Công ty AMC: Bước ngoặt xử lý nợ xấu

PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Tuy không phải là “đũa thần”, nhưng Công ty quản lý tài sản và mua bán nợ (AMC) kỳ vọng được thành lập sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trong xử lý nợ xấu, từ đó dần lấy lại đà hồi sinh cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế. Song cơ chế và hình thức hoạt động của Công ty này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Về tình trạng nợ xấu

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam xuất hiện gắn với một quá trình tích đọng lâu dài việc không thực hiện được các cam kết về nghĩa vụ nợ của các tổ chức, cá nhân đi vay đối với hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thậm chí rất cao trong khi hiệu quả kinh doanh, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp dẫn đến các khoản nợ giải ngân được nhưng không thu hồi đầy đủ.

Trong khi các khoản nợ cũ chưa thanh toán hết thì lại phát sinh thêm các khoản nợ mới, do đó, làm tăng tổng các khoản nợ và nợ mang tính chồng chất. Tình trạng nợ xấu bao gồm: nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn phân loại theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 có xu hướng gia tăng. Tình trạng nợ xấu phát sinh còn do hàng tồn khó lớn, đặc biệt là tồn kho bất động sản. Đây là kết quả của quá trình đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây tình trạng bong bóng nhưng không tiêu thụ được.    

Do tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô đặc biệt là các biện pháp kiềm chế lạm phát thông qua thắt chặt tín dụng gây ra những “cú sốc” cho tổng cung và tổng cầu. Tình trạng đình đốn sản xuất và hàng tồn kho gia tăng nhanh chóng làm giảm khả năng trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp. Đến cuối năm 2012, con số phá sản và đóng cửa doanh nghiệp lên đến con số trên một trăm ngàn và dường như tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng kể cả ngân hàng thương mại nhà nước tăng lên.

Gần đây nhất, ngày 28/2, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước công bố về tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh còn 6%. Về số tuyệt đối, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khoảng 7-12 tỷ USD. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước cao hơn tỷ lệ này của ngân hàng thương mại cổ phần (xem Bảng 1). Điều này có nguyên nhân là do các khoản vay lớn từ ngân hàng thương mại nhà nước thường là cho các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nhà nước như: Vinashin.Vinalines… Trong khi các tập đoàn này lại kinh doanh kém hiệu quả và đầu tư ngoài ngành khá lớn làm phân tán nguồn vốn đầu tư, thất thoát nguồn vay.

Bảng 1: Nợ quá hạn và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (%)

 

2010

2011

30/6/2012

 

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ

Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ

Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ

Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ

Ngân hàng thương mại nhà nước

2,16

10,43

2,95

13,36

-

-

Ngân hàng thương mại cổ phần

1,66

3,53

2,30

6,43

-

-

Toàn ngành

2,12

7,69

3,10

10,47

8,60

(4,47)

-

(*) Số liệu nợ xấu toàn ngành trong ngoặc theo đánh giá của NHNN đến 31/03/2012.

Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Sở dĩ có sự chênh lệch giữa các con số về nợ xấu là do các khoản nợ xấu khó tính toán chính xác bởi có tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng như có đầu tư ngoài ngành khó minh bạch hoá. Tình trạng nợ xấu còn do việc lựa chọn khách hàng để cho vay của các ngân hàng thiếu thận trọng, đặc biệt là việc lựa chọn ngược khách hàng.

Những khách hàng tốt có thể không được lựa chọn do tác động của lợi ích nhóm, tính cục bộ hoặc rủi ro về đạo đức của nhân viên ngân hàng, Kỷ luật cho vay không được tôn trong chặt chẽ và bên cạnh đó là các tác động của nhiều yếu tố khác làm biến dạng việc thẩm định các khoản vay.

Định hướng xử lý nợ xấu và Công ty AMC

Xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong giai đoạn đến năm 2015. Bên cạnh các yếu tố thị trường chi phối chủ yếu đến các giao dịch cần phát huy tối đa vai trò chủ đạo của Nhà nước để định hướng, dẫn dắt và điều chỉnh thị trường nợ xấu có hiệu quả cao nhất.

