Có luật vẫn khó phá sản ngân hàng

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Những ngân hàng yếu kém sẽ phải giải thể. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây chỉ là cách để tạo niềm tin cho thị trường về một cơ chế minh bạch trong tương lai, còn phá sản ngân hàng trong nước rất khó xảy ra.

Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập – hợp nhất… nhằm ổn định hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội hơn là phá sản những ngân hàng yếu kém. Nguồn: Internet
Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập – hợp nhất… nhằm ổn định hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội hơn là phá sản những ngân hàng yếu kém. Nguồn: Internet

Nhiều chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng có 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt gồm: Phục hồi, sáp nhập – hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần – phần vốn góp, giải thể, chuyển giao bắt buộc và cuối cùng là phá sản. 

Vì vậy, Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập – hợp nhất… nhằm ổn định hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội hơn là phá sản những ngân hàng yếu kém.

Người dân không nên lo lắng

Chiều 20/11, với 88,8% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Trong đó có nội dung từ ngày 15/1/2018, ngân hàng yếu kém bị buộc phải phá sản.

Theo các chuyên gia, quy định này càng làm dư luận quan tâm hơn. Thậm chí, thời gian tới sẽ có làn sóng rút tiền từ ngân hàng nhỏ để gửi tiền vào các ngân hàng lớn.

Còn nhớ, tháng 10/2014, thông tin ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) bị bắt gây nên tâm lý hoang mang của khách hàng có giao dịch với ngân hàng này. Những ngày sau đó, số lượng khách hàng đến rút tiền trước kỳ hạn tăng mạnh. 

Do vậy, thông tin Quốc hội cho phá sản ngân hàng yếu kém sẽ có tác động lớn đến những ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu như: DongABank, GPBank, OceanBank, CBBank … Đây là những ngân hàng có nguy cơ bị phá sản cao nhất khi Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, đến lúc cho phép ngân hàng phá sản còn cần rất nhiều bước đi và thủ tục. Do đó, người dân gửi tiền nên yên tâm và chưa phải lo lắng ở thời điểm hiện tại. Nhưng, để người dân yên tâm, Ngân hàng Nhà nước cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ về “sức khỏe” của ngân hàng.

Hiện nay, tất cả các đánh giá, xếp hạng ngân hàng của cơ quan quản lý chưa được công khai, người dân mới chỉ được tiếp cận các thông tin xếp hạng do các tổ chức tín nhiệm quốc tế công bố và không hẳn các thông tin về hoạt động kinh doanh ngân hàng đã đầy đủ.

Nên tăng mức bảo hiểm tiền gửi

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, rồi 2010 đều xác định việc phá sản ngân hàng theo quy định chung của pháp luật. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có riêng Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định về việc này. Đặc biệt, Luật Phá sản năm 2014 đã có riêng một chương dành cho phá sản ngân hàng. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, có nhiều ngân hàng yếu kém, nhưng chưa có ngân hàng nào phá sản mà chủ yếu là sáp nhập hoặc được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng.

Dưới góc độ là người tham gia thẩm định Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 và Ban soạn thảo Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, ông Đức nhận định: “Rất khó có chuyện quyết cho phá sản ngân hàng”. 

Ông Đức cho rằng với những ngân hàng yếu kém, bước đường cùng cũng chỉ dừng lại ở chỗ cổ đông mất tiền, còn khách hàng gửi tiền, nhất là gửi tiết kiệm, sẽ vẫn được bảo vệ.

Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng một ngân hàng yếu kém sẽ được áp dụng 5 bước, nếu 4 bước trên mà không thành công thì mới cho phá sản. 

“Tại thời điểm này, tất cả ngân hàng đều được Ngân hàng Nhà nước bảo vệ nên người dân không có gì phải lo lắng. Ít nhất phải chuẩn bị đâu đó khoảng 3 năm nữa mới có thể áp dụng thực hiện việc phá sản ngân hàng”, ông Hiếu cho biết.

Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội ngày 17/11 về vấn đề cho phá sản ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào, các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu đầu tiên an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. 

“Như vậy, quan điểm mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước phải đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền”, Thống đốc khẳng định.

Liên quan đến mức phí bảo hiểm tiền gửi khi ngân hàng phá sản, các chuyên gia cho rằng việc quy định mở là Nhà nước sẽ chi trả cho người gửi tiền theo thực lực của nền kinh tế sau khi bảo hiểm tiền gửi đã bồi thường để bồi thường là phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. 

Tuy nhiên, việc ấn định mức bồi thường tối đa 75 triệu đồng như hiện nay thì người gửi 100 triệu cũng như người gửi 1 tỷ đồng, như thế là không công bằng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hưng cho biết, để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng.

Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng Ngân sách Nhà nước, theo đúng nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực nhà nước khác để xử lý vấn đề này.