Cuộc đấu trí đang tiếp diễn

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Trước việc Hiệp hội bán lẻ Việt Nam dự định kiện Metro Việt Nam đã bán dưới giá thành, cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá và có dấu hiệu trốn thuế, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng hoạt động chuyển giá tác động lớn đến DN Việt Nam. Tuy nhiên, không thể coi những DN này trốn thuế vì khó có thể chứng minh.

Cuộc đấu trí đang tiếp diễn
Với những trường hợp DN không khai báo minh bạch, cơ quan Thuế sẽ tính tới việc thuê công ty kiểm toán quốc tế hỗ trợ
Thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá của nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được Bộ Tài chính đẩy mạnh triển khai từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, đấu tranh chống chuyển giá vẫn đang là bài toán hết sức nan giải.

DN lách thuế qua những lỗ hổng chính sách

Hành vi chuyển giá, trốn thuế đang ngày càng diễn ra phức tạp, không chỉ với DN FDI mà ngay cả DN trong nước. Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 20/12/2012, số DN FDI do ngành Thuế quản lý là hơn 11.110 đơn vị, nhưng tỉ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách nhà nước của các DN này chỉ luôn ở mức trên 10%. Trong khi đó, khoảng 7.400 DN nhà nước nhưng lại có tỉ lệ đóng góp cho ngân sách từ 15 - 20%.

Ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng - Phó trưởng ban cải cách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ từ Nghị quyết 17, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá với chủ trương quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hoạt động này.

Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nhìn nhận, hoạt động chuyển giá không chỉ là hoạt động riêng biệt của các DN FDI tại Việt Nam, cũng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra ở nhiều nơi và là vấn đề phổ biến. Ông Mại nói: “Tôi được biết, có trường Đại học của Hoa Kỳ còn dạy các DN cách thức khai thác những lỗ hổng của chính sách để trốn thuế. Như vậy, đừng coi những chuyện này như chuyện động trời, là phát hiện ghê gớm. Đã và sẽ có hành động trốn thuế thông qua chuyển giá”.

Ông Lê Phước Vũ - Tổng Giám đốc Tôn Hoa Sen cho rằng, hoạt động chuyển giá tác động lớn đến DN Việt Nam. DN FDI chuyển giá là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, chúng ta chưa có khái niệm trốn thuế bởi nếu luật chưa tuyên thì chưa có tội, mà gọi là lách thuế. Như vậy, đây là cuộc “đấu trí” giữa người thu thuế và người nộp thuế. Cần phải hiểu như vậy thì mới có biện pháp hiệu quả. Đồng tình, ông Mại cho rằng, cách tốt nhất là làm thế nào các Bộ có chức năng thu thuế có phản ứng nhanh nhạy hơn, phát hiện kịp thời và “bịt” những lỗ hổng chính sách để giảm bớt, chứ không bao giờ triệt tiêu việc chuyển giá.

Cần một cái đầu lạnh và hành lang pháp lý đủ rộng

Theo ông Mại, DN mong muốn các cơ quan xây dựng chính sách tạo ra chính sách công bằng, bởi DN Việt Nam vốn đã khổ lại phải cạnh tranh với các DN FDI đủ kỹ năng, kinh nghiệm, công cụ để đóng thuế ít nhất. Những người làm chính sách Việt Nam phải là những người tài ba, "đấu trí" không thua với những CEO nước ngoài. “Bên cạnh đó, người xây dựng chính sách thuế phải được tham vấn những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, chấp nhận trả tiền thậm chí chi phí lớn nhưng lợi ích mang lại được nhiều tạo sân chơi bình đẳng để những “tài năng” lách thuế không thực hiện được hành động trốn thuế” - ông Vũ ví von.

Chúng ta chưa có khái niệm trốn thuế bởi nếu luật chưa tuyên thì chưa có tội, mà gọi là lách thuế.

Trả lời cho những lo ngại này, ông Nguyễn Quang Tiến cho hay, ngành Thuế sẽ chuyển sang thanh tra theo quản trị rủi ro. Hiện Thông tư 66/2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết là một trong những văn bản pháp lý quan trọng để xác định hành vi này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong Ngành, do chưa có dữ liệu phục vụ công tác chống chuyển giá, nên các phương pháp định giá theo Thông tư này chưa phù hợp. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý quy định cụ thể mức giá thỏa thuận cho sản phẩm là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Ông Tiến cũng cho biết hiện Bộ Tài chính đang xây dựng các nghị định, thông tư về cơ chế thỏa thuận, phương pháp tính giá theo Luật Quản lý thuế sửa đổi, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2013. Theo đó, khi các DN không kê khai theo quy định của Thông tư 66, có thể kê khai và thực hiện đúng ký thỏa thuận theo Luật Quản lý thuế. Thỏa thuận này có giá trị từ 3 - 5 năm, trong thời hạn này, nếu DN cam kết thực hiện đúng theo quy định, cơ quan Thuế sẽ không tiến hành thanh tra, kiểm tra.