Cộng đồng kinh doanh ASEAN - EU tìm tiếng nói chung

Theo Báo Đầu tư

Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN-EU lần thứ ba sẽ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 8-9/3/2013, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - một trong những đơn vị tổ chức sự kiện này -trao đổi với phóng viên về những kỳ vọng của EuroCham đối với hội nghị và các khuyến nghị nhằm cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN và EU.

Thưa ông, là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đồng thời cũng là nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp ASEAN-EU sắp tới, EuroCham có kỳ vọng gì về sự kiện này?

Cộng đồng kinh doanh ASEAN - EU tìm tiếng nói chung - Ảnh 1
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Với khoảng 800 thành viên đến từ các quốc gia châu Âu, EuroCham có quan hệ chặt chẽ với phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam. Chúng tôi cũng liên kết với các phòng thương mại châu Âu tại các nước ASEAN thông qua Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN và với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU, diễn đàn có sự hợp tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Vì vậy, chúng tôi có các mạng lưới tốt nhất để đảm bảo hội nghị này thành công.

Chúng tôi kỳ vọng, hội nghị này sẽ cải thiện việc trao đổi thông tin và thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm tốt nhất giữa các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ đạt được một bộ văn kiện thống nhất nhằm hỗ trợ ASEAN trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực cho tất cả các doanh nghiệp đến từ châu Âu, Việt Nam hay ASEAN.

ASEAN được coi là một trong những khu vực hấp dẫn nhất cho các hoạt động thương mại và đầu tư do các nước ở khu vực này rất năng động, có mức tăng trưởng kinh tế cao, sức tiêu dùng lớn và có sự liên kết tích cực với nhau. Theo ông, ASEAN có tầm quan trọng như thế nào đối với chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế Mỹ, ASEAN và toàn cầu đang tiếp tục gặp khó khăn?

Đúng là ASEAN có một thị trường với dân số trẻ, năng động và tăng trưởng cao, tạo ra nhiều tiềm năng và chỗ đứng cho tất cả doanh nghiệp. Đương nhiên, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang tìm kiếm các cơ hội và tăng trưởng, đặc biệt là khi mức tăng trưởng cao ngày càng khó đạt được tại nhiều thị trường khác, như châu Âu - một thị trường phát triển hơn và có dân số già hơn. Sự phát triển của khối kinh tế ASEAN và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã làm cho khu vực này càng hấp dẫn hơn: các quốc gia nhỏ hơn sẽ trở thành một khối liên kết lớn hơn, tạo lợi thế kinh tế cho các công ty làm ăn với ASEAN hoặc thiết lập  cơ sở ở ASEAN.

EuroCham có khuyến nghị gì đối với các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN và EU?

Các khuyến nghị cụ thể sẽ được đưa ra tại hội nghị này, nơi chúng tôi tập hợp ý kiến đóng góp của nhiều doanh nghiệp để đưa ra các khuyến nghị chi tiết, phù hợp với các ngành hoạt động của các doanh nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp đang mong đợi các luật, quy định sẽ rõ ràng hơn và được thực thi minh bạch, công bằng hơn. Tóm lại, họ mong đợi có một sân chơi bình đẳng, nơi mà các công ty đến từ châu Âu, ASEAN hay Việt Nam đều được đối xử bình đẳng.

Một số thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đang đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. EuroCham hỗ trợ như thế nào đối với các đàm phán này?

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ FTA giữa EU và Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ theo nhiều cách, như phổ biến hiệp định cho các thành viên của mình và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – thông qua VCCI. Chúng tôi cũng khuyến khích các thành viên EuroCham góp ý cho các thảo luận về hiệp định này. Bản thân chúng tôi cũng đã biên soạn một bản trích yếu về các vấn đề của doanh nghiệp cần phải giải quyết trong Sách Trắng thường niên. Cuốn sách này rất hữu ích cho các nhà đàm phán của hai bên, giúp họ hiểu hơn những vấn đề đang ảnh hưởng xấu đến đầu tư.

