Diễn đàn Kinh doanh với thị trường Kazakhstan:

Cơ hội mở rộng kinh doanh

Theo daibieunhandan.vn

Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam - Kazakhstan được đánh giá là khá sáng sủa khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã được ký kết. Cánh cửa mới cho hợp tác toàn diện giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực sẽ mở ra, nhất là đối với các mặt hàng nông nghiệp, thực phẩm, hàng dệt may, tiêu dùng và hàng điện tử các loại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2014, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 230 triệu USD. Trong đó, nước ta xuất khẩu sang thị trường này đạt 218,4 triệu USD, tăng trên 40% so với năm 2013; nhập khẩu từ thị trường này đạt hơn 10 triệu USD, tăng gần 2 lần so với năm 2013.

Tuy nhiên, so với tiềm năng của hai nước thì vẫn còn khiêm tốn khi kim ngạch thương mại song phương chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của mỗi nước, với nước ta là 0,07%, còn với Kazakhstan là 0,2%. Các mặt hàng trao đổi thương mại giữa hai nước còn hẹp, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp...

Kazakhstan chủ động mở cửa thị trường

Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Cộng hòa Kazakhstan cho biết, Kazakhstan là quốc gia đầu tiên trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) được công nhận nền kinh tế thị trường và trở thành đất nước dẫn đầu trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số tiền hơn 200 tỷ USD. Từ năm 2007, dù ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng GDP hằng năm vẫn tăng trên 4,6%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 13.000USD/người/năm.

Hiện tại, Kazakhstan đã bước vào danh sách 50 nước cạnh tranh lớn nhất thế giới và danh sách 30 nước phát triển nhất thế giới. Đây là kết quả của việc Tổng thống Kazakhstan đưa ra gói cải cách 100 bước cụ thể, xoay quanh 5 hướng chính là hình thành một bộ máy nhà nước hiện đại; bảo đảm quyền thượng tôn của pháp luật; công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế; củng cố sự hài hòa của dân tộc và sắc tộc; tăng minh bạch báo cáo nhà nước.

Đối phó với vấn đề suy thoái, Kazakhstan đã ban hành Chính sách kinh tế mới, gọi là Nurly Zhol (con đường sáng) nhằm tiếp tục cải cách nền kinh tế. Cụ thể là nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, xã hội và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây được coi là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này trong 3 năm tới và cho phép cải thiện tăng trưởng kinh tế thêm 2,2%, dù giá dầu giảm. Đây là cơ sở để doanh nghiệp các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh đầu tư vào Kazakhstan, trong đó, có các doanh nghiệp Việt Nam, và Kazakhstan luôn sẵn sàng mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp đến đầu tư.

Mở rộng cơ hội FTA EAEU

Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công thương Dương Hoàng Minh cho rằng, Kazakhstan là một thị trường đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp trong nước chưa khai thác hết. Vì vậy, với việc Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã được ký kết, trong đó Kazakhstan là một thành viên, sẽ mở ra cánh cửa mới cho hợp tác toàn diện giữa nước ta và Kazakhstan trên tất cả các lĩnh vực, nhất là cho các mặt hàng nông nghiệp, thực phẩm, hàng dệt may, tiêu dùng và hàng điện tử các loại.

Để đi sâu vào thị trường đầy tiềm năng này, theo ông Dương Hoàng Minh, các doanh nghiệp phải tận dụng được những cơ hội mà FTA EAEU mang lại. Cụ thể,

thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của Hiệp định để có thể tận dụng tối đa các ưu đãi, chuẩn bị kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh để phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan với các mặt hàng xuất khẩu.

Thứ hai, cần khảo sát kỹ lưỡng các tuyến đường, phương tiện vận tải và kho hàng bến bãi để bảo đảm có chi phí cạnh tranh thấp nhất, bởi vì Kazakhstan là quốc gia không có bãi biển.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trong nước, tìm hiểu kỹ những dự án hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng để giải quyết khó khăn trong khâu thanh toán giữa các doanh nghiệp nước ta với thị trường Kazakhstan.

Thứ tư, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm mà Kazakhstan đề ra.

Thứ năm, chủ động tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ, triển lãm để nâng cao sự hiểu biết về thị trường, khách hàng tại Kazakhstan, qua đó, tìm kiếm, thiết lập và củng cố các mối quan hệ hợp tác kinh doanh.

Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành và VCCI trong việc triển khai công tác tuyên truyền phổ biến về Hiệp định đến tất cả doanh nghiệp trên cả nước.