Cuộc chiến chống buôn lậu còn lắm gian truân

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Những hành vi gian lận thương mại của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng tinh vi hơn, trong khi lực lượng chống buôn lậu còn đang rất mỏng, khiến cho công tác chống buôn lậu ngày càng thêm khó khăn.

Cuộc chiến chống buôn lậu còn lắm gian truân
Những hành vi gian lận thương mại của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng tinh vi. Nguồn: internet

Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp hơn

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Chống buôn lậu: Cuộc chiến tổng lực vì thị trường lành  mạnh” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 31/10 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, số vụ vi phạm gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Song do lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu còn mỏng nên kết quả xử lý, phát hiện các vụ việc còn "rất khiêm tốn”.

Theo cơ quan này, trong 10 tháng năm 2014, Cục này đã phát hiện 13.000 vụ vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng nhái với số tiền xử phạt hơn 45 tỷ đồng. Những con số này, theo nhận định của ông Tín, đều tăng so với cùng kỳ 10 tháng năm 2013.

Với những món lợi nhuận “khủng” thu được từ hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng (có mặt hàng lợi nhuận tăng lên 300% như mặt hàng thuốc lá), một số thương nhân đã bất chấp pháp luật, thực hiện hành vi tuồn hàng lậu vào trong nước, hoặc cấu kết với nhiều tổ chức tư nhân sản xuất các loại hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng hòng móc túi người tiêu dùng.

Vấn nạn buôn lậu không chỉ dừng lại ở việc buôn bán các loại hàng hóa thông thường, hiện ở các tỉnh miền Trung, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, các đối tượng còn tổ chức hoạt động buôn bán các chất ma túy, bán người ra nước ngoài, vận chuyển tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ…

Điều đáng nói, các hành vi gian lận thương mại của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng tinh vi hơn, trong khi lực lượng chống buôn lậu còn đang rất mỏng, khiến cho công tác chống buôn lậu khó khăn chồng thêm khó khăn. Mặc dù, các cơ quan chuyên trách vẫn ngày đêm canh gác, căng mình thực hiện nhiệm vụ, nhưng tội phạm vẫn lọt lưới. Hàng lậu, hàng nhái, hàng giả vẫn tuồn được và bày bán ngang nhiên trên thị trường trong nước. 

Đặc biệt, buổi tọa đàm dành phần nhiều thời gian để nói về vấn đề buôn lậu thuốc lá. Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam là thị trường đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ thuốc lá lậu. 

Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2014, mặc dù lượng sản xuất thuốc lá trong nước giảm nhưng nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không giảm. Thay vào đó lượng thuốc lá nhập lậu tăng đột biến. 

Số lượng thuốc lá nhập lậu năm 2013 khoảng 17 tỷ điếu nhưng dự báo trong năm 2014 này, số lượng thuốc lá nhập lậu tăng từ 30%-40%, tương đương trên 22 tỷ điếu.

Theo đó, thuốc lá nhập lậu gây thất thu ngân sách cũng tăng từ 6.500 tỷ đồng (năm 2013) lên khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2014.

Diễn biến của thuốc lá nhập lậu trở nên rất phức tạp: Nếu như trước đây thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thì hiện nay xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. Các loại thuốc lá rẻ nhập lậu giá chỉ từ 3.000- 9.000 đồng/bao.

Theo ông Cường, nguyên nhân tình hình buôn lậu thuốc lá tăng nhanh do thuốc lá là mặt hàng gọn nhẹ, dễ vận chuyển, mang lại lợi nhuận có thể nói là cao nhất. Lợi nhuận cao gấp 30 lần so với buôn thuốc lá sản xuất trong nước. 

Cần sự chung tay của nhiều cơ quan ban, ngành

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, mặc dù Ban chỉ đạo 389 đã chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên kết quả vẫn chưa tương xứng vì, thứ nhất, do hệ thống văn bản pháp luật của nước ta vẫn còn sự chồng chéo, cần sớm sửa đổi. 

Thứ hai là phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Có trường hợp 30 đồng chí cảnh sát huy động bắt một vụ buôn lậu thuốc lá bị các đối tượng tấn công lại khiến 2 cảnh sát bị thương. Các đối tượng buôn lậu sẵn sàng chống trả để giành giật lại hàng hóa. 

Thứ ba là lực lượng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái còn quá mỏng. Có đội chống buôn lậu liên huyện nhưng chỉ có 3-5 đồng chí, trang thiết bị không có, trụ sở còn phải đi thuê điều kiện khó khăn. 

Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, có lúc còn bỏ trống thị trường để cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng lúc thay ca; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng.

Đặc biệt, ông Vũ Văn Cường cũng nhận định, việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lại đang trở thành điều kiện tốt cho thuốc lá lậu gia tăng. “Vô hình trung, mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là giảm sản xuất trong nước, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước lại không thực hiện được”, ông nói.

Bởi vậy, đại diện Hiệp hội Thuốc lá đề xuất, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết song Chính phủ cần đưa ra mức tăng và lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác dụng ngược cho nền kinh tế.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đều có một nhận định chung rằng, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại là một cuộc chiến cam go, đầy khó khăn, gian khổ.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia 389 đã nhấn mạnh, "cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không chỉ một sớm một chiều, không chỉ trách nhiệm của một ngành, mà cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan ban, ngành, như: Hải quan, Công an, quản lý thị trường, Biên phòng, Cảnh sát Biển, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và sự đồng lòng của nhân dân  cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.