Vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra trong hoàn thuế GTGT

Mục đích của việc hoàn thuế GTGT

Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp (DN) mà còn rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung, bởi vì:

Thứ nhất, việc hoàn thuế GTGT phát huy tính tự giác cao của các DN; DN muốn được hoàn thuế GTGT thì phải thực hiện đầy đủ chế độ hoá đơn, chứng từ; thể hiện rõ số thuế đầu vào, đầu ra để cơ quan thuế làm căn cứ xét hoàn thuế.

Thứ hai, hoàn thuế GTGT góp phần khuyến khích xuất khẩu, do khi hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất thuế GTGT là 0%. Điều này giúp DN Việt Nam có điều kiện cạnh tranh về giá cả với các hàng hoá trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, hoàn thuế GTGT khích lệ DN đầu tư vào sản xuất kinh doanh; khuyến khích DN mở rộng đầu tư sản xuất theo chiều sâu.

Thứ tư, hoàn thuế GTGT tạo điều kiện về tài chính cho DN khi gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, việc hoàn thuế GTGT thúc đẩy việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giải quyết khó khăn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ… góp phần giúp nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thứ sáu, thông qua việc khấu trừ thuế GTGT, hoàn thuế GTGT qua mỗi khâu sản xuất, lưu thông sẽ tránh được việc thu trùng lặp; tạo điều kiện cho DN giảm giá thành hàng hoá, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong hoàn thuế GTGT

Thuế GTGT là sắc thuế hiện đại và có tính tương đối rõ ràng. Do đó, để gian lận DN đã sử dụng nhiều cách thức và thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Điều này đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra việc hoàn thuế GTGT phải được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.

Do thời gian qua, ngành Thuế luôn coi công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải quyết liệt triển khai. Đặc biệt, để góp phần tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN, cơ quan thuế không những phải có trách nhiệm hoàn thuế GTGT nhanh chóng, kịp thời mà còn có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận, sai phạm trong việc hoàn thuế GTGT. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng phải có trách nhiệm cảnh báo kịp thời, thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông để các DN tránh sai phạm trong quá trình hoạt động.

Qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra các DN hoàn thuế GTGT và phản ánh của các Hiệp hội cho thấy, tình trạng DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT, để chiếm đoạt tiền thuế diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2013, qua kiểm tra hóa đơn, thanh kiểm tra các DN kinh doanh casino và trò chơi có thưởng; kiểm tra giá sữa… ngành Thuế đã truy thu và đôn đốc tại 40 DN với tổng số tiền thu vào NSNN là 876,18 tỷ đồng.

Năm 2014, ngành Thuế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung kiểm tra các hành vi vi phạm về hóa đơn thông qua ứng dụng “đối chiếu chéo bảng hóa đơn” nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời có hiệu quả các DN, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; thanh tra các DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ. Bên cạnh đó, đã đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các chuyên đề về chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng thương hiệu, chống gian lận hoàn thuế xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền, chống mua bán hóa đơn bất hợp pháp… Đồng thời, ứng dụng tin học nhằm hiện đại hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế. Qua đó, đã phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quyết định xử lý sau kiểm tra.

Song song với đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt các Cục thuế địa phương phải giám sát và theo dõi các hành vi, thủ đoạn gian lận trong hoàn thuế GTGT để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, kể cả việc điều tra, truy tố và xét xử về hành vi phạm tội này. Trong đó, các biện pháp đã được triển khai cụ thể như:

Một là, giao cho các Cục thuế tổ chức phân loại DN rủi ro cao về thuế và tăng cường công tác quản lý thuế đối với các DN này trong đó lưu ý các dấu hiệu như:

(i) Các DN kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản sử dụng các hóa đơn bán hàng của các DN có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu;

(ii) Các DN mới thành lập đăng ký kinh doanh đa ngành nghề nhưng số vốn đăng ký thấp;

(iii) Các DN có quy mô kinh doanh bất hợp lý (quy mô kinh doanh cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu);

(iv) Các DN có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ.

Hai là, giao các Cục Thuế tập trung công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN rủi ro cao về thuế. Đối với các Cục thuế có đối tượng khấu trừ thuế GTGT, hoàn thuế GTGT hàng hóa là cao su, hạt tiêu, cà phê... thì rà soát và điều chỉnh lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế (Riêng năm 2013, ít nhất 60% DN trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra là các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế như đã nêu). Đặc biệt, các Cục Thuế ở các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung nguồn lực vào thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh cà phê trên địa bàn. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế thì có biện pháp xử lý kịp thời; nếu có dấu hiệu tội phạm cần chuyển ngày cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý.

Tính đến tháng 8/2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 33.000 DN, đạt 45% kế hoạch năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2013; Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 6.245 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ; Số tiền thuế nộp vào NSNN là 4.305 tỷ đồng, bằng 69% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và tăng 12 % so với cùng kỳ năm 2013.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục, cụ thể như:

Thứ nhất, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác thanh tra thuế còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Bởi vì, đến nay vẫn còn không ít cán bộ thuế dù có thâm niên lâu năm nhưng không nắm vững chính sách pháp luật thuế, cơ chế tài chính, kỹ năng thanh, kiểm tra…

Thứ hai, một số ngành nghề kinh doanh mới phát sinh như: Kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp... gây khó khăn cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, do chưa am hiểu về lĩnh vực này.

