CPI tháng 3 giảm 0,44%

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 24/3, CPI tháng 3 của cả nước giảm 0,44% so với tháng 2. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, CPI cả nước tăng 4,83%.

Với việc giảm 0,44%, đây là tháng 3 có chỉ số CPI giảm mạnh nhất kể từ năm 2006. Nguồn: internet
Với việc giảm 0,44%, đây là tháng 3 có chỉ số CPI giảm mạnh nhất kể từ năm 2006. Nguồn: internet
Nhóm hàng ăn khiến CPI tháng 3 âm

Theo Tổng cục Thống kê, đây là tháng 3 có chỉ số CPI giảm mạnh nhất kể từ năm 2006 (giảm 0,5%).

Cụ thể, trong tháng 3/2014 có 4/11 nhóm hàng hóa giảm giá:

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm giá mạnh nhất, giảm 0,74%, do trong tháng 3 giá gas được điều chỉnh giảm 31.000 đồng/bình 12kg từ ngày 1/3.

Nhóm có quyền số lớn nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,96%. Trong đó, lương thực giảm 0,13% so với tháng 2 vì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ Thu Đông với năng suất khá cao, nhiều tỉnh đạt năng suất trên 8 tấn/ha; ước trung bình cả vùng đạt 7 tấn/ha… Bên cạnh đó, do sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ, một số thị trường truyền thống giảm nhập khẩu nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tác động đến giá trong nước. Trong tháng giá gạo bán lẻ trên thị trường giảm từ 300-500 đồng/kg.

Mặt hàng thực phẩm giảm 1,54%. Lý do là sau Tết Nguyên Đán nhu cầu về các mặt hàng này đã trở lại bình thường. Riêng giá sữa tăng 2,64% do giá nguyên liệu thế giới tăng liên tiếp 2 tháng trước.

Nhóm hàng giảm giá tiếp theo là giao thông, giảm 0,03% vì giá dịch vụ vận tải đường sắt giảm 4,56% do Tổng Công ty đường sắt giảm giá sau Tết. Giá vé ô tô khách giảm 5,98% do sau Tết các doanh nghiệp vận tải giảm giá.

Nhóm hàng còn lại giảm giá là bưu chính viễn thông, giảm 0,03%.

Các nhóm hàng tăng nhẹ là đồ uống, thuốc lá tăng 0,24%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.

Nhóm văn hoá, giải trí du lịch tăng 0,1%. Các mặt hàng thiết bị văn hoá giảm 0,08%.

Không tính vào chỉ số CPI, chỉ số giá vàng tăng 3,31% do giá vàng tháng này biến động mạnh. Còn chỉ số giá đôla Mỹ tăng nhẹ ở mức 0,02%, do dự trữ ngoại hối của các ngân hàng dồi dào, các doanh nghiệp chưa có nhu cầu nhiều về đôla Mỹ sau Tết Nguyên đán.

Các lý do khiến CPI quý I tăng thấp

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân sau đây khiến cho CPI quý I năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp, bình quân mỗi tháng tăng 0,27%:

Tình hình thời tiết thuận lợi nên lượng nông sản dồi dào, giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết, sau Tết giá trở về mặt bằng trước đó. 

Ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết như một số năm trước đây.

Tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hằng ngày.

Theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung việc CPI quý I tăng thấp là một tín hiệu lạc quan CPI sẽ giữ được mức ổn định trong năm nay. Trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành… kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó cũng có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.

Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý đến việc CPI thấp phản ánh phần nào vấn đề tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, có thể dẫn đến khó khăn trong việc giải phóng hàng tồn kho, hấp thụ vốn, giải quyết nợ xấu bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.