Cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ:

Dần tháo gỡ những bất cập

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Những năm gần đây, bên cạnh việc đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản lý khoa học và công nghệ (KHCN), Nhà nước đã ban hành một loạt cơ chế chính sách, cơ chế ưu đãi để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, cơ chế tài chính hiện hành cho KHCN vẫn còn có điểm chưa phù hợp với đặc thù của nghiên cứu khoa học.

Có thể thay thế quy định “cứng” 2% tổng chi ngân sách cho KHCN bằng những dự án trong khuôn khổ tài chính trung hạn. Nguồn: internet
Có thể thay thế quy định “cứng” 2% tổng chi ngân sách cho KHCN bằng những dự án trong khuôn khổ tài chính trung hạn. Nguồn: internet

Cấp kinh phí bất cứ thời điểm nào trong năm

Theo ông Nguyễn Việt Hồng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), ngân sách nhà nước (NSNN) luôn ưu tiên bố trí đủ 2% tổng chi NSNN dành cho KHCN (tương đương 0,5 - 0,6% GDP), tốc độ tăng chi bình quân đạt gần 20%, tương đương với tốc độ tăng tổng chi NSNN. Đến nay, NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm 65-70% tổng đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KHCN.

Cùng với mức chi 2% tổng chi NSNN dành cho KHCN là mức cao so với mặt bằng chung của các quốc gia trên thế giới, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù của KHCN. Ví dụ như việc lập, phân bổ dự toán cho các nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước đến nay đã được thực hiện linh hoạt.
Phải bồi hoàn kinh phí nếu không hoàn thành đề tài

Không thể đầu tư cho ngành giao thông làm một nửa cây cầu rồi để đó, nhưng trong nghiên cứu khoa học thì hiện tượng giảm, rút kinh phí đề tài so với đề xuất là phổ biến. Do vậy, trong dự toán kinh phí đề tài được phê duyệt nên có khoản dự phòng kinh phí nhất định để đảm bảo cho sự đầu tư tới ngưỡng.

Cùng với đó, có thể và cần phải xây dựng cơ chế nhà khoa học, nhóm nghiên cứu cam đoan về tạo được kết quả nếu làm đề tài, còn nếu không hoàn thành thì phải bồi hoàn giống như bên giáo dục người được cử đi học (nhất là đi nước ngoài) bằng NSNN sau khi về nước không tiếp tục làm việc thì phải hoàn số kinh phí NSNN đã bỏ ra.

PGS. TS. Bùi Thiên Sơn,
Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính)

Theo quy định của Luật NSNN, việc thực hiện phân bổ dự toán cho các nhiệm vụ này đã được thông qua tuyển chọn, xét chọn, đặt hàng của Nhà nước.

Tuy vậy, trên thực tế thời điểm phê duyệt nhiệm vụ không trùng khớp với thời điểm lập dự toán NSNN hàng năm, dẫn đến số kinh phí chưa phân bổ do chưa xác định được nhiệm vụ rất lớn. Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt 2% tổng chi đầu tư từ NSNN cho KHCN nhưng để lại một khoản lớn kinh phí chưa phân bổ. Trong năm, khi phát sinh nhiệm vụ, trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân bổ.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hồng, đối với các nhiệm vụ đột xuất qua các Quỹ KH&CN, hàng năm NSNN bố trí 200 tỷ đồng vốn điều lệ cho Quỹ Phát triển KHCN quốc gia. Đặc biệt, trong năm 2011, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ do NSNN cấp là 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù Quỹ chưa đi vào hoạt động nhưng Nhà nước đã ưu tiên được bố trí 70 tỷ đồng ngay trong năm 2011 và dự kiến bố trí 180 tỷ đồng trong năm 2012.

Trong quá trình thực hiện dự toán, hiện đã áp dụng cơ chế cấp phát kinh phí linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của hoạt động KHCN. Theo đó, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm các nhiệm vụ KHCN mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước và được rút kinh phí theo tiến độ thực hiện, tạo sự chủ động khi triển khai các nhiệm vụ KHCN. "Việc cấp kinh phí có thể được thực hiện tại bất cứ thời điểm nào trong năm, không bị giới hạn bởi thời gian thẩm tra, phân bổ NSNN hàng năm", ông Nguyễn Việt Hồng nhấn mạnh.

