Còn nhiều DNNN hoạt động trong các ngành Nhà nước không cần nắm giữ

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Sau hơn 20 năm đổi mới, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN), số DN 100% vốn nhà nước đã giảm từ trên 12.000 DN xuống còn 5.655 DN vào năm 2000 và hiện tại giảm xuống còn 1.309 DNNN.

 Còn nhiều DNNN hoạt động trong các ngành Nhà nước không cần nắm giữ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mặc dù vậy, số DNNN không cần nắm giữ vẫn còn rất nhiều, trong khi hiệu quả hoạt động không cao. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, cần đẩy nhanh tiến trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa những DN này; đồng thời, giải thể, phá sản những DN làm ăn kém hiệu quả để giảm gánh nặng bao cấp từ Nhà nước.

Nhà nước đang “chôn” 735 ngàn tỷ đồng vốn chủ sở hữu tại các DNNN
 
Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới DN thuộc Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2000 đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động 4.346 DN. Số DNNN còn lại là 1.309 đơn vị, đa phần có quy mô vừa và lớn. Quá trình sắp xếp đã đạt những mục tiêu cơ bản, huy động được nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), hầu hết các DN sau sắp xếp đã có tốc độ tăng trưởng tốt, kinh doanh hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Số DNNN còn lại đã được chuyển sang chế độ công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn, công tác quản trị, hiệu quả hoạt động đã được cải thiện hơn. Tính đến năm 2012, vốn chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đạt 735 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2010, tổng tài sản ước đạt 2.138 nghìn tỷ đồng, phần lớn số DN hoạt động có lãi (23/27 tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty TCT), số lỗ và hòa vốn giảm đáng kể.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù đã đạt những kết quả khả quan nhưng thực tế công tác quản lý, giám sát các DNNN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, đại diện cơ quan quản lý DN của Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng, hiện tại số DNNN vẫn đang hoạt động, tồn tại trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, trong khi tiến độ sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DN thời gian gần đây diễn ra rất chậm, việc giải thể, phá sản rất khó khăn do vướng về cơ chế chính sách, thủ tục.

Bên cạnh đó, các DNNN đã chuyển đổi sang mô hình TĐKT vẫn chưa có nhiều sự khác biệt so với khi còn là TCT nhà nước; tình trạng một số TĐKT nhà nước sau khi ra đời đã hình thành nhiều công ty con, cháu, chắt, dẫn đến phát sinh nhiều tầng lớp quản lý, đầu tư chồng chéo, khó kiểm soát. Việc đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính tràn lan, đến khi yêu cầu thoái vốn lại gặp nhiều khó khăn; việc quản lý nội bộ có nhiều bất cập, yếu kém, chưa theo kịp chuẩn mực quốc tế, hoạt động kiểm soát, quản trị rủi ro còn rất hạn chế.
 
Đặc biệt, hiệu quả của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực về vốn, đất đai, trong khi năng lực cạnh tranh kém, chưa làm tốt vai trò nòng cốt, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác. Nhiều DN chưa tách bạch được nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích, vì thế dẫn tới sự nhập nhằng, buông lỏng quản lý, làm cho không ít DN, TĐKT đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế như Vinashin, Vinaline.

Bên cạnh đó, mặc dù các DNNN hiện nay đã chuyển sang hoạt động theo Luật DN nhưng hệ thống quy định của pháp luật, cơ chế chính sách còn chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời, chế tài và công cụ kiểm tra, kiểm soát đối với DN và người quản lý DN chưa tương xứng với sự gia tăng về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN và người quản lý DN.
 
Sẽ ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào SXKD
 
Trao đổi với phóng viên về những bất cập trong thực trạng quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DNNN, nhất là các TĐKT, TCT hiện nay, ông Nguyễn Duy Long cho biết, hiện tại Bộ Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị quản lý gấp rút rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN.

Theo đó, thời gian tới sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD theo hướng, xác định rõ phạm vi, đối tượng, mục tiêu, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào DN. Đặc biệt, sẽ quy định rõ vốn nhà nước đầu tư vào DN là số vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào công ty mẹ, các TĐKT, TCT hoặc các DNNN độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, tránh tình trạng dùng nguồn vốn nhà nước đem đi đầu tư vào các công ty con, cháu, chắt, đầu tư ngoài ngành tràn lan; sẽ có quy định rõ việc đầu tư chéo giữa các DN cùng tổ hợp, không cho phép công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ cùng tập đoàn.
 
Đi liền với các biện pháp trên, Nhà nước sẽ ban hành quy định xác định rõ tổ chức, hình thức, tiêu chí và chế tài cụ thể để thực hiện việc quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào DN và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN và TĐKT; hướng dẫn quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DN do nhà nước làm chủ sở hữu, trong đó sẽ làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu và quyền nghĩa vụ của các chủ thể điều hành SXKD tại DN. Mặt khác, sẽ có hướng dẫn cụ thể việc phân phối lợi nhuận sau thuế của DN 100% vốn nhà nước và cổ tức, lợi nhuận được chia thuộc phần vốn nhà nước góp trong các DN khác để bổ sung vào quỹ sắp xếp DN hoặc bổ sung ngay vào ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành và địa phương.
 
Cũng theo đại diện Cục Tài chính DN, tới đây cơ quan này sẽ khảo sát, đánh giá lại trực trạng, nhu cầu vốn đầu tư, vốn điều lệ, nguồn bổ sung vốn của các TĐKT, từ đó rà soát và có giải pháp xử lý triệt để các khoản nợ tồn đọng không có khả năng thu hồi và nguồn để bù đắp; xây dựng phương án cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động SXKD chính. Đảm bảo việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất  phần vốn và tài sản nhà nước cho các tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn, TCT và không bán, chuyển giao lại phần vốn đó cho các đơn vị trong nội bộ.
 
Riêng đối với hoạt động của DNNN, Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ cho các DN, TĐKT về tài chính, khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin để giúp DN xây dựng hệ thống thông tin đồng nhất, phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu, của xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch.

Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ lãnh đạo DN, nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị, phát triển của DN và thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong các DN, TĐKT, TCT nhà nước trong giai đoạn tới.