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là một hiện tượng phổ biến của các ngân hàng thương mại trên thế giới và vấn đề là cần xác định độ lớn của khoản nợ, nguyên nhân xuất hiện, mức độ biến động và phương thức xử lý. Điều kiện tiên quyết là cần xác định chính xác các khoản nợ, chủ nợ, con nợ, các cam kết để hiểu rõ địa chỉ của khoản nợ và chủ sở hữu khoản nợ, các tổ chức và cá nhân liên đới.

Đối với các khoản nợ công, cần có cơ chế công khai hoá thích hợp để thấy rõ trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan cũng như bảo đảm tính chất “công” của khoản nợ. Đây còn là căn cứ để phân tích, đánh giá những hạn chế, sơ hở hoặc thiếu hiệu năng của thể chế quản lý và kỷ luật tài chính công trong quá trình phân bổ, sử dụng nguồn lực công nhằm hoàn thiện trong giai đoạn tiếp theo.

Để xử lý nợ xấu ở Việt Nam, có nhiều giải pháp khác nhau kể cả các biện pháp nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài để áp dụng. Cho đến nay, có thể thấy việc xử lý nợ xấu được các nước áp dụng có phương thức tuy có sự khác biệt nhất định.

Chẳng hạn, một trong những giải pháp được Hoa Kỳ áp dụng là cho phá sản một số ngân hàng khi xảy ra cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản do các hoạt động cho vay dưới chuẩn gây ra. Biện pháp này khó áp dụng ở Việt Nam vì khó tách bạch sở hữu chéo mang tính chất “dây mơ rễ má” giữa các ngân hàng để tránh gây ra hiệu ứng lan toả cả hệ thống cũng như có thể gây ra làn sóng rút tiền ồ ạt ra khỏi hệ thống ngân hàng gây rối loạn nền kinh tế. Chí phí để cứu hệ thống cho dù khá cao song vẫn dễ chấp nhận hơn so với chí phí do cả hệ thống sụp đổ gây ra đối với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, giải pháp này có thể lựa chọn cuối cùng sau khi không còn ngân hàng hay tổ chức tín dụng không có khả năng để tồn tại kể cả sự hỗ trợ của Nhà nước trong phạm vi có thể. Những ngân hàng có quy mô nhỏ, mức độ ảnh hưởng không lớn và khó có khả năng cạnh tranh cũng như kinh doanh không hiệu quả có thể lựa chon phương án phá sản hoặc bán lại.

Việc sử dụng hoạt động tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để bù vào các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại. Thực chất, đây là giải pháp “bơm” tiền của Ngân hàng Nhà nước để trả nợ và chuyển từ nợ ngân hàng thương mại sang nợ Ngân hàng Nhà nước. Phương thức này thể hiện vai trò của Ngân hàng Nhà nước là người mua lại cuối cùng các khoản nợ để tránh thất thoát. Giải pháp này có thể gây ra tình trạng lạm phát nhưng vẫn có thể áp dụng đối với ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trong những điều kiện nhất định vì mục đích ổn định hệ thống chính trị và các quan hệ xã hội.  

Đối với các khoản nợ của cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức với ngân hàng không có yếu tố ngân sách nhà nước trực tiếp, có thể xử lý thông qua việc sử dụng cơ chế Công ty quản lý tài sản và mua bán nợ (AMC). Do tính chất quốc gia của các khoản nợ và liên quan đến tài sản của dân cư và tài sản quốc gia, cơ chế mua - bán cần phải thận trọng và việc mua - bán nợ phải trên nguyên tắc công khai, giảm thiểu những đổ vỡ của hệ thống cũng như thất thoát tài sản. Công ty AMC có hai chức năng cơ bản là mua nợ và bán nợ mà mô hình này đã được Hoa Kỳ áp dụng thành công. Các khoản nợ được mua giá rẻ trong điều kiện kinh tế suy thoái và bán lại với giá cao đã làm lợi cho ngân sách liên bang hàng trăm tỷ đô la và không bị nước ngoài thâu tóm.

