Đảm bảo an ninh kinh tế trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam

Phạm Hoàng Long - Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an)

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo đúng quy luật thị trường, sáng tạo, sức mạnh nội tại của doanh nghiệp được phát huy tối đa. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường cũng dễ phát sinh những nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về kinh tế, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả những yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, Đảng ta đã đề ra Nghị quyết chuyên đề về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó một lần nữa xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” .

Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta thể hiện ở chỗ kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phổ biến.

Định hướng XHCN của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển. Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội.

Đảm bảo an ninh kinh tế trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam - Ảnh 1

Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Như vậy, nhận thức của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam đến Đại hội XII của Đảng đã hoàn thiện rõ nét, đáp ứng được yêu cầu xây dựng một nền kinh tế tự chủ, hiện đại và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Những vấn đề đặt ra đối với đảm bảo an ninh kinh tế

An ninh kinh tế là sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên an ninh kinh tế trong trường hợp này là sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Bất cứ yếu tố nào tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế đều là nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế.

Ở cấp độ vĩ mô đó là các hoạt động có thể ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế, ví dụ các bất ổn vĩ mô như lạm phát, mất giá nội tệ, bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nhập siêu... và ở cấp độ vi mô là các vấn đề bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một ngành nghề, một doanh nghiệp, tội phạm kinh tế, âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch phá hoại kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh mạng (tác động đến doanh nghiệp)…

Có thể xác định một số nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như sau:

Thứ nhất, nguy cơ chệch hướng XHCN trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20-25/1/1994 đã xác định 4 nguy cơ trong đó có nguy cơ chệch hướng XHCN. Khi phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc chấp nhận sự xuất hiện của các thành phần kinh tế khác, chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng giữa kinh tế nhà nước đối với các thành phần kinh tế khác, trong đó có các tập đoàn kinh tế nước ngoài.

Với tiềm lực mạnh, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, các tập đoàn kinh tế nước ngoài sẽ thao túng, lũng đoạn, chi phối một phần nền kinh tế của Việt Nam. Khi họ đã thao túng, chi phối kinh tế sẽ dẫn đến thao túng chi phối về chính trị, tác động trực tiếp đến định hướng XHCN của nền kinh tế.

Chính vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN cần chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực ngoài nước vào phát triển kinh tế, xã hội nhưng phải đảm bảo sự tự chủ của nền kinh tế, đảm bảo độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Đây là yếu tố quan trọng xác định chủ quyền quốc gia trong quan hệ kinh tế quốc tế, thể hiện sự độc lập của nền kinh tế Việt Nam cũng như tính định hướng XHCN mà nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) đã xác định trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường mang đặc trưng riêng có.

Thứ hai, nguy cơ mất cân đối các biến số vĩ mô đe dọa an ninh kinh tế như: (i) Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi với mức độ tăng GDP xấp xỉ 7%, GDP bình quân đầu người khoảng 2.200 USD năm 2016, tuy nhiên mức độ tăng trưởng vẫn còn thấp, chất lượng tăng trưởng chưa thật sự bền vững; (ii) Cán cân thượng mại trong giai đoạn từ 2001-2017 chủ yếu thâm hụt.

Với cấu trúc sản xuất và cấu trúc thương mại của nước ta như hiện nay, càng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng thì nhập siêu càng lớn vì ngành công nghiệp hỗ trợ của nền kinh tế vừa thiếu lại vừa yếu nên khi nền kinh tế mở rộng sản xuất đồng thời cũng kéo theo nhập khẩu các yếu tố đầu vào từ bên ngoài; (iii) Thâm hụt NSNN có xu hướng tăng do hiệu quả sản xuất, đầu tư thấp.

Để bù đắp thâm hụt ngân sách, nếu Chính phủ phải vay nợ sẽ làm gia tăng gánh nặng cho thế hệ tương lai cũng như tạo ra cuộc khủng hoảng nợ nếu quy mô nợ vượt quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước.

Thứ ba, nguy cơ bất ổn xã hội từ tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch, xây dựng, triển khai các dự án, đề án kinh tế.

Khi phát triển kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc từng bước nghiên cứu, hoàn thiện và bổ sung các lỗ hổng về mặt thể chế, cơ chế, chính sách và pháp lý. Tuy nhiên, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế; những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý kinh tế; những sơ hở, thiếu sót trong hệ thống pháp luật về kinh tế và quản lý kinh tế, một số cán bộ thoái hóa, biến chất, một số đối tượng tội phạm đã lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, trục lợi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế vẫn tiếp tục xảy ra và gây ra những hậu quả lớn về mặt kinh tế. Đặc biệt, khu vực kinh tế 100% vốn nhà nước hoặc do Nhà nước nắm cổ phần chi phối… có chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn thấp, thất thoát từ các vụ án kinh tế rất lớn, khó có khả năng thu hồi. 

Tham nhũng, lãng phí làm mất niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam và đối với chính quyền. Từ đó, xuất hiện các nguy cơ đối với nền kinh tế, dẫn đến các hệ hụy khác trong xã hội, đe dọa đến an ninh và lợi ích quốc gia.

Thứ tư, các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, bất ổn xã hội trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp.

Một trong những định hướng quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, nghĩa là phải đảm bảo 3 trụ cột của phát triển bền vững vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập để tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương do tập trung vào tăng trưởng kinh tế, thu hút càng nhiều các doanh nghiệp càng tốt để làm gia tăng giá trị cho địa phương dẫn đến phát sinh những vấn đề về môi trường, bất ổn xã hội, gây tác động ảnh hưởng đến an ninh trật tự nói chung và an ninh kinh tế nói riêng.

