Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính: Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính đã được tăng cường, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phóng viên đã có bài phỏng vấn ông Trần Văn Vượng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính xung quanh nhưng nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Tài chính, ông có thể đánh giá về công tác này trong 6 tháng đầu năm 2014?

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính: Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả  - Ảnh 1

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính
Trần Văn Vượng

Chánh Thanh tra Trần Văn Vượng: Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức Thanh tra Bộ và các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nên công tác thanh tra, kiểm tra tài chính trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Tài chính đã bám sát định hướng, kế hoạch thanh tra, kiểm tra được Bộ phê duyệt và tích cực triển khai, thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Nội dung thanh tra, kiểm tra bảo đảm sát với nhiệm vụ và yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Bộ và của ngành Tài chính; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Tài chính trong triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được đẩy mạnh.

Thứ hai, hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính đã có nhiều đổi mới, từ khâu xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện và kết luận, kiến nghị xử lý. Các đơn vị trong ngành Tài chính đã có sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, bảo đảm hoàn thành tốt việc thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch cũng như nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đột xuất Bộ giao; có phương án tập trung chỉ đạo xử lý các vấn đề quan trọng, vướng mắc; tăng cường công tác kiểm tra hành chính của thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên với cấp dưới.

Thứ ba, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và các nhiệm vụ đột xuất được giao, nên đã tránh được sự trùng sự chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính; chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra ngày càng được nâng cao, qua đó có nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý của Bộ Tài chính và các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Thứ  tư, các cuộc thanh tra, kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều rủi ro, dễ nảy sinh sai phạm. Các nội dung thanh tra được lồng ghép một cách khoa học trong mỗi cuộc thanh tra, góp phần tiết kiệm chi phí và nhân lực. Các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra Tài chính đầy đủ chứng lý, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao, nên đã được các đơn vị, đối tượng thanh tra nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.

Qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm, thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời, có nhiều kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính của các đơn vị (nhất là trong khối các đơn vị thuộc Bộ) được thực hiện theo đúng các quy trình nghiệp vụ,  tuân thủ theo các quy chế quản lý của ngành và quy định của pháp luật, qua đó góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực. Công tác tự kiểm tra của các đơn vị đã giúp cho cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, tác phong trong công việc và thái độ phục vụ nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông có thể nêu rõ một số tồn tại hạn chế trong công tác thanh tra tài chính trong 6 tháng qua?

Trong 6 tháng qua, lực lượng thanh tra ngành Tài chính đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả rất khả quan, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:

Một số quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành mới được ban hành và có nhiều thay đổi so với trước, nên ở một số đơn vị cấp Cục, Tổng cục có chức năng thanh tra chuyên ngành việc triển khai thực hiện còn lúng túng, gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Một số cuộc thanh tra, nội dung thanh tra còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nên kết quả chưa cao.

Công tác chỉ  đạo, điều hành hoạt động thanh tra vẫn còn mang tính hành chính, chủ yếu thông qua hình thức gửi công văn; việc trực tiếp tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong việc lập kế hoạch thanh tra, thực hiện kế hoạch thanh tra, nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong hoạt động thanh tra tài chính còn hạn chế.

Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra tại một số đơn vị còn chậm, chưa sát với biên chế lực lượng, dẫn đến việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chưa kịp thời; chưa chủ động bố trí lực lượng dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đột xuất; kế hoạch thanh tra, kiểm tra còn phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh nhiều.

Công tác chỉ  đạo, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chưa thật sự chủ động, quyết liệt. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian so với kế hoạch đề ra; chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác quản lý.

Công tác tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, tính tổng hợp, khái quát chưa cao nên việc tổng kết, đúc rút những vấn đề lớn mang tính xuyên suốt còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng báo cáo định kỳ, báo cáo tiến độ công việc của một số  đoàn thanh tra còn chung chung, thiếu thông tin chi tiết phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Một số đơn vị, địa phương lập và gửi báo cáo kết quả thanh tra còn chậm so với thời hạn quy định, nội dung báo cáo còn sơ sài.

