Cổ phần hóa sai bản chất: Mạo hiểm với nền kinh tế suy yếu

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) "Với nội lực của nền kinh tế hiện nay, tôi cảnh báo sẽ rất mạo hiểm nếu ai đó muốn tiếp tục thử nghiệm trên "cơ thể" suy yếu của nó" - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chương trình Kinh tế Fulbright khẳng định.

Hầu như các doanh nghiệp nhà nước chưa có chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tốt. Nguồn: internet
Hầu như các doanh nghiệp nhà nước chưa có chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tốt. Nguồn: internet

Phóng viên: Thưa ông, tại sao người ta nói mãi câu chuyện tái cấu trúc chậm, nhất là ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhưng liệu có thể tái cấu trúc mà chỉ thay tên đổi họ, chuyển khó cho các tập đoàn khác, giãn nợ, khoanh nợ... được không?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Hiện tại, các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã và đang được bao bọc, nuôi dưỡng bởi hệ thống cũ. Nếu phải tái cấu trúc, tức là phải phá vỡ hệ thống đó đi, thì chắc chắn sẽ khó tránh khỏi sự chống đối và phản kháng.

Trong khi đó, những lợi ích của tái cấu trúc sẽ không dễ được nhìn thấy, đặc biệt là đối với những con người vốn đã có con mắt thiển cận, tầm nhìn ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ… Như vậy, lợi ích thì không thấy rõ mà rủi ro thì đã hiển hiện thì lẽ đương nhiên không ai dám mạo hiểm, không ai dám lĩnh ấn tiên phong cả.

Nói khác đi, ngay cả những con người muốn đổi mới thì cũng chưa hẳn dám làm người tiên phong nếu như cả hệ thống không ủng hộ họ. Điều này lý giải vì sao đến nay tiến trình tái cấu trúc vẫn giậm chân tại chỗ, không ai muốn làm hoặc nếu có làm thì cũng làm theo kiểu thăm dò hoặc làm theo kiểu nhìn nhau, nghe ngóng.

Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc theo kiểu “thay tên đổi họ”. Chắc chắn đây không thể gọi là tái cấu trúc được ngay cả khi nó được “đính kèm” với các phương án xử lý yếu kém. Thực tế cho thấy các phương án này chỉ là tập hợp của những biện pháp rời rạc, chắp vá, thiếu hệ thống, chỉ sửa chữa tạm những trục trặc hiện có nhưng xét cho cùng cũng chỉ là cách làm cũ, con người cũ đi cùng với tư duy cũ, và đặc biệt là luật chơi cũ.Điều này một phần cũng do cơ chế chịu trách nhiệm và thưởng cùa chúng ta không rõ ràng. Khi cơ chế thưởng - phạt chưa phân định rạch ròi sẽ rất khó có động cơ khuyến khích người lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tái cấu trúc.

Với cách làm như vậy tôi nghĩ sẽ rất khó để chúng ta có thể tránh được những sai lầm tiếp diễn trong tương lai, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Để tiêu tái cấu trúc, có rất nhiều mục tiêu nhưng tại sao người ta chỉ chú trọng vào cổ phần hóa (CPH)?

Việc tái cấu trúc DNNN hiện nay mới chỉ chủ yếu tập trung vào CPH là vì một số lý do.

Thứ nhất, CPH vốn đã từng được xem là một công cụ tái cấu trúc DNNN nói riêng, khu vực kinh tế nhà nước nói chung từ những năm đầu thập niên 1990. Trong quá trình đó đã có những thành công nhưng cũng có không ít thất bại.

Có những giai đoạn CPH được đẩy nhanh nhưng cũng có những năm diễn ra chậm chạp. Đặc biệt từ 5 năm trở lại đây, tiến trình CPH đã bị ngưng trệ và rất nhiều việc vẫn còn đang dang dở.

Chính vì vậy, khi đặt lại vấn đề cải cách DNNN thì Chính phủ lại chọn CPH như một biện pháp cứu cánh, là sự tiếp nối của những công việc dở dang của những năm qua. Chúng ta biết rằng, các trục trặc chính của khu vực DNNN hiện nay không phải là do sự trì hoãn của các biện pháp CPH những năm qua. Do đó, việc chỉ tiếp nối các công việc trước đây sẽ là không đủ để làm cho khu vực DNNN trở nên hiệu quả hơn được.

Thứ hai, vai trò đầu tàu của DNNN với nền kinh tế mà Nhà nước đã và vẫn tiếp tục lựa chọn.

Một đoàn tàu kinh tế sẽ không thể tiến lên được nếu như đầu tàu không hoạt động. Sự yếu kém và trì trệ của các DNNN vốn đã được nhận diện và phân tích từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến các yếu kém đó chính là sự chậm trễ trong mô hình tổ chức và hoạt động, đặc biệt là do mâu thuẫn nảy sinh giữa ba vấn đề sở hữu, quản lý và giám sát, mà chúng tôi gọi là tình trạng “ba trong một.” Do đó, CPH DNNN được Chính phủ lựa chọn như một biện pháp khả dĩ nhằm xử lý trục trặc này cũng như để kích hoạt lại cái đầu tàu vốn đã bị hỏng đó.

Thứ ba, CPH có lẽ là biện pháp dễ thực hiện nhất trong cả quá trình tái cấu trúc. CPH là công việc mà chúng ta đã có kinh nghiệm từ trước nên sẽ dễ thiết kế chính sách và lập kế hoạch hơn, tránh được nhiều rủi ro so với trường hợp áp dụng các biện pháp cải cách hoàn toàn mới mà trước đó vốn chưa có tiền lệ.

