Cơ khí Việt Nam cần đón bắt hệ năng lực mới để phát triển

PV.

Với lợi thế về nguồn nhân lực và lợi thế của nước đi sau trong khu vực mà khoa học công nghệ, vốn đầu tư cùng với tri thức kinh doanh đang chuyển dịch mạnh mẽ, ngành Cơ khí Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực, đón nhận và hòa mình vào cuộc chơi hội nhập toàn cầu.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Thời gian qua, thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Cơ khí đã có nhiều nỗ lực tạo nhiều chuyển biến ở một số lĩnh vực như: Chế tạo thiết bị thủy công (cung cấp cho các công trình nhà máy thủy điện lớn, nhỏ trong nước), chế tạo giàn khoan dầu khí (giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí đến độ sâu –120m, giàn khoan tự nâng 90m nước, giàn khoan khai thác dầu giếng), thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại (tàu chở dầu đến trọng tải 105 nghìn DWT, tàu chở khí hóa lỏng trọng tải đến 5.000 tấn, tàu chở hàng rời…), các công trình thiết bị toàn bộ (nhà máy đường công suất 1.000 tấn mía/ngày, chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm), trong nước đã sản xuất, lắp ráp hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, toa xe lửa.

Mục tiêu đến 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước. Về xuất khẩu, đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35%, đến năm 2030 đạt 40% và đến 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), giá trị sản xuất công nghiệp ngành Cơ khí năm 2015 chiếm 16,36% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; giá trị xuất khẩu năm 2015 chiếm 11,9% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Những kết quả đạt được của ngành Cơ khí đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Cơ khí nước ta còn tồn tại một số hạn chế như: Thiếu nhất quán trong việc triển khai cơ chế chính sách phát triển ngành Cơ khí; Các doanh nghiệp cơ khí nhà nước chậm đổi mới, doanh nghiệp tư nhân quy mô lại nhỏ; Việc đầu tư cho ngành Cơ khí còn ít và mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp; Thiếu sự phối hợp, phân công lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành; Vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn hạn, lãi suất biến động, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của cơ khí. Tình trạng chiếm giữ độc quyền công nghệ và thiết bị làm hạn chế phân công chuyên môn hóa, chậm đổi mới kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất cơ khí, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chi phí sản xuất cao…

Những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới

Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đặt mục tiêu đến 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.

Về xuất khẩu, đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35%, đến năm 2030 đạt 40% và đến 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Để có thể khắc phục những tồn tại khó khăn và thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra cũng như đón bắt hiệu quả hệ năng lực mới để phát triển, thời gian tới ngành Cơ khí Việt Nam cần tập trung chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xác định việc tạo dựng thị trường là yếu tố tiên quyết cho phát triển, xử lý tình trạng gian lận thương mại, nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng.

Thứ hai, tạo dựng nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất ổn theo đặc thù sản xuất cho các doanh nghiệp ngành Cơ khí.

Thứ ba, ban hành các quy định thầu sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước và quản lý các gói tổng thầu dạng Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước.

Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thứ năm, triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp nhận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.