Đánh giá hiệu quả đầu tư công: Cần sự công tâm!

Theo Kinh tế & Dự báo

Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố vốn. Vì thế, hiệu quả đầu tư là một bài toán đặt ra đối với cả các chuyên gia kinh tế và các nhà làm chính sách.

Đánh giá hiệu quả đầu tư công: Cần sự công tâm!
Toàn cảnh hội thảo
Đáp án của bài toán này được gợi mở một phần tại Hội thảo " Đánh giá hiệu quả đầu tư công- Kinh nghiệm của Ai Len và ứng dụng cho Việt Nam" . Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.

Đầu tư công “hơi bị oan” nếu tính theo ICOR

Nghiên cứu của bà Phó Thị Kim Chi và các cộng sự (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia) cho biết, hiện nay có 3 phương pháp định lượng để đánh giá đầu tư công ở việt Nam. Đó là: (1) Sử dụng hệ số ICOR; (2) Phương pháp sử dụng VECM; (3) Phương pháp hàm sản xuất (chỉ số MP).

Hiện nay, việc sử dụng hệ số ICOR là phương pháp thông dụng và phổ biến nhất khi đánh giá hiệu quả đầu tư công. Theo thước đo này, thì giai đoạn 1996 - 2000, chỉ số ICOR của Việt Nam là 5,8 (tức là cần 5,8 đồng vốn để tạo ra một đồng tăng trưởng).

Giai đoạn 2001-2005 chỉ số ICOR của Việt Nam là 6,6. Từ năm 2010 đến nay chỉ số ICOR là khoảng 8. Trong khi với các nước trong khu vực, chỉ số này dao động trong khoảng từ 2 - 4, tức chỉ cần 2 đến 4 đồng vốn đã tạo ra một đồng tăng trưởng.

Tuy nhiên, bà Chi cho rằng: “Khó có thể kết luận về hiệu quả đầu tư chỉ bằng việc sử dụng riêng hệ số ICOR, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động, hay ngắn hạn”.

Chia sẻ nhận định của bà Chi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, việc dựa vào chỉ số ICOR để đánh giá thì “có vẻ” hơi oan đối với hiệu quả đầu tư tại Việt Nam. Nguyên nhân là do khi dùng phương pháp định lượng này, các chuyên gia đã sử dụng chỉ tiêu Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Trong chỉ tiêu này có bao gồm cả những khoản chi tiêu vào tiêu dùng. “Vì thế, việc đánh giá hiệu quả chỉ tiêu ICOR bao giờ cũng cao”, ông Lâm cho biết.

Cho biết Tổng cục Thông kê có 2 chỉ số vốn đầu tư là: vốn đầu tư đi vào tích lũy tài sản và vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, ông Lâm đề xuất, phương pháp ICOR nên dùng chỉ tiêu tích lũy tài sản để đánh giá.

Đồng tình với ông Lâm, TS. Nguyễn Bửu Quyền, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, phương pháp dùng ICOR hoàn toàn không chính xác.

“Mục tiêu của đầu tư công chỉ nhằm tạo cú hích để phát triển, thế nên khi cắt khúc tính toán khó có thể chính xác được”, TS. Quyền dẫn giải.

Do đó, nếu đánh giá hiệu quả đầu tư công theo ICOR thì “hơi oan”, ông nhấn mạnh, trong quá trình đánh giá phải hiểu tác dụng tác động của đầu tư công là rất lớn.

Hệ số ICOR phụ thuộc vào 3 yếu tố: Cơ cấu nguồn vốn, hiệu quả quản lý, chính sách. Trong khi cơ cấu nguồn vốn đầu tư công lại thường đầu tư vào những lĩnh vực mang tính lan tỏa, nên hiệu quả dễ thấy rất nhỏ.

Cần công tâm với đầu tư công

Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, đầu tư công có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đây cũng là bộ phận quyết định hiệu quả đầu tư chung của cả nền kinh tế.

