Công khai, niềm tin sẽ đến

Theo Đại biểu Nhân dân

Tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng đã yêu cầu mỗi đơn vị phải cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh trung thực và kịp thời cho báo chí hoặc đưa lên website của mình. Công khai thông tin dù kết quả kinh doanh khả quan hay tiêu cực để xã hội hiểu đúng, đánh giá chính xác và khách quan.

Công khai, niềm tin sẽ đến
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việc đưa ra yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công khai thông tin về kết quả hoạt động không phải là đòi hỏi khó. Thực tế, tác dụng của việc cung cấp thông tin kịp thời, trung thực và giải trình rõ ràng đã được khẳng định, nhất là với doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu. Khi doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin kịp thời thì sẽ xóa bỏ được những tin đồn bất lợi, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Và ngay cả khi kết quả kinh doanh giảm sút so với giai đoạn trước nhưng nếu doanh nghiệp cầu thị, khẳng định được phương hướng phát triển của mình thì sẽ vẫn giữ được nhà đầu tư. Bởi tác dụng này nên những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hay Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đều kịp thời cung cấp thông tin trên website của mình, thậm chí tổ chức họp báo để có thể đưa thông tin chính xác nhất đến với các cổ đông, nhà đầu tư.

Nhưng với tập đoàn, tổng công ty chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì vì sao cần thực hiện yêu cầu này? Trước hết, tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những doanh nghiệp có thể 100% vốn Nhà nước hoặc vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn. Nguồn vốn này được lấy từ ngân sách Nhà nước, từ tiền đóng các loại thuế, phí của người dân. Mà nguyên tắc kinh doanh, người chủ sở hữu, đóng góp vốn luôn phải được biết thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, khi tập đoàn, tổng công ty sử dụng nguồn vốn từ đóng góp của mỗi người dân thì không thể không công khai kết quả sản xuất, kinh doanh với người dân.

Một lý do khác buộc những đơn vị này phải công khai kết quả hoạt động của mình cũng bởi người mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ luôn đòi hỏi muốn biết khoản tiền mình bỏ ra có đúng với giá trị sản phẩm, dịch vụ hay không. Những vụ việc người tiêu dùng phản đối sản phẩm sử dụng nguyên nhiên liệu  chưa bảo đảm chất lượng, bán giá quá cao so với chi phí sản xuất không phải không xuất hiện. Đối với những trường hợp này, doanh nghiệp thường phải mất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng lại niềm tin, thu hút người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm của mình. Tập đoàn, tổng công ty nhà nước về cơ bản cũng là những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến người dân nên không thể không công khai thông tin, tránh những hệ lụy đáng tiếc. Song, đòi hỏi công khai và cập nhật kịp thời thông tin với tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cao hơn so với doanh nghiệp thông thường. Bởi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giữ vai trò chủ chốt, cung cấp nguyên nhiên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Việc công khai thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn và tổng công ty cũng là thể hiện sự tuân thủ chính sách, pháp luật của những đơn vị này. Bởi Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 đã quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với các thông số kinh tế - kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác. Như vậy, việc công khai thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh là trách nhiệm của mỗi tập đoàn, tổng công ty.

Mặt khác, việc công bố thông tin về kết quả kinh doanh cũng là một động lực để từng tập đoàn, tổng công ty liên tục nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của mình. Thực tế, lâu nay, vì việc cơ quan hoạch định chính sách, đối tác, nhà đầu tư tiềm năng... đều không dễ tiếp cận thông tin của những đơn vị này nên đã hạn chế năng lực giám sát của những cơ quan bên ngoài. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến ngay cả cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nội bộ các cơ quan được giao trách nhiệm giám sát, chủ thể thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước không phát huy được tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả vốn và tài sản nhà nước. Hệ quả là những sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước chỉ được phát hiện khi xử lý các khiếu nại, tố cáo từ dưới lên…

Tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều phải chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch về hiệu quả hoạt động. Kết quả sản xuất có tốt hay không đều phải công bố và giải trình rõ để xã hội hiểu đúng, đánh giá chính xác về từng đơn vị nói riêng, cũng như doanh nghiệp nhà nước nói chung. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ quản lý ngành cung cấp thông tin chính thức về hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc. Tại Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 cũng đã quy định có chế độ công bố, minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Công khai thông tin sẽ giúp người dân có bức tranh chính xác về tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Và lẽ thường thì việc công khai kịp thời, trung thực mọi thông tin sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin với xã hội.