Đa dạng hoá các mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật tài chính
Theo ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), cùng với việc hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (16/9 - 30/11/2018), hàng năm Bộ Tài chính đều có những hoạt động riêng nhằm kịp thời phổ biến chính sách pháp luật tài chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Xin ông cho biết, Ngày pháp luật tài chính và Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Bộ Tài chính triển khai như thế nào?
Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) |
Ngay từ năm 2010, Bộ Tài chính đã triển khai Ngày pháp luật tài chính, sớm hơn 3 năm so với Ngày pháp luật Việt Nam.
Từ năm 2013, Bộ Tài chính đã gắn Ngày pháp luật tài chính với Ngày pháp luật Việt Nam để triển khai đồng thời trong một kế hoạch chung, kéo dài từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Trên cơ sở kế hoạch của Bộ, các đơn vị có hệ thống dọc như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước đều có văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện trong ngành nên việc triển khai Ngày pháp luật của Bộ Tài chính đã có tác dụng lan tỏa rộng khắp.
Những kết quả đạt được trong triển khai Ngày pháp luật tài chính và Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện rõ nét ở một số mặt.
Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, hàng năm số lượng văn bản mà Bộ Tài chính chủ trì xây dựng rất lớn, bao gồm: trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua 4-5 dự án luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 40-45 nghị định, quyết định và bản thân Bộ Tài chính phải xây dựng, ban hành khoảng 200 thông tư, nhưng Bộ vẫn luôn hoàn thành với tỷ lệ 95%.
Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách hành chính (cải cách hành chính), đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Cũng với kết quả này, trong nhiều năm liên tục, Bộ Tài chính luôn đứng ở top đầu trong số các bộ, ngành về xếp hạng về cải cách hành chính (Par-Index). Bên cạnh đó, việc thực hiện ngày pháp luật đã giúp cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của ngành tài chính đạt kết quả toàn diện.
Trong số các kết quả vừa đề cập, ông có thể nói rõ hơn về mô hình đối thoại thường niên chính sách pháp luật giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp?
Do pháp luật tài chính, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người nộp thuế, nên việc đối thoại với doanh nghiệp được Bộ Tài chính triển khai ngay từ năm 2004.
Trên cơ sở hiệu quả đạt được, mô hình này đã được Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện trong hệ thống các cơ quan thuế, hải quan từ trung ương đến địa phương. Hàng năm, ngành tài chính đều tổ chức 2 cuộc đối thoại thu hút hàng nghìn doanh nghiệp và khoảng 2.000 hội nghị đối thoại doanh nghiệp ở cấp tỉnh do các cục thuế, hải quan tổ chức.
Thông qua các cuộc đối thoại, Bộ Tài chính đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cập nhật và nắm rõ hơn về các văn bản pháp luật mới. Các cuộc đối thoại này còn trở thành kênh thông tin phản hồi về thực tiễn thực hiện chính sách tài chính, qua đó giúp cơ quan hoàn thiện, sửa đổi kịp thời hệ thống cơ chế chính sách.
Bên cạnh hoạt động hỗ trợ pháp lý, công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp cũng là vấn đề xã hội quan tâm. Hàng năm, ngày pháp luật được ngành tài chính lựa chọn chủ đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của năm.
Những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 Chính phủ đều có Nghị quyết 19 về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, thông qua Ngày pháp luật tài chính và Ngày pháp luật Việt Nam, các nhiệm vụ trên càng được đẩy mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả triển khai Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói chung và Ngày pháp luật tài chính nói riêng, thưa ông?
Xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật của ngành tài chính còn rất nặng nề, vì vậy để nâng cao hiệu quả Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ngày pháp luật tài chính, cùng với việc tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả, ngành tài chính sẽ không ngừng đổi mới để có thêm các hình thức hỗ trợ phù hợp với yêu cầu. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!