Tác động của đầu tư công là tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như đối với thúc đẩy đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư FDI.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi đầu tư của khu vực nhà nước tăng lên 1% thì có thể tạo ra tăng trưởng của GDP tăng lên 0,068%. Trong khi đó, nếu đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực FDI tăng lên 1% thì chỉ tạo ra tăng trưởng GDP tương ứng là 0,06% và 0,04%.

Kết quả nghiên cứu cũng lưu ý, với Việt Nam, trong ngắn hạn đầu tư công có tác động đến tăng trưởng kinh tế nhiều hơn đầu tư tư nhân. Tuy vậy, tác động cực đại của đầu tư công đang trong xu thế giảm dần khi đến năm thứ 5. Còn tính đến năm thứ 10, khu vực đầu tư tư nhân ảnh hưởng mạnh nhất đến tăng trưởng GDP (đạt 38,22%) cao hơn hẳn khu vực nhà nước và FDI (tương ứng là 15,8% và 7,22%).

Vì thế, các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, trong dài hạn, đầu tư tư nhân mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế.

Vậy làm thế nào để đánh giá?

Để trả lời câu hỏi này, TS. Edgar Morgenroth, Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (ESRI) Ai Len nhấn mạnh, không có phương pháp nào hoàn hảo để đánh giá hiệu quả đầu tư công. Vì thế, cần phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để kiểm chứng.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là phải tách riêng các loại đầu tư ra: chi tiêu cho các mục tiêu, hạ tầng… “Chỉ khi có một phân tách rất rõ ràng mới có thể xác định được hiệu quả”, vị chuyên gia này cho biết.

Ngoài ra, cần phải có một quy hoạch tổng thể, để có thể đưa ra những chính sách mang tính kết nối hiệu quả; cần kiểm soát chi phí hợp lý vì nếu không cẩn thận thì chi phí có thể tăng gấp đôi trong một thời gian ngắn, trong khi lợi ích ròng lại giảm đi.

Khẳng định rằng, quá trình đánh giá là liên tục, không phải là một lần, TS. Edgar Morgenroth lưu ý: “Không thể đánh giá một cách ngẫu nhiên. Chúng ta phải biết rõ vốn của chúng ta rất ít, nên phải cân nhắc, chi phí cơ hội”.

Ông nhấn mạnh, phải có một giai đoạn lập kế hoạch, kỳ kế hoạch 5 năm và gần đây là 7 năm, từ đó có một khung ngân sách nhiều năm gắn với dự án. Như vậy, mới có khả năng thu hút được tư nhân.

Còn TS. Bùi Đại Dũng – Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho hay, các chương trình chi tiêu công cộng hiện nay ở khá nhiều nước trên thế giới đều mang tính chính trị, trong đó việc chia sẻ lợi ích từ “bầu sữa” ngân sách được hợp pháp hóa thông qua chính sách tài khóa thường niên và quy trình chi tiêu ngân sách hiện được thừa nhận như một tập quán khó thay đổi. Trường hợp các nhóm lợi ích có thể can thiệp, tác động đến việc chi tiêu ngân sách thường xảy ra tại các nước vẫn áp dụng quy trình ngân sách ngắn hạn.

Vì thế, chính quyền trung ương nhất thiết phải quản lý và phải quản lý được những hàng hóa công trung ương. Tương tự như vậy, chính quyền địa phương nhất thiết phải quản lý và phải quản lý được những hàng hóa công địa phương. Trong trường hợp đó, tổng thể hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp là cao nhất. Như vậy, để chi tiêu công hiệu quả, trong khu vực công phải có sự phân cấp hợp lý theo nguyên tắc các cấp chính quyền cần được phân cấp quản lý các hàng hóa, dịch vụ công phù hợp. 

Để đánh giá hiệu quả đầu tư công, ông Đinh Trọng Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu chính sách đầu tư- Viện Quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, khi đánh giá hiệu quả của đầu tư công cần phân tích sự tương tác giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân, đầu tư FDI đến đâu? Bởi, các kết quả cho ra sẽ có tác động rất lớn đến người làm chính sách, hỗ trợ họ đưa ra được những chính sách tốt và phù hợp.