Có tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hay không?

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Với quyết định điều chỉnh tăng 1% tỷ giá VNĐ/USD vào ngày 7/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng hết giới hạn điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015 được đề ra trước đó. Bởi vậy đang có những luồng ý kiến khác nhau về việc có tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hay chỉ duy trì như mức hiện nay?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khi đưa ra quyết định tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, Ngân hàng Nhà nước đã phát thông điệp điều chỉnh để chủ động thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 7.5 từ mức 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tuyên bố vẫn điều hành tỷ giá hối đoái theo biên độ đề ra từ đầu năm là một động thái kịp thời và cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối, thể hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý, điều hành và trong chừng mực nhất định là dẫn dắt thị trường. Ứng phó với những biến động do tâm lý và kỳ vọng gây ra, thì không có gì hiệu quả hơn là sử dụng những biện pháp tác động trực tiếp tới hai yếu tố này, nhất là khi tâm lý đám đông được hình thành không dựa trên những căn cứ hợp lý cả về mặt lý thuyết, cũng như thực tế. Bằng tuyên bố của mình, Ngân hàng Nhà nước đã củng cố niềm tin của thị trường vào quyết tâm và khả năng điều hành chính sách tỷ giá hối đoái theo đúng nguyên tắc chủ động và linh hoạt, giữ vững thế chủ động của mình trước những sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài hệ thống tài chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lập luận cho rằng phá giá VNĐ sẽ kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, qua đó cải thiện cán cân thương mại và cán cân vãng lai, cũng như duy trì sức cạnh tranh về giá cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đúng về mặt lý thuyết, song chưa được kiểm chứng trong thực tế nước ta. Trong khi đó, cơ cấu xuất nhập khẩu của nước ta vẫn giữ mô hình nhập khẩu máy móc, công nghệ hay hàng tiêu dùng xa xỉ, có giá trị cao, còn xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Nói cách khác, việc điều chỉnh tỷ giá theo diễn biến thị trường chỉ giúp giảm tỏa kỳ vọng và tâm lý đám đông, chứ không mang lại nhiều lợi ích thực chất cho nền kinh tế nước ta.

Ngược lại, tăng tỷ giá hối đoái hoàn toàn có thể lợi bất cập hại trong khi chưa có sự thay đổi lớn trong cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta. Mỗi sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái không chỉ tác động đến thương mại mà còn tác động đến nhiều yếu tố kinh tế tài chính vĩ mô và vi mô khác. Nước ta không chỉ có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa gấp hơn 1,5 lần quy mô GDP hàng năm mà còn có quy mô nợ công trên 60%GDP, trong đó riêng nợ nước ngoài gần 40% GDP, và vốn FDI đóng góp hơn 1/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội... Vì vậy, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chính sách tỷ giá hối đoái không chỉ cần được điều hành một cách chủ động và linh hoạt mà còn cần phải thận trọng như cách thức Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện.

Trong tình hình kinh tế của nước Mỹ và diễn biến giá dầu trên thế giới khó dự đoán như hiện nay, cũng có ý kiến nghi ngại về việc giữ ổn định tỷ giá sau lần điều chỉnh này. Tuy nhiên, có thể thấy, mặc dù nhập siêu quay trở lại, nhưng nhờ tiếp tục thu hút được một lượng lớn ngoại tệ từ các nguồn khác như kiều hối, giải ngân đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp nước ngoài... nên cán cân thanh toán tổng thể của nước ta vẫn tiếp tục thặng dư. Và theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, các nhu cầu về ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân đang được đáp ứng thông qua các giao dịch ngoại hối bình thường trên thị trường chính thức. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cam kết không tăng tỷ giá quá 2% của Ngân hàng Nhà nước vẫn có cơ sở để thực hiện được.

Diễn biến của thị trường trong năm 2015 khó có thể định đoán trước, nên điều chỉnh tỷ giá nữa hay không vẫn chưa thể khẳng định ngay hôm nay. Song thực tế cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được tạo dựng từ cách thức điều hành của cơ quan quản lý. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì và củng cố vững chắc thế chủ động của mình trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái, cũng như trong quản lý và điều tiết thị trường ngoại hối, kể cả đối với những yếu tố mang tính chất tâm lý thị trường. Sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước là nền tảng cho các biện pháp linh hoạt và thận trọng xử lý mối quan hệ phức tạp, đa chiều giữa tỷ giá hối đoái với các biến số kinh tế tài chính khác.