Đồng thuận trong Khối

Việc các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tỏ rõ sự đồng thuận và quyết tâm đẩy nhanh việc thành lập AEC vào năm 2015 được dư luận quốc tế đánh giá cao. Bởi AEC là một trong 3 trụ cột quan trọng của ASEAN (Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội). Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội to lớn về hợp tác và tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường thuận lợi về thương mại và đầu tư cho các quốc gia ASEAN và các nước đối tác.

Được thành lập từ năm 1967 tại Băng-cốc (Thái Lan) với 5 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay ASEAN đã lớn mạnh về nhiều mặt khi, với sự góp mặt của 10 thành viên và có tiếng nói trong cộng đồng kinh tế quốc tế. Năm 2003 các nhà lãnh đạo ASEAN ra quyết tâm thiết lập AEC vào năm 2020, tuy nhiên, lộ trình này đã được đẩy sớm hơn, tại thời điểm năm 2007, khi các nhà lãnh đạo đồng thuận khẳng định lại cam kết vào năm 2015.

Đây là khối hợp tác kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm mục tiêu hội nhập khu vực trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Ngay từ năm 2003, ông McKinsey cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cần thúc đẩy quá trình xây dựng AEC càng sớm càng tốt, cũng như cần có cơ quan điều phối chuyên trách của các quốc gia ASEAN cho vấn đề này như Ban Thư ký ASEAN để thúc đẩy hội nhập kinh tế.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành: (i) Một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; (ii) Một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; (iii) Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI); (iv) Một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, ASEAN cũng nhất trí xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết, đó là: Hàng nông sản; Ô tô; Điện tử; Nghề cá; Các sản phẩm từ cao su; Dệt may; Các sản phẩm từ gỗ; Vận tải hàng không; Thương mại điện tử ASEAN; Chăm sóc sức khoẻ; Du lịch; và Logistics.

Một trong các đặc trưng của AEC là xây dựng một khu vực có sự phát triển kinh tế cân bằng với hai yếu tố: Phát triển các DN nhỏ và vừa (DNNVV) và Sáng kiến hội nhập ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển ở cấp độ DNNVV cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực để phát triển theo một định hướng thống nhất và tăng cường khả năng cạnh tranh của cả khu vực, giúp các nước tận dụng được cơ hội do quá trình hội nhập AEC mang lại.

Hiện lộ trình thực hiện xây dựng AEC đang tiến triển thuận lợi, đạt mục tiêu đề ra, như đã tiến hành xóa bỏ thuế quan và triển khai các thoả thuận thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn từ 1/1/2010. Tuy nhiên, để hoàn thành lộ trình AEC vào 2015 đòi hỏi các quốc gia ASEAN, các DN phải có những điều chỉnh chiến lược phù hợp và cần đẩy nhanh xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như giải quyết được những vấn đề không đồng thuận của các quốc gia trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về mặt pháp lý đối với các nước chậm phát triển trong khối để đáp ứng được về mặt kỹ thuật và hưởng lợi đầy đủ do cộng đồng AEC mang lại.

Ngoài ra, quyết tâm chính trị của các quốc gia ASEAN có vai trò quyết định đến sự thành công của cộng đồng kinh tế ASEAN và cần phải chấp nhận hy sinh các lợi ích trước mắt để đạt được các lợi ích kỳ vọng đối với các quốc gia ASEAN trong tương lai. Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, các bất đồng về mặt chính trị của các quốc gia trong khối ASEAN và trong bản thân từng quốc gia, lợi ích của các nhóm quyền lợi tại các quốc gia có thể bị ảnh hưởng là các nhân tố cản trở tới quá trình xây dựng AEC và tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nền kinh tế ASEAN sẽ là thách thức lớn nhất. Tuy nhiên, mỗi quốc gia với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, sẽ đối mặt với những khó khăn thách thức khác nhau. Việt Nam là quốc gia với xuất phát điểm là nền kinh tế phát triển thấp so với các nước trong khu vực, đồng nghĩa sẽ đương đầu với nhiều thách thức hơn so với các quốc gia khác. Do đó, việc nhận diện những thách thức, đánh giá được những triển vọng đối với Việt Nam khi AEC hoàn thành vào 2015 là cấp thiết, giúp chính phủ và DN có điều chỉnh hợp lý, tận dụng được cơ hội do AEC đem lại.

Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Thách thức và triển vọng đối với Việt Nam - Ảnh 1

Thách thức và triển vọng cho kinh tế Việt Nam

Khi chính thức gia nhập AEC vào 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi. Đầu tiên là việc hình thành các trụ cột kinh tế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thị trường và các cơ sở sản xuất thống nhất (10 nền kinh tế trong ASEAN phải mở cửa ở mức độ rất cao cho các nhà sản xuất, những người bán và thị trường tiêu thụ sản phẩm). Lúc này, thuế DN sẽ rút dần từ 5-0% trong dài hạn. Và với Việt Nam, trong năm 2018 phải giảm thuế xuống mức thấp nhất để hòa hợp với AEC. Thị trường dịch vụ cũng sẽ được mở cửa nhưng hiện nay chất lượng dịch vụ tại Việt Nam chưa cao, với hơn 30% DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Khu vực này hứa hẹn mang lại tiềm năng lớn. Khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh và những DN dịch vụ Việt Nam yếu thế bắt buộc phải có những điều chỉnh để tạo thế cân bằng với các tập đoàn nước ngoài. Từ trước đến nay, DN Việt chỉ bán sản phẩm sang các nước Lào, Camphuchia, Myanmar... thì khi hội nhập sản phẩm Việt sẽ từng bước đi vào thị trường các nước phát triển khác trong khối. Bản thân DN Việt Nam phải tự nâng cao về mọi mặt thì mới hy vọng đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển trong khối ASEAN.