 Rõ ràng, việc tái cấu trúc DNNN bằng các biện pháp mới, táo bạo và mạnh mẽ có thể sẽ rất thử thách và rủi ro cho người đi tiên phong, trong khi các lợi ích hiện hữu sẽ phải bị mất đi hoặc thu hẹp lại. Chính điều đó sẽ rất khó để tạo ra sự đồng thuận hay thúc ép cải cách cho cả hệ thống. Do đó, việc tiếp nối các công việc dở dang trên cơ sở các kinh nghiệm đã có sẽ vừa giúp giảm rủi ro vừa dễ thúc ép, vừa tìm được sự đồng thuận của hệ thống hơn.

Thứ tư, CPH cũng có nhiều tính chất và cấp độ (hoàn toàn hoặc từng phần), và do vậy tùy vào điều kiện được gọi là độ “chín muồi” của từng DN mà Chính phủ sẽ dễ dàng cân nhắc cấp độ nào nên được áp dụng cho DN nào. Điều này trên thực tế đang tạo ra một số rủi ro, chẳng hạn như một số DNNN, dưới thúc ép buộc phải CPH, đã tìm cách thương lượng để Nhà nước vẫn tiếp tục nắm cổ phần chi phối trong DN sau CPH nhằm duy trì lợi ích công cộng mà thực chất là lợi ích cá nhân.

Như vậy chúng ta thấy rằng, việc tái cấu trúc DNNN chỉ dựa chủ yếu vào CPH sẽ là không đủ để giúp cho thành phần này trở nên có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh và năng suất hơn. Điều nguy hiểm hơn chính là việc quá chú trọng vào biện pháp cứu cánh CPH vô hình trung sẽ làm cho mục tiêu và phương hướng tái cấu trúc DNNN bị diễn đạt một cách lệch lạc không đúng bản chất. Hệ quả là những yếu kém tồn tại cố hữu của khu vực DNNN sẽ vẫn còn nguyên và chúng ta lại một lần nữa bỏ qua cơ hội đổi mới chính mình để vực dậy và đưa nền kinh tế đi lên.

Chưa xác định được phương hướng rõ ràng nhưng vẫn cho tái cấu trúc kiểu Vinashin, hay CPH như VNA liệu có được coi là mạo hiểm. Hệ quả nhìn thấy là gì? Chúng ta cần phải có quan điểm rõ ràng như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Thực tế đã chứng minh, các DNNN, dù đã được trao rất nhiều cơ hội, nhưng đến nay vẫy không thể đưa nền kinh tế đi lên, thậm chí nếu không muốn nói trong nhiều trường hợp là đưa nền kinh tế đi xuống đáy.

Nay chúng ta đặt ra yêu cầu tái cấu trúc nhưng vẫn tiếp tục duy trì “hệ điều hành” cũ nay đã trở nên quá lạc hậu thì sẽ rất khó để tránh bị sai lầm lần hai, lần ba. Sẽ quá tốn kém, mạo hiểm và đau đớn nếu như cho phép ai đó được quyền thử nghiệm nhiều lần trên cơ thể kinh tế.

Chắc chắn những con người sinh cùng thế hệ với họ sẽ không chấp nhận để người khác quyết định vận mệnh của mình được. Có quá nhiều kinh nghiệm đi trước đã thành công trên thế giới thì chúng ta phải học chứ tại sao phải bắt buộc nghĩ ra một cái gì riêng có của Việt Nam để làm gì?

Quay lại vấn đề CPH, nếu như Chính phủ không có quyết tâm mạnh mẽ nhằm “cài đặt lại hệ điều hành mới” và nâng cấp các “phần cứng” và “phần mềm” cho các DNNN thì không bao giờ chúng ta có thể hy vọng các DNNN này có thể trở nên hiệu quả được, chưa nói tới khả năng để đương đầu với những áp lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Như chúng ta biết, đến nay hầu như các DNNN chưa có chuẩn mực quản trị DN tốt, chẳng hạn như các nguyên tắc quản trị DN của OECD. Các lãnh đạo DNNN vẫn áp dụng các thể chế phi chính thức, các thể chế phi luật lệ để điều hành DN và thiết lập các lợi ích kinh tế thay vì thể chế hóa cụ thể bằng các chuẩn mực của hợp đồng kinh tế thực chất.

Các DNNN, như chúng ta đã nói, hiện vẫn hoạt động trong một môi trường được bao bọc khỏi các áp lực cạnh tranh và không phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn cải cách DNNN mà chỉ nhằm vào DNNN, chẳng hạn như áp đặt các kỷ luật thị trường lên khu vực này thì sẽ không đủ. Chúng ta cần lưu ý rằng, các nguyên tắc phi thị trường mà các DNNN đang sử dụng là do chính nền quản trị công, nền quản trị nhà nước và hành chính nhà nước của chúng ta tạo ra.

Do đó, ngoài các DNNN, chúng ta còn cần phải áp đặt cả những nguyên tắc thị trường ngay chính trong quan điểm điều hành và quản trị hành chính đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương; cần phải xóa bỏ những cơ chế đặc quyền, đặc lợi; những nguyên tắc phi luật pháp, phi thành văn vốn đang được áp dụng trên thực tế hiện nay.

Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!