Trong tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí cũng được thông thoáng hơn. Các nhiệm vụ KH&CN được hưởng cơ chế tạm ứng kinh phí để thực hiện từ NSNN mức cao hơn nếu so sánh với việc tạm ứng vốn đầu tư phát triển và các lĩnh vực khác. Cụ thể, các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước được xem xét tạm ứng tới 100% kinh phí phân bổ trong năm, nhưng không vượt quá 70% tổng dự toán của nhiệm vụ; sau khi đã thanh quyết toán 50% mức kinh phí đã tạm ứng, các nhiệm vụ này tiếp tục được tạm ứng các đợt tiếp theo. Mức tạm ứng này cao gấp 2 lần so với mức tạm ứng từ 30- 50% tổng dự toán của các dự án đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho các nhà khoa học chủ động trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Chưa hết những bất cập

Mặc dù được tháo gỡ khá nhiều qua những nhóm giải pháp tài chính linh hoạt, nhưng vẫn chưa hết những bất cập. Còn nhớ cuối năm ngoái, trong phiên giải trình về “Cơ chế tài chính và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN” dư luận mới “vỡ ra” khi nghe phía Bộ KH &CN nói nhà khoa học mỏi cổ chờ tiền thì Bộ Tài chính lại khẳng định tiền vẫn nằm trong Kho bạc chờ nhà khoa học. Bởi vướng  mắc ở đây không phải vì không có tiền mà các đề tài, nhiệm vụ khoa học phải qua rất nhiều khâu, từ lựa chọn, thẩm định cho đến phê duyệt đề tài. Cơ chế tài chính chi theo dự toán, các nhà khoa học muốn rút tiền phải nộp đầy đủ chứng từ…

Tuy nhiên, với những cơ chế khá thoáng đã được Bộ Tài chính gỡ dần và thậm chí theo Bộ trưởng Bộ KH & CN Nguyễn Quân, với quy trình xét duyệt như hiện nay dù có giải ngân ngay kinh phí nghiên cứu thì thời điểm giao kinh phí cũng cách thời điểm đề xuất nhiệm vụ hàng năm.

Chưa kể, ngành KHCN còn phải áp dụng thêm quy trình thẩm định lại một lần nữa đề tài đã được phê duyệt khi tiến hành giải ngân, khiến việc cấp kinh phí nghiên cứu đã chậm càng thêm chậm.

Theo ông Nguyễn Việt Hồng, đổi mới cơ chế tài chính là một bộ phận trong việc đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về cơ chế quản lý, hoạt động, cơ chế tổ chức KHCN, trong đó tập trung vào 7 giải pháp lớn như: Đổi mới mạnh mẽ về tư duy quản lý KHCN; Huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN; Đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khoa học công lập; Hoàn thiện hệ thống các quỹ phát triển KHCN; Tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong sử dụng NSNN trong lĩnh vực KHCN…

Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị đổi mới toàn diện và đồng bộ tổ chức và hoạt động KHCN để đảm bảo chi có hiệu quả 2% tổng chi NSNN. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc đến việc không cân đối chi KHCN theo tỷ lệ chi NSNN mà cân đối theo dự toán, gắn với nhu cầu, nhiệm vụ cụ thể hàng năm. Theo đó, có thể hơn 2% nhưng phải gắn liền với nhiệm vụ cụ thể tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, hoặc tính cho cả giai đoạn 5 năm theo tỷ lệ chi nhất định.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cũng chỉ ra rằng, hiện nay khuôn khổ tài chính trung hạn và khuôn khổ chi tiêu trung hạn đang được thí điểm đưa vào trong quy trình lập dự toán NSNN. Vì vậy, có thể nghiên cứu thay thế quy định cứng dành 2% tổng chi NSNN hàng năm bằng việc đưa ra các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu vào khuôn khổ tài chính trung hạn và chi tiêu trung hạn, thể hiện những ưu tiên trong lĩnh vực KHCN trong trung hạn để bố trí nguồn ngân sách phù hợp.

Cùng với đó, giải quyết triệt để những vướng mắc về thủ tục hành chính gây ra. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ cơ chế kiểm soát trước sang kiểm soát sau, đẩy mạnh hoạt động thanh tra,  kiểm tra, kiểm toán đối với nguồn ngân sách cho KHCN nhằm khắc phục tình trạng giải ngân quá chậm do phải dành quá nhiều thời gian cho các thủ tục về tài chính.