Khi AEC hoàn thành vào 2015, các DN Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường nội địa vào tay các DN ASEAN. Từ nhiều năm nay, hàng hoá của các nước trong khối ASEAN đã tràn ngập thị trường Việt Nam, như sản phẩm dao gọt trái cây, hay nước tăng lực của Thái Lan. Các DN sản xuất hàng điện tử Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị đẩy ra khỏi ngành do hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan và Singapore.

Khi AEC trở thành hiện thực vào 2015, sẽ cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam. Việt Nam sẽ đối mặt với sự di chuyển lao động, việc làm. Tám ngành nghề lao động dự kiến trong AEC được tự do di chuyển qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Sự chênh lệch về thu nhập lớn giữa các quốc gia ASEAN sẽ là nguyên nhân tạo nên sự di chuyển lao động giữa các quốc gia giàu, nghèo, và sẽ là thách thức đối với các DN Việt Nam. Đồng thời, trong thời gian tới, khi các DN Việt Nam đầu tư vào các nước ASEAN sẽ tạo áp lực đối với lực lượng lao động của các DN Việt Nam (hiện tại lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương).

Ngoài ra, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng chưa hoàn thiện, đặc biệt chính sách thương mại quốc tế. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các rào cản kỹ thuật mà các đối tác thương mại dựng nên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Rào cản phi thuế quan là trở ngại lớn vì đi đôi với xóa bỏ hàng rào thuế quan, các nước sẽ tìm cách dựng các rào cản phi thuế để bảo vệ sản xuất trong nước, rào cản phi thương mại vẫn còn rất khó để loại bỏ. Ví dụ, một tỷ lệ cao của nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp ô tô phải chịu các biện pháp phi thương mại như thuế bổ sung và chi phí, cũng như các quy chuẩn kỹ thuật (Singapore áp đặt), cấp giấy phép nhập khẩu tự động (Brunei và Malaysia sử dụng) và nhập khẩu không tự động cấp giấy phép (Indonesia và Philippines sử dụng) và AEC chỉ là điểm khởi đầu trong nỗ lực loại bỏ rào cản phi thuế quan và đây sẽ là quá trình lâu dài…

Bên cạnh những thách đặt ra, AEC cũng sẽ mở ra nhiều cơ hôi mới cho Việt Nam. Theo đó, các DN Việt Nam có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường với 600 triệu dân, không những thế còn có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn là những đối tác của ASEAN, vì ASEAN có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác thông qua các thỏa thuận Thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ. Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các DN Việt Nam và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 2 cho các DN Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN hiện đạt trên 40 tỷ USD.

Khi AEC thành lập, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, tiếp cận thị trường của Việt Nam sẽ được cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch và dễ dự đoán, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Cơ hội tiếp cận thị trường mới dành cho các nhà xuất khẩu ASEAN được mở rộng với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt, hiện đại, tính minh bạch hóa cao là một số trong nhiều yếu tố thuận lợi hóa. Ví dụ như, trong ASEAN có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN, do đó sẽ được hưởng lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN, nhất là thương mại liên quan đến hội nhập kinh tế.

Cắt giảm thuế quan là một thuận lợi giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam. Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0% - 5%, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất hoặc thuế suất thấp. Đồng thời, nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành và tăng chất lượng của sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Đặc biệt, khi tham gia vào môi trường AEC, sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nền hành chính điện tử với việc Hiệp định khung e-ASEAN đã được ký kết bởi các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11/2000. Do đó, khuyến khích sự tăng trưởng của thương mại điện tử trong khu vực ASEAN, tự do hóa thương mại trong các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ và đầu tư, và phát triển một xã hội điện tử trong ASEAN, thúc đẩy xây dựng năng lực để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong từng nước thành viên ASEAN.

Hiện tại, thời gian không còn nhiều cho các DN Việt nhưng không có nghĩa là DN Việt bỏ mặc buông xuôi để thời cuộc đẩy đưa. DN Việt cần phải hành động để trước mắt là giữ thị trường trong nước. Và trong cuộc chơi hội nhập sẽ nổi lên 2 khả năng: hoặc Việt Nam sẽ biến mình thành công xưởng thế giới, là tụ điểm của các dự án, tạo ra sản phẩm Việt tiêu thụ đến các nước phát triển, hoặc Việt Nam sẽ mất đi khả năng sản xuất và cạnh tranh, tự biến mình trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm màu mỡ cho các nước. Để tồn tại, các DN Việt Nam cần phải liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư để cùng vượt qua thử thách cho tất cả DN trong nước nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2014), Báo cáo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46, Hà Nội;

2. Bộ Công Thương (2013), Phổ biến các Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam tham gia, Kỷ yếu hội thảo;

3. Lợi ích từ Cộng đồng ASEAN (2014), truy cập ngày 16/9/2014 từ http:// baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Loi-ich-tu-Cong-dong- ASEAN/179925.vgp

Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015: Thách thức và triển vọng đối với Việt Nam

TS. NGÔ TUẤN ANH, ÐẶNG TRẦN ÐỨC HIỆP – Ðại học Kinh tế Quốc dân

(Tài chính) Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. AEC đi vào hoạt động, cơ hội và thách thức sẽ chia đều cho 10 quốc gia thành viên. Việt Nam cũng sẽ phải chuẩn bị cho mình hành trang kỹ càng để bước vào cuộc cạnh tranh của hội nhập.

Xem thêm

Video nổi bật