Công tác xử lý sau thanh tra đã được quan tâm hơn, bảo đảm thực hiện đúng quy trình và có những tiến bộ rõ rệt. Nhưng, vẫn còn có một số đơn vị, trong một số lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, nên việc thực hiện xử lý theo kiến nghị thanh tra, kiểm tra còn chậm, chưa triệt để nhất là những kiến nghị liên quan đến chấn chỉnh công tác quản lý và xử lý trách nhiệm những cá nhân có sai phạm.

Thưa ông, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp cụ thể nào để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác này?

Sáu tháng cuối năm 2014, tình hình kinh tế nước ta dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, tác động lớn đến nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước của ngành tài chính. Để phát huy những kết quả đã đạt được và từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị trong ngành Tài chính cần huy động mọi nguồn lực và đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra tài chính trong 6 tháng cuối năm 2014, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành. Trong đó cần tập trung vào các nội dung sau:

Xây dựng chương trình công tác chi tiết từng tháng, quý để hoàn thành tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt; chủ động bố trí lực lượng dự phòng cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Thường xuyên nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất định hướng công tác và nhiệm vụ trong từng thời kỳ, từng thời gian cụ thể, bảo đảm cho công tác thanh tra, kiểm tra bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý của toàn ngành Tài chính và của mỗi cơ quan đơn vị.

Phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành, cấp trên và cấp dưới để định hướng công tác, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đúng thời hạn quy định.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, bảo đảm đủ chứng lý của kết luận thanh tra, kiểm tra và tính khả thi trong việc thực hiện các kiến nghị thanh tra, kiểm tra. Chú trọng công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi triển khai thanh tra, kiểm tra. Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa Thanh tra Bộ với các Tổng cục, Cục có chức năng thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra trên diện rộng để có được những đánh giá sâu, toàn diện về cơ chế chính sách được ban hành và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Phát hiện kiến nghị sửa đổi bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp, xử lý nghiêm minh những trường hợp tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tổ chức thực hiện đúng các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, quy chế làm việc của cơ quan; khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra. 

Tăng cường chỉ  đạo công tác xử lý sau thanh tra, quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra, kiểm tra tài chính, bảo đảm cho các kiến nghị được nghiêm túc thực hiện; tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Đoàn thanh tra, kiểm tra bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và nội dung thanh tra, kiểm tra theo mục đích, yêu cầu, kế hoạch đã đặt ra; nâng cao chất lượng công tác tổng kết, đúc rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra.

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp quản lý và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra Tài chính, bảo đảm tính khoa học trong  chỉ đạo, điều hành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, tính thuyết phục, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tăng cường công tác giám sát từ xa, nắm bắt đối tượng thông qua hệ thống phân tích, đánh giá rủi ro, đặc biệt là sự phối hợp, nắm bắt thông tin thông qua các cơ quan quản lý trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện nhiều hơn các cuộc thanh tra đột xuất nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm khi vừa mới bắt đầu phát sinh.

Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hoá hoạt động thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chương trình hành động của ngành Tài chính đến toàn thể cán bộ, công chức trong toàn ngành; nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Các cơ quan, đơn vị trong ngành cần tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, bảo đảm thận trọng, thấu tình, đạt lý và chính xác, khách quan, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng chậm được giải quyết, khiếu kiện chuyển nhiều cấp, nhiều lần. Đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về thanh tra, kiểm tra tài chính phù hợp với Luật Thanh tra sửa đổi và các quy định pháp luật liên quan; xây dựng chuẩn hoá các quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, theo từng lĩnh vực.

Xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra tài chính trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn phải tốt. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra tài chính; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về thanh tra, kiểm tra tài chính.

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, nội dung, thời gian báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra tài chính; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo đảm phù hợp và thiết thực; đồng thời tổ chức thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!