Công nghệ thông tin - động lực tăng trưởng kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Những năm gần đây, công nghệ thông tin (CNTT) đã xâm nhập và lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, tạo giá trị gia tăng mới cho từng ngành cũng như cho toàn bộ nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin. CNTT là động lực của các động lực, tạo ra phương thức phát triển mới cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và tạo cơ hội phát triển cho mọi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là nông dân.

Công nghệ thông tin - động lực tăng trưởng kinh tế
Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển CNTT. Nguồn: internet
CNTT là ngành mới phát triển, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển và đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội phát triển cùng thế giới trong lĩnh vực này. Ở góc độ quốc gia, Chính phủ coi CNTT là phương thức phát triển mới để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các cơ quan nhà nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý. Các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp như thủ tục hành chính thuế, hải quan, dịch vụ ngân hàng… ngày càng được áp dụng nhiều các thành tựu CNTT trong hoạt động. Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm CNTT hàng đầu thế giới, doanh thu công nghiệp CNTT cả nước năm 2013 đạt trên 39,5 tỷ USD, tăng 55,3% so với năm 2012.

Mặc dù đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp CNTT trong nước vẫn duy trì sự phát triển ấn tượng, góp phần duy trì sự tăng trưởng cao của ngành trong những năm qua. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thành công trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Theo Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp CNTT nước ta đang hoạt động thành công tại các thị trường lớn như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, góp phần quan trọng nâng cao tên tuổi Việt Nam trong ngành CNTT thế giới.

Từ năm 2012, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ 2 về gia công phần mềm cho Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam là lựa chọn được ưa thích nhất trong hợp tác phần mềm của doanh nghiệp Nhật. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phần mềm như FPT Software, TMA Solutions đã đạt quy mô nhân lực hàng đầu Đông Nam Á, trình độ công nghệ cao, là đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới.
 
CNTT là không thể thiếu, là động lực của động lực, đây chính là thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 vừa diễn ra ở Hà Nội. Với sự hội tụ của mạng xã hội, di động cá nhân, những ứng dụng phân tích và điện toán đám mây chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng phát triển mới mà ở đó mọi giá trị cá nhân sẽ được phát huy tối đa. Dựa trên nền tảng CNTT, nông nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế xanh và thông minh, mỗi hộ nông dân đều có cơ hội trở thành một doanh nghiệp số với năng suất và giá trị vượt trội. Từ đó, chất lượng cuộc sống của nông dân sẽ được cải thiện tích cực.
 
Đáng chú ý, nhiều ý kiến tại Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến thời điểm chín muồi. Để việc áp dụng này có thể thành công, cần phải hội đủ 5 yếu tố là người dân được truy cập internet; hạ tầng cáp quang; hệ thống thông tin cho nông nghiệp; đào tạo cho người dân và các phần mềm ứng dụng cho nông nghiệp. Có thể nói, nhờ sự liên kết không giới hạn của CNTT, nông dân cùng những người chịu thiệt thòi khác có thể vươn lên và có thể được chia sẻ các thành tựu phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT góp phần nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công ở nhiều quốc gia. Trong đó, CNTT giúp vận hành các bệnh viện thông minh, hệ thống thẻ khám bệnh thông minh, các ứng dụng CNTT cho hệ thống chăm sóc y tế tại gia đình, hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh…
 
Có thể thấy rằng, CNTT đã xâm nhập và lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, tạo giá trị gia tăng mới cho từng ngành cũng như cho toàn bộ nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Đồng thời, CNTT là chất xúc tác hấp dẫn để các quốc gia xích lại gần nhau, cùng hợp tác và liên kết. Trong khi các quốc gia đang phát triển như Việt Nam rất cần sự hợp tác, liên kết, rất cần công nghệ từ các nước phát triển thì ngược lại, những nước đã phát triển cũng cần đến nguồn nhân lực, tài nguyên và thị trường của những nước đang phát triển. Sự hợp tác giữa các quốc gia được thể hiện ở các yếu tố như đầu tư, thương mại, di chuyển con người, sáng tạo và chia sẻ tri thức.