ASEAN đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Quan điểm của các doanh nghiệp châu Âu về kế hoạch đó là gì? Theo ông, triển vọng thương mại và đầu tư của doanh nghiệp châu Âu trong khu vực ASEAN như thế nào khi cộng đồng này được thiết lập?

Một cộng đồng kinh tế ASEAN và khu vực thương mại hiệu quả dĩ nhiên là sự quan tâm lớn đối với các doanh nghiệp châu Âu. Từ quan điểm của doanh nghiệp, bất cứ một động thái nào nhằm giảm thiểu những rào cản giữa các thị trường trong ASEAN đều có thể tạo thuận lợi về thương mại và biến ASEAN thành một thực thể đáng quan tâm hơn nhiều.

Bất cứ một động thái nào nhằm tạo ra các tiêu chuẩn chung và sự đối xử nhất quán, công bằng với doanh nghiệp đều rất đáng mừng, vì nó xóa bỏ sự phức tạp và giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do vậy, các doanh nghiệp châu Âu hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của ASEAN và rất mong muốn được tham gia vào các hoạt động như hội nghị này, nhằm biến giấc mơ về một cộng đồng kinh tế ASEAN thực sự thành hiện thực.

Với các thế mạnh chung, như tăng trưởng GDP cao, thị trường lớn và chi phí lao động thấp, các nước thành viên ASEAN, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,  Myanmar và Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ông, Việt Nam có thế mạnh ở những ngành nào trong việc thu hút đầu tư từ châu Âu, so với các nước còn lại?

Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được vốn FDI nhờ lợi thế về chi phí lao động thấp... Điều này đã tạo ra sức cạnh tranh cho Việt Nam trong các ngành da giày và dệt may. Việt Nam có đất đai màu mỡ, với ngành nông nghiệp có sức  cạnh tranh cao. Thách thức đối với Việt Nam hiện nay là chuyển dịch cơ cấu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các quốc gia khác cũng đang cạnh tranh với Việt Nam bằng chi phí thấp. Myanmar là thị trường mới trong khu vực và sẽ thu hút vốn FDI bằng lợi thế chi phí thấp. Do vậy, Việt Nam không thể đứng yên và phụ thuộc vào những gì đã làm được trong quá khứ.

Chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý năm ngoái của EuroCham Việt Nam cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam liên tục suy giảm. Liệu chỉ số này có được cải thiện trong năm nay, khi tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được dự báo sẽ tích cực hơn, thưa ông?

Niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng xấu trong những năm gần đây, do các vấn đề nội tại của thị trường này. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên của chúng tôi ở đây hoạt động trong dài hạn. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc hiểu rằng, ở các nền kinh tế đang phát triển, họ có thể gặp những khó khăn nhất định, nhưng vẫn kiên định và trong không ít trường hợp, thậm chí còn tăng cường đầu tư nhiều hơn, cho dù thị trường vẫn có không ít khó khăn.

Ông có thể tóm lược các khuyến nghị của EuroCham đối với Chính phủ Việt Nam để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn?

Chúng tôi ghi nhận và cảm thấy hài lòng rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận nghiêm túc các khó khăn, vấn đề hiện tại và đang có hành động giải quyết chúng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, các yếu kém của ngành ngân hàng Việt Nam là triệu chứng của các vấn đề mang tính cấu trúc. 

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, vốn đầu tư đã nhiều lần được phân bổ cho các dự án không đem lại hiệu quả kinh tế hoặc không hợp lý. Do vậy, vốn đã không được sử dụng hiệu quả. Kết quả là, Việt Nam không thể cạnh tranh trên toàn cầu vì vốn đã bị lãng phí và chi phí đã bị đẩy lên. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các kế hoạch của Chính phủ trong việc phân bổ vốn hiệu quả hơn, đặc biệt là trong khu vực kinh tế nhà nước - nơi nhiều vấn đề của thị trường được bộc lộ rõ nét nhất.