lực, về sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước… đã không đạt được như dự định.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, ngay khi TPP còn đang đàm phán, thì đã có nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước khác xúc tiến việc đầu tư tại Việt Nam đón những lợi ích mà TPP mang lại. Khi các ngành xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn về công nghệ, linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc, thì việc các nhà đầu tư Trung Quốc đổ sang đầu tư tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP là điều đã và đang xảy ra. Như vậy, các doanh nghiệp Việt và nền kinh tế quốc gia thực sự hưởng lợi như thế nào và có đủ sức để tận dụng các lợi ích từ TPP hay không là câu hỏi không dễ trả lời.

Nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và hội nhập quốc tế hơn 20 năm. Các thỏa thuận về tự do thương mại, các kinh nghiệm cạnh tranh, đặc biệt kể từ khi chúng ta gia nhập WTO ít nhiều được tích lũy. TPP là hiệp định thương mại thế hệ mới, có mức độ cam kết rộng hơn và sâu hơn nhiều so với WTO và yêu cầu tự do hóa cao của các đối tác, tham gia TPP, Việt Nam buộc phải có những điều chỉnh cụ thể, hài hòa giữa cơ hội và thách thức.

Các điều chỉnh bao gồm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng thị trường, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn chỉnh hệ thống luật và chính sách về thủ tục đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp cần phải ý thức được điểm yếu của mình, nhanh chóng cơ cấu và đổi mới để có thể tận dụng tối đa lợi ích mà TPP mang lại.