Mô hình AMC là phương thức phù hợp để thay đổi chủ sở hữu khoản nợ xấu thông qua mua - bán, có thể áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam nhưng cần tính đến các khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, việc sử dụng cơ chế Công ty AMC để xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một bước tiến quan trọng về nhận thức và hành động xử lý các khoản nợ xấu theo các nguyên tắc thị trường. Đây là mô hình lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam và tạo nền tảng quan trọng để vận hành lâu dài. Đây là cách thức để “cứu” hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp một cách công khai. Đây cũng là cách thức để Chính phủ quản lý dòng di chuyển của các khoản nợ và theo đó, giám sát, theo dõi và quản lý các khoản nợ và tài sản của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức và tài sản quốc gia.

Thứ hai, AMC là một doanh nghiệp nhà nước cho nên cần nhân danh Nhà nước để thực hiện việc mua - bán nợ kể cả nợ công, nợ tư nhân thậm chí cả các khoản nợ nước ngoài tư nhân. Công ty chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ để có thể kết nối với cả hệ thống ngân hàng, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần và các giao dịch có yếu tố nước ngoài cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thứ ba, việc mua - bán tiến hành công khai và tự nguyện hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường. Các chủ nợ và con nợ sau khi không thể thoả thuận được các điều kiện để dàn xếp các khoản nợ, có thể bán khoản nợ này cho AMC. Điều này nhằm giảm thiểu tính chất mệnh lệnh của việc xử lý nợ và tăng khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ nợ và con nợ. Chẳng hạn, các khoản nợ có tài sản đảm bảo có thể bán lại cho AMC theo mức giá thị trường tại thời điểm giao dịch và Công ty AMC có thể tiến hành phát mại tài sản, thu lại khoản nợ vào ngân sách nhà nước. Cho nên việc Nhà nước sử dụng tiền ngân sách mua lại nợ và bán lại để thu về cũng là một cách thức phát huy vai trò của Nhà nước. Nếu cực đoan khẳng định tuyệt đối không sử dụng ngân sách nhà nước vào công việc này thì mô hình sẽ khô vận hành trng giai đoạn đầu thành lập và hoạt động. Các khoản nợ bị lỗ, có thể sử dụng phương thức đấu giá bán nợ để giảm thiểu khoản lỗ và hạn chế khoản hỗ trợ từ ngân sách. Các khoản nợ bất động sản có thể giải quyết thông qua cơ chế mua - bán, cho thuê, góp vốn hoặc phá sản có thông qua AMC hoặc không.

Thứ tư, việc tham gia của yếu tố nước ngoài cần thận trọng, đặc biệt là trong thời điểm giá tài sản đang xuống rất thấp, có thể không cho phép người nước ngoài tham gia để hạn chế đến mức cao nhất việc thất thoát tài sản quốc gia và cá nhân, tổ chức Việt Nam, đặc biệt là ngân hàng và các tổ chức tín dụng, cũng như dữ liệu về khách hàng vào tay nước ngoài. Khi cơ chế thử nghiệm AMC đã thuần thục, có thể vươn ra thị trường nước ngoài, có thể cho phép người nước ngoài tham gia mua bán nợ theo mô hình AMC. Thậm chí cho phép các cá nhân, tổ chức thành lập các AMC để mua - bán nợ như là những định chế tài chính trung gian tham gia vào phân đoạn thị trường nợ xấu.    

Thứ năm, các khoản nợ xấu khác nếu không tham gia cơ chế AMC, các bên sẽ tự thoả thuận giải quyết theo cơ chế quan hệ dân sự thông thường và nếu có những yếu tố hình sự cấu thành thì thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự với sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng đây nên được coi là lựa chọn cuối cùng khi vẫn còn các khả năng áp dụng các giải pháp khác.