Các biểu hiện cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường không khí và môi trường biển đang đe dọa đến sự bền vững của tài nguyên, môi trường sống cũng như quá trình phát triển của Việt Nam. Điều này không chỉ đe dọa đến an ninh kinh tế, an ninh môi trường mà còn là những vấn đề trực tiếp đến an ninh quốc gia, bất ổn xã hội. Đây là một nhân tố đe dọa đến tính bền vững của an ninh kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam

Để đảm bảo an ninh kinh tế trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tăng cường đấu tranh phản biện các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch phá hoại nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.

Trước âm mưu diễn biến hòa bình, phá hoại định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường của các thế lực thù địch, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế” đã đưa ra những gợi ý quan trọng nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Theo đó, để giữ vững tính định hướng XHCN trong nền kinh tế, cần đảm bảo vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng đối với công tác công an nói riêng, và sự nghiệp đảm bảo an ninh kinh tế nói chung.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản tuyên truyền các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc về kinh tế thị trường của Việt Nam. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, bổ sung phổ biến những nội dung liên quan đến quan điểm của Đảng, Nhà nước về kinh tế thị trường định hướng XHCN đến quần chúng nhân dân thông qua các kênh khác nhau...

Thứ hai, kiểm soát hiệu quả dòng vốn nước ngoài, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia.

Việt Nam cần nâng cao năng lực hệ thống tài chính trong nước, bao gồm hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm để có đủ sức “đề kháng” trước những cú sốc trong hệ thống tài chính quốc tế. Nâng cao hiệu quả các cơ quan giám sát tài chính bao gồm Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhằm đối phó với tình huống dòng vốn đảo chiều đột ngột và hướng dòng vốn vào các ngành có hiệu quả và kiểm soát dòng vốn vào các ngành có tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán.

Việt Nam cần có những biện pháp quyết liệt nhằm siết chặt quản lý đầu tư công, chi tiêu công hướng tới các mục tiêu: (i) Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư phát triển; (ii) Kiểm soát mua sắm công; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ không bảo lãnh vốn vay cho các dự án thương mại của doanh nghiệp nhà nước; (iv) Tinh giản bộ máy nhà nước nhằm tiết kiệm ngân sách.

Từ phía nguồn thu, trước xu hướng giảm nguồn thu xuất nhập khẩu và dầu khí, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả hệ thống thu thuế nội địa nhờ mở rộng thuế thu nhập cá nhân và thuế giao dịch tài sản là những nguồn thu hiện nay còn chưa khai thác hiệu quả.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xét duyệt các dự án đầu tư công và dự án có yếu tố nước ngoài.

Lỗ hổng trong thanh tra, kiểm tra, xét duyệt các dự án đầu tư công hoặc các dự án có yếu tố nước ngoài đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Theo đó, cần nhanh chóng khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thẩm định các dự án, lựa chọn tổng thầu chiến lược.

Xây dựng cơ quan thanh tra chuyên trách phụ trách mảng thanh tra chuyên ngành về thẩm định các hồ sơ dự án, hồ sơ chủ đầu tư và nhà thầu một cách chuyên nghiệp, khoa học. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan trong kiểm tra, xét duyệt, thanh tra định kỳ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đúng hạn.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc đầu tư công.

Gánh nặng từ bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, thủ tục mặc dù đã tinh gọn tuy nhiên vẫn phiền hà, chưa xây dựng được tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, gánh nặng từ đầu tư công đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Do đó, cần tiếp tục duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; Thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, (tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước); tái cơ cấu các tổ chức tín dụng); Tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế; Tái cơ cấu, xây dựng và phát triển cơ cấu vùng kinh tế hợp lý. Thực hiện tinh gọn bộ máy nhà nước theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Thứ năm, giảm phụ thuộc về công nghệ, tiền vốn và các nguồn lực khác.

Thiếu công nghiệp hỗ trợ là nguyên nhân cốt lõi của thực trạng nhập siêu của Việt Nam, vì vậy phát triển công nghiệp hỗ trợ là một ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế, doanh nghiệp trong nước với năng lực tài chính và khoa học công nghệ hiện nay khó có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp vì đây là lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao và nguồn lao động có kỹ năng.

Do đó, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các FTA để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam thông qua Quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực xuất khẩu thông qua các giải pháp đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng công nghệ, cải thiện giá trị gia tăng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ sáu, tăng cường kiểm soát chất lượng về môi trường đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát đối với 28 doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phân loại, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Formosa, Núi Pháo, Bauxit Tây Nguyên… Cần xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí về môi trường trong các khu công nghiệp, các nhà máy để xác định những loại hình doanh nghiệp có phát sinh chất thải gây ô nhiễm như: quy mô, công suất có tầm ảnh hưởng rộng; vị trí đặt dự án; công nghệ sản xuất; công tác kiểm soát của dự án. Bên cạnh đó, tập trung rà soát ngay từ khâu cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả không để bị động, bất ngờ.         

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;

3. Paul Athony Samuelson (2011), Tuyển tập kinh tế học, tập 1, NXB Tài chính, Hà Nội, tr.334;

4. Ngô Văn Lương (2012), Lịch sử các học thuyết kinh tế, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội;

5. Trần Đình Thiên (2016), Báo cáo kinh tế Việt Nam 2015: Chuẩn bị cho TPP, Đề tài cấp Bộ 2014-2015, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.