Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ

Theo P.V/kinhtenongthon.com.vn

Ngoài việc áp dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang triển khai mạnh mẽ chính sách này tại các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ. Đây được coi là công cụ hỗ trợ tài chính, nhằm giúp cộng đồng này phát triển bền vững, phát huy hiệu quả cao trong hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Hoạt động của các TCTD quy mô nhỏ qua nhiều thập kỷ ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng. Nguồn: internet
Hoạt động của các TCTD quy mô nhỏ qua nhiều thập kỷ ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng. Nguồn: internet

Triển khai hiệu quả chính sách BHTG

Ở Việt Nam hiện nay loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) quy mô nhỏ gồm có quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và tổ chức tài chính vi mô (TCVM). Hoạt động của các TCTD quy mô nhỏ qua nhiều thập kỷ ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công cuộc xóa đói, giảm nghèo nói riêng.

Ngoài việc áp dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại các NHTM, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang xúc tiến mạnh mẽ triển khai chính sách này tại các TCTD quy mô nhỏ. Đây được coi là công cụ hỗ trợ tài chính, nhằm giúp cộng đồng này phát triển bền vững, phát huy hiệu quả cao trong hoạt động tài chính vi mô. Hiện nay, tại Việt Nam, có tới 1.178 TCTD quy mô nhỏ được cấp chứng nhận bảo hiểm tiền gửi trong đó, có 1.174 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức TCVM.

Đến cuối tháng 9/2017, BHTGVN đã hoàn thành việc thực hiện cấp mới chứng nhận và bản sao chứng nhận BHTG cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 vừa qua về việc nâng hạn mức BHTG tối đa lên 75 triệu đồng. Việc thực hiện chính sách này đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật được nêu tại Quy chế cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG phục vụ tốt công tác giám sát, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào các chính sách BHTG.

Đối với công tác kiểm tra tại các TCTD quy mô nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro, BHTGVN đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất theo quy định tại Quy chế kiểm tra đã được BHTGVN phê duyệt, góp phần phát hiện nhiều thiếu sót, hạn chế trong quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, cho vay, hạch toán, thu chi tiền mặt, việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách… và trong việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về BHTG.

Đối với từng sai phạm, thiếu sót và hạn chế, BHTGVN đều xác định rõ nguyên nhân và kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, qua đó nâng cao nhận thức của các đơn vị về chính sách BHTG, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật và các quy định, hướng dẫn của BHTGVN, từ đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, BHTGVN xác định tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ quan trọng cần phải đẩy mạnh. Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin, người gửi tiền tại các QTDND rất dễ bị tổn thương, cần có sự quan tâm đặc biệt. Nhận thức được điều ấy, BHTGVN đã áp dụng các chính sách thông tin tuyên truyền hai chiều về BHTG, giúp các QTDND hiểu rõ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm…

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giúp TCTD quy mô nhỏ hoạt động bền vững

Mặc dù chủ trương và định hướng phát triển các TCTD quy mô nhỏ đã ra đời từ lâu nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro, tỷ lệ nghịch giữa quy mô phát triển và tính bền vững, đặc biệt là đối với hệ thống QTDND. Tiến trình chính thức hóa các TCTCVM còn chậm do các vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý cho hoạt động TCVM (hiện nay BHTGVN đang BHTG cho 4 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép).

Ngoài ra, việc thực thi các chính sách liên quan đến BHTG cũng vẫn còn một số bất cập, như: Một số TCTD quy mô nhỏ nộp đơn đăng ký tham gia BHTG chưa đúng thời gian quy định; chưa cung cấp đủ các loại thông tin báo cáo theo quy định của NHNN về chế độ thông tin báo cáo; còn nhiều sai sót trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhận thức của TCTD quy mô nhỏ đối với quy định của pháp luật về BHTG mới ở mức cơ bản; mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc cung cấp thông tin về thành lập và hoạt động của các TCTD chưa sâu sát; đặc biệt là một số quy định của pháp luật có liên quan đến TCTCVM chưa được hoàn thiện.

Cụ thể, hiện nay TCTCVM vẫn đang thực hiện theo Nghị định 28/2005/NĐ-CP và Nghị định 165/2007/NĐ-CP, nhưng các văn bản quy định cụ thể để hướng dẫn thực hiện 2 Nghị định này vẫn chưa ban hành đầy đủ, như quy định về chế độ hạch toán kế toán, chế độ báo cáo thống kê, chế độ tài chính…

Vì vậy, hiện tại các TCTCVM vẫn đang tham khảo quy định đối với các ngân hàng thương mại để tìm cách vận dụng phù hợp nên đã gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong hoạt động. Đồng thời việc thiếu các văn bản hướng dẫn liên quan đến Luật các TCTD 2010 và việc loại TCTCVM ra khỏi đối tượng áp dụng đối với chế độ thống kê mới áp dụng cho các TCTD năm 2014 cũng tạo ra khó khăn cho việc cấp phép hoạt động đối với loại hình này.

Để BHTGVN tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thực thi các chính sách BHTG đối với TCTD quy mô nhỏ, một số vấn đề sau đây cần được chú trọng hoàn thiện: (1) Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan như NHNN, đặc biệt là NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đối với BHTGVN trong việc cung cấp, trao đổi các thông tin liên quan đến việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với các TCTD quy mô nhỏ; (2) Hoàn thiện cơ chế chính sách đối với TCTCVM, trong đó cần sớm ban hành quy định về chế độ hạch toán kế toán, chế độ báo cáo thống kê, chế độ tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động của các TCTCVM; (3) Tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD nói chung và TCTD quy mô nhỏ nói riêng để đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật về BHTG một cách toàn diện.