Thứ ba, cơ chế ưu đãi thuế, quản lý giám sát việc áp dụng ưu đãi thuế không chặt chẽ, cũng gây hụt thu ngân sách.

Thứ tư, tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra thuế tại các địa phương chưa tương xứng với khối lượng công việc và vai trò của công tác thanh, kiểm tra thuế. Mặt khác, công tác phối hợp giữa bộ phận kê khai và bộ phận thanh tra, kiểm tra chưa tốt, công tác rà soát đánh giá rủi ro để phát hiện các DN có rủi ro cao, DN “ma”, DN “đen” có thủ đoạn chiếm đoạt tiền thuế ở địa phương chưa hiệu quả.

Giải pháp đột phá trong thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, thời gian tới, ngành Thuế cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính thuế; Cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN; Tăng cường quản lý kỷ cương, kỷ luật nội Ngành phát huy tinh thần trách nhệm của cán bộ thuế trong thực thi công vụ; Triển khai các giải pháp chống lãng phí, tham nhũng, thực hành tiết kiệm trong ngành Thuế.

Thứ hai, thời gian tới, cơ quan thuế cần tiến hành sắp xếp, bổ sung thêm nguồn nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra; Triển khai giao nhiệm vụ đến từng đoàn, đội và cán bộ thanh, kiểm tra thuế; Tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình thanh, kiểm tra có hiệu quả như: Thanh, kiểm tra chuyên đề chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng thương hiệu; chống gian lận hoàn thuế xuất nhập khẩu tiểu ngạch; chống hành vi kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp; chống chuyển giá, thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, sẽ tham mưu với các cấp chính quyền chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành thuế có giải pháp kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của NSNN.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với cơ quan cảnh sát phòng, chống tội phạm về kinh tế để điều tra, xác minh, đưa ra xử lý công khai một số đường dây sử dụng hóa đơn bất hợp pháp chiếm đoạt tiền thuế, nhằm răn đe, ngăn chặn các tội phạm trốn, chiếm đoạt tiền thuế, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN. Bên cạnh đó, bộ phận thanh, kiểm tra của cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ phận kê khai, tin học rà soát và quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, phân loại, giám sát các đối tượng có dấu hiệu kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, chống thất thu cho NSNN.

Thứ tư, tập trung đẩy mạnh ứng dụng tin học; tiếp tục nâng cấp và triển khai phần mềm cho công tác lập kế hoạch thanh tra trên cơ sở bộ tiêu chí rủi ro; xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT của DN tại trụ sở cơ quan thuế. Đồng thời, tập trung cập nhật dữ liệu người nộp thuế vào hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành để tạo cơ sở nền tảng cho việc hiện đại hóa, nhằm phát huy hiệu quả thanh, kiểm tra.

Thứ năm, chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết sang các kỳ tiếp theo, thông thường là từ 3 - 6 tháng nhưng không áp dụng đối với trường hợp xuất khẩu hoặc đặt ra ngưỡng tối thiểu về số thuế GTGT chưa khấu trừ hết (trên mức này mới được nộp đơn xin hoàn thuế). Giải pháp này tuy hạn chế được dòng tiền chi ra từ ngân sách nhưng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của DN.

Tính đến tháng 8/2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 33.000 DN, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 6.245 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Số tiền thuế nộp vào NSNN là 4.305 tỷ đồng, bằng 69% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và tăng 12 % so với cùng kỳ năm 2013.

Thứ sáu, bù trừ số thuế GTGT chưa khấu trừ hết với số thuế khác còn phải nộp của DN. Giải pháp này nhằm hạn chế chi tiền từ ngân sách, tuy nhiên lại gây phức tạp cho cơ quan thuế khi theo dõi nghĩa vụ thuế của DN.

Thứ bảy, tạo cơ chế giảm bớt phát sinh thuế GTGT đầu vào đối với những trường hợp thường hay phát sinh hoàn thuế, nhất là khâu xuất khẩu. Hiện, một số nước đã cho phép DN có doanh thu xuất khẩu trên 75% tổng doanh thu có thể đề nghị cơ quan thuế cho phép DN được áp dụng thuế suất 0%. Ví dụ: Hàn Quốc cho phép người bán hàng cho DN xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% nếu được bảo lãnh về hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài... Biện pháp này tuy giúp giảm bớt áp lực hoàn thuế GTGT ở khâu xuất khẩu cuối cùng, nhưng lại phát sinh vấn đề hoàn thuế ở các khâu trước đó. Cho nên, khi sử dụng giải pháp này cần hết sức thận trọng.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo của Tổng cục Thuế năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014;

2. Luật Thuế GTGT sửa đổi;

3. Tạp chí Thuế (ngày 11/4/2014), ngành Thuế truy thu, truy hoàn, phạt 13.657 tỷ đồng qua thanh, kiểm tra 64.119 DN;

4. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (ngày 3/7/2014), tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế;

5. Báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp (ngày 27/8/2014); Thanh tra thuế: Cuộc chiến gian nan.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong hoàn thuế giá trị gia tăng

TUẤN NGHĨA

(Tài chính) Xác định công tác thanh tra, kiểm tra trong hoàn thuế giá trị gia tăng là một trong những mắt xích quan trọng, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách, thời gian qua, ngành Thuế đã tập trung phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế, đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp người nộp thuế không chấp hành quyết định xử lý sau kiểm tra.

Xem thêm

Video nổi bật