Đánh giá chính sách điều hành tỷ giá tại Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

(Taichinh) - Sau hơn 6 tháng duy trì ổn định (từ 19/6/2014), từ ngày 7/1/2015, tỷ giá trên tăng 1%, từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD. Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần tại các NHTM là 21.673 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.243 VND/USD. Động thái này được cho là phù hợp, bởi:

Trong bối cảnh giá USD trên thị trường thế giới tăng lên, tỷ giá cũng sẽ tăng nhưng không có đột biến và không gây ra các cú sốc. Nguồn: internet
Trong bối cảnh giá USD trên thị trường thế giới tăng lên, tỷ giá cũng sẽ tăng nhưng không có đột biến và không gây ra các cú sốc. Nguồn: internet

(1) Tỷ giá USD/VND đã được giao dịch gần mức trần cho phép xuyên suốt tháng 12 vừa qua, do đồng USD mạnh hơn rất nhiều trong vài tháng qua. Việc giảm thêm 1% giá trị tiền đồng so với USD phù hợp với xu thế, không những vậy, mức giảm này còn cho thấy đồng VND vẫn tốt hơn so với đa số các tiền tệ khác của châu Á kể từ bắt đầu quý IV/2014. Đây là biện pháp điều chỉnh mà nhiều nước muốn làm nhưng không còn dư địa, trong khi Việt Nam tuy dư địa còn ít nhưng vẫn rất quan trọng. Trong nước, dự báo cán cân vãng lai 2015 của Việt Nam thâm hụt nhiều so với 2014.

(2) Trong những thời gian này, mặc dù không có sự suy giảm các yếu tố cơ bản nào khiến NHNN phải giảm giá VND: cán cân thương mại thặng dư đạt 2 tỷ USD trong năm 2014; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn mạnh, vốn FDI đăng ký đạt mức 2,3 tỷ USD trong tháng 12 (cả năm 2014 đạt 15,6 tỷ USD); thêm vào đó, lạm phát tiếp tục thấp, đẩy lãi suất thực về ngưỡng dương góp phần hỗ trợ giảm bớt một số áp lực đối với nhu cầu về USD; thanh khoản tiền đồng không quá khó khăn; và NHNN đã có thể sử dụng một lượng dự trữ ngoại hối trong thời gian vừa qua để cung cấp tiền USD ra thị trường,… nhưng NHNN vẫn điều chỉnh tăng tỷ giá. Điều này giúp NHNN chủ động dẫn dắt thị trường. NHNN sẽ có thể thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới, từ đó giúp chính sách ngoại hối cũng trở nên linh hoạt hơn trong khả năng của NHNN để quản lý thị trường trong các thời điểm có nhu cầu USD cao, nhằm đảm bảo không có một cú tăng đột biến về tỷ giá USD/VND trong những tháng sắp tới.

