Đại lý thuế không thể "gánh" hết trách nhiệm cho doanh nghiệp

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Chia sẻ với phóng viên, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế- Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cho rằng, trên thực tế hiện nay giữa doanh nghiệp (DN) và đại lý thuế (ĐLT) còn có những khoảng cách nhất định khi DN thường đẩy hết trách nhiệm cho ĐLT trong giao dịch, làm việc với cơ quan Thuế.

 Đại lý thuế không thể "gánh" hết trách nhiệm cho doanh nghiệp
Việt Nam cần phát triển nhiều đại lý thuế hỗ trợ DN. Nguồn: Internet

Trong khi đó, nhiều thông tin tài liệu trên tờ khai thuế, ĐLT có thể không nắm rõ hết và không thể chịu trách nhiệm thay DN. Đây cũng là trở ngại khiến nhiều công ty tư vấn lớn, mặc dù đã đăng ký làm ĐLT và có đủ năng lực chuyên môn để thực hiện công việc song vẫn còn e ngại để cung cấp dịch vụ kê khai thuế cho DN.

Hiện nay, hệ thống quy phạm pháp luật về thuế, các văn bản hướng dẫn thực hiện các sắc thuế khác nhau đã dần được hệ thống hoá tốt hơn phù hợp với yêu cầu quản lý từ phía cơ quan Thuế, cũng như phần thực thi từ phía người nộp thuế. Các DN áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu nghĩa vụ thuế đối với cơ quan Thuế. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Bùi Ngọc Tuấn, sự tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế chưa cao, các DN dường như vẫn còn thói quen chờ đợi cơ quan Thuế vào quyết toán và điều chỉnh trên cơ sở thoả thuận,  Theo đó, việc tuyên truyền, tư vấn, thuyết phục người nộp thuế tuân thủ và kê khai, nộp thuế đúng và đủ còn nhiều khó khăn.

Với việc ra đời của dịch vụ ĐLT trong vòng 10 năm trở lại đây đã thể hiện vai trò lớn như cầu nối giữa cộng đồng DN và cơ quan Thuế. Thông qua hoạt động tư vấn, DN đã được tuyên truyền và hiểu rõ hơn quy định về thuế, nâng cao tính tuân thủ, lập và lưu trữ hồ sơ chứng từ tốt hơn cho mục đích thuế, tránh những vướng mắc không cần thiết đối với cơ quan Thuế về sau này.

Về phía cơ quan Thuế cũng giảm được gánh nặng trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn người nộp thuế. Đồng thời, số liệu kê khai, quyết toán thuế của các DN được tư vấn, được sự hỗ trợ của ĐLT sẽ tin cậy, minh bạch hơn, đảm bảo người nộp thuế đúng và đủ.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Takanori HASEGAWA, chuyên gia của dự án JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - đơn vị đã hỗ trợ tiến trình phát triển ĐLT ở Việt Nam): Với số lượng ĐLT được cấp giấy phép hoạt động hiện tại ở Việt Nam mới đạt được 115 đại lý, là quá ít so với các nước không khu vực.

Đơn cử như tại Nhật Bản hiện có khoảng 72.000 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề ĐLT và 87% trong tổng số 3 triệu DN Nhật Bản sử dụng ĐLT. Họ có mối quan hệ rất tốt với cơ quan Thuế và luôn hợp tác với cơ quan Thuế để thực hiện khai và nộp thuế đúng cho người nộp thuế. Do vậy, với thực tế tại Việt Nam điều cần thiết hiện nay là phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hoạt động kinh doanh của ĐLT.

Do vậy, trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế  triển khai cụ thể: “Xã hội hóa trong hoạt động cấp phép đối với ĐLT, chứng chỉ hành nghề dịch vụ về thuế; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức ĐLT, phát triển đại lý thuế giai đoạn 2011 – 2015: Có ít nhất 3.000 ĐLT được thành lập; Giai đoạn 2016 – 2020: Có ít nhất 8.000 ĐLT được thành lập”. Đây sẽ là cơ hội để cho dịch vụ ĐLT tại Việt Nam phát triển và mở rộng hơn phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từ cơ quan Thuế và người nộp thuế.