Cổ phần hóa chậm: Vướng "bài toán" lợi ích?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Taichinh) - Cổ phần hóa là một giải pháp được nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra về kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2015. Để tiếp tục thúc đẩy quá trình này, cần tìm rõ những vướng mắc làm chậm quá trình cổ phần hóa để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc xung quanh vấn đề này.

Phóng viên:Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế gần đây có đề cập đến việc đưa ra Luật hoặc Nghị quyết để thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Xin ông cho biết cụ thể hơn về đề xuất này ?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc: Đây là một đề xuất của Ủy ban Kinh tế, cũng trên cơ sở ý kiến của nhiều chuyên gia. Luật này có thể là cơ sở pháp lý để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Đã có bài học về quá trình tư nhân hóa ở các nước, nếu làm vội vàng, chưa có khuôn khổ pháp lý vững chắc, thì có thể gây thất thoát cho tài sản Nhà nước.

Bên cạnh đó, nếu không có cơ sở pháp lý để giải quyết những vướng mắc hiện nay thì Chính phủ cũng sẽ khó khăn trong việc ban hành văn bản chỉ đạo. Có cơ sở như vậy, tôi cho là tốt.

Chúng ta cũng đã có các luật khác nhau để quản lý phần vốn của Nhà nước nhưng có thêm luật này sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Nhiều ý kiến lo ngại quá trình cổ phần hóa chậm so với kế hoạch, khó hoàn thành chỉ tiêu. Vậy nguyên nhân vì sao?

Có một lý do là mức độ tích cực, quyết liệt của các bộ, cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng khác nhau. Ví dụ như Bộ Giao thông vận tải được đánh giá rất tích cực. Vậy các cơ quan khác vướng ở đâu, liệu có phải do lợi ích cục bộ của ngành, lợi ích nhóm ở đây không?

Xử lý các lợi ích đấy có lẽ không chỉ bằng văn bản của Chính phủ mà được. Vì vậy, đưa vấn đề ra Quốc hội sẽ tăng tính hiệu quả. Khi Quốc hội đã ban hành văn bản, Quốc hội có trách nhiệm giám sát để thúc đẩy quá trình này.

Thời điểm này để ban hành Luật thì liệu có kịp hay không, thưa ông?

Vấn đề này phải chờ sau khi chúng ta thảo luận về nội dung kinh tế xã hội, lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội. Với Quốc hội sẽ có hai hình thức, ban hành Luật hoặc Nghị quyết.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng nếu ban hành Luật với quy trình hiện nay sẽ chậm. Hơn nữa, trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng chưa có nội dung về cổ phần hóa. Vì vậy, theo tôi, nếu cần thiết có thể xem xét có Nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết riêng để thúc đẩy và tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa.

Đây là giải pháp linh hoạt nhất thay cho Luật, mặc dù về mặt lâu dài, vấn đề này không chỉ liên quan đến cổ phần hóa, mà cả những vấn đề về tái cơ cấu, chuyển nhượng, thoái vốn… cần tháo gỡ.

Với sự giám sát của Quốc hội và những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, theo ông, hoạt động cổ phần hóa thời gian tới sẽ có bước tiến mạnh mẽ hơn không?

Đúng vậy, tôi cho rằng các hoạt động cổ phần hóa tới đây sẽ rất mạnh mẽ. Chủ trương của Đảng, Quốc hội đã nêu rõ, Chính phủ cũng rất quyết liệt, và đặc biệt là theo yêu cầu khách quan thị trường.

Hiện nay, việc cổ phần hóa các DN ở các tỉnh hầu như đều đã hoàn thành, chỉ còn lại chủ yếu là các DN lớn ở các thành phố như Hà Nội, TP.HCM. Nhiều tỉnh cho biết đã tiến hành cổ phần hóa xong, chỉ còn lại một số ít DN công ích phải giữ 100% vốn theo quy định. Ở tầm quốc gia, Quốc hội cũng đã rất quan tâm tới quá trình cổ phần hóa.

Các Nghị quyết hàng năm, 5 năm về kinh tế đều đề cập đến vấn đề này, đặc biệt là giai đoạn chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế. Cổ phần hóa là một giải pháp để tái cơ cấu, khi đặt cổ phần hóa trong bối cảnh của tái cơ cấu mới thấy rõ ý nghĩa quan trọng của giải pháp này.

Xin cảm ơn ông!