(3) Việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN đã trực tiếp tác động tốt lên hoạt động xuất khẩu, giải ngân các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp cũng loại bỏ tâm lý kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá để có các kế hoạch kinh doanh phù hợp. Mặc dù thời điểm điều chỉnh tỷ giá có khác với những năm trước nhưng nguyên nhân điều chỉnh khá tương đồng với các năm trước, nhất quán với mục tiêu chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong năm vừa qua. Với mức tỷ giá mới, rõ ràng là một tín hiệu tốt hỗ trợ xuất khẩu, gián tiếp làm tăng nguồn cung ngoại tệ. Mức tỷ giá mới tại mùa cao điểm kiều hối cũng sẽ kích thích luồng kiều hối chuyển về nước. Việc điều chỉnh này cũng góp phần tăng giải ngân cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Nhìn lại năm 2014, NHNN đã thành công trong việc xóa bỏ tâm lý và kỳ vọng thị trường là NHNN phải dùng hết mức điều chỉnh 2%. Ngoài ra, việc điều chỉnh này có lợi cho thu ngân sách từ USD, nhờ đó ngân sách có khoản thu lớn hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng USD đang tiếp tục lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới thời gian qua đã khiến nhiều quốc gia như Nhật Bản, Anh, Trung Quốc… chủ động phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, về phía nền kinh tế Việt Nam, do tỷ giá được neo giữ với đồng USD nên cũng được dự báo là sẽ tăng giá nhẹ so với đồng USD, điều này đương nhiên sẽ gây khó khăn cho hoat động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, hiện đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc có nên hay không nên điều chỉnh tỷ giá. Lẽ dĩ nhiên, NHNN và những người ủng hộ chủ trương không phá giá có thể đưa ra lý do là ổn định tỷ giá sẽ ổn định niềm tin vào VND và điều đó đồng nghĩa với ổn định được lạm phát và kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, với những người ủng hộ điều chỉnh tỷ giá lại cho rằng, việc tiếp tục neo tiền đồng vào USD sẽ đẩy xuất khẩu Việt Nam vào tình thế khó khăn. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu chúng tôi, thì NHNN không nên phá giá tiền đồng trong thời điểm này vì việc điều chỉnh tỷ giá này không mang lại nhiều tác động tích cực, song lại mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Có thể thấy, tại thời điểm này, việc điều chỉnh hay giữ ổn định tỷ giá đều có mặt lợi và bất lợi. Việc điều chỉnh tỷ giá theo tín hiệu thị trường cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do phải liên tục điều chỉnh lại phương án sản xuất, kinh doanh, tăng chi phí do nguyên vật liệu và máy móc thiết bị nhập khẩu, dẫn đến tình trạng tồn kho hoặc khan hiếm hàng hóa quá mức, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Trong vài năm trở lại đây, với nỗ lực của NHNN trong việc chấn chỉnh thị trường ngoại tệ và đưa ra mục tiêu tỷ giá hàng năm đã nhanh chóng ổn định được tỷ giá và cung - cầu ngoại tệ, các doanh nghiệp không còn phải lo lắng về biến động tỷ giá hay thiếu ngoại tệ khi cần thiết. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được những lợi thế bắt nguồn từ tỷ giá ổn định và chính sách ngoại tệ của NHNN.

Thực tế minh chứng, việc giữ ổn định tỷ giá trong thời gian dài là thành công của NHNN trong điều hành chính sách. Tính từ quý IV/2011, tỷ giá dần đi vào ổn định. Tỷ giá không thay đổi trong suốt năm 2012 và chỉ điều chỉnh nhẹ vào giữa năm 2013. Trong cả năm 2014, tỷ giá cũng chỉ được điều chỉnh 1% và đến đầu tháng 01/2015, NHNN công bố điều chỉnh giảm tỷ giá thêm 1% nữa.

Theo Thống đốc NHNN, điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối nhằm bảo đảm giá trị đồng Việt Nam là một trong những nhiệm vụ và lĩnh vực trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2015. Khoảng biến động tỷ giá 2% trong năm 2015 cũng là định hướng như một cam kết mà nhà điều hành đưa ra trong thời điểm đầu năm.

Ngoài ra cần phải thấy rằng việc phá giá đồng nội tệ chỉ có lợi khi xuất khẩu nhưng gây thiệt hại khi nhập khẩu và như vậy chỉ có lợi đối với những nước và những doanh nghiệp xuất siêu, gây thiệt hại cho những nước, những doanh nghiệp nhập siêu (trong quý I Việt Nam nhập siêu 1,8 tỷ USD do vậy thiệt hại nhiều hơn lợi). Hơn nữa việc phá giá đồng nội tệ dù chỉ 1% cũng gây ra hệ lụy lớn cho nền kinh tế đó là tăng lạm phát, kế hoạch sản xuất kinh doanh, hạch toán của doanh nghiệp phải thay đổi, nợ công tăng lên (theo tính toán khoảng từ 10.000 đến 14.000 tỷ đồng). Do vậy với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô thì việc lựa chọn giải pháp phá giá đồng VND không phải là lựa chọn tối ưu ở thời điểm này.

Nhận định về việc giữ ổn định tỷ giá theo mục tiêu NHNN đề ra, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năm nay, trong bối cảnh giá USD trên thị trường thế giới tăng lên, tỷ giá cũng sẽ tăng nhưng không có đột biến và không gây ra các cú sốc. Trong trường hợp đồng USD tăng giá mạnh, NHNN sẽ có biện pháp can thiệp ngay hoặc có biện pháp điều hành linh hoạt để đảm bảo mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, việc giữ ổn định tỷ giá theo mục tiêu của NHNN năm nay sẽ khó hơn so với các năm trước. Đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1%, do đó chỉ còn dung lượng 1% cho giai đoạn từ nay tới cuối năm 2015.