Đào tạo chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực trạng và giải pháp

ThS. VŨ HOÀNG MẠNH TRUNG - Cơ sở Học viện Hành chính khu vực miền Trung

(Tài chính) Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà trình độ và năng lực quản lý của đội ngũ chủ doanh nghiệp còn không ít bất cập, hạn chế. Bởi vậy, việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đối tượng này là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Nguồn: internet
Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Nguồn: internet

Những đóng góp nổi bật

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, vì tạo ra nhiều việc làm, sản xuất ra một số lớn sản phẩm cho xã hội, kết nối với các DN lớn tạo mạng lưới hỗ trợ phát triển cho hầu hết các ngành nghề. Thực tế những năm qua đã cho thấy, DNNVV là loại hình DN đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Cụ thể, về lao động, hàng năm các DNNVV Việt Nam đã tạo thêm việc làm cho trên nửa triệu lao động; Sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP…

Số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Sự đóng góp này đã hỗ trợ rất nhiều cho việc chi tiêu vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác. Cụ thể là đã tạo tạo ra 40% cơ hội huy động các khoản tiền đang phân tán, nằm trong dân cư, để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Dù gặp muôn vàn khó khăn từ điều kiện khách quan và chủ quan của kinh tế vĩ mô những năm qua, nhưng DNNVV Việt Nam vẫn thể hiện được sức sống mãnh liệt. Mục tiêu của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 - 2015 là thành lập mới 350.000 DNNVV và phấn đấu đến ngày 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 DN hoạt động. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; Đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN); Tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới… Để đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng khi nhìn vào những hạn chế của đội ngũ DNNVV hiện nay.

Còn nhiều hạn chế trong quản lý

Những bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động trong các DNNVV của Việt Nam là vấn đề không mới. Theo số liệu thống kê, năm 2012, có tới 55,63% số chủ DNNVV ở nước ta có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ DN có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Cụ thể, tiến sĩ chỉ chiếm 0,66%; thạc sĩ 2,33%; tốt nghiệp đại học 37,82%; tốt nghiệp cao đẳng chiếm 3,56%; tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp chiếm 12,33% và 43,3% có trình độ thấp hơn. Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật; Việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm đi chất lượng công việc trong khu vực DNNVV, do vậy các DN này càng rơi vào vị thế bất lợi.

Điều đáng chú ý là đa số các chủ DN, ngay cả những người có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên thì cũng ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị DN, về pháp luật trong kinh doanh... Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc lập chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh các rủi ro pháp lý của các DN Việt Nam.

Số liệu trên cho thấy, trình độ tri thức của chủ DN hạn chế là ảnh hưởng lớn đền chiến lược phát triển, cấu trúc tổ chức của DN. Hầu hết chủ các DNNVV Việt Nam có tri thức công tác quản lý còn hạn chế, ít quan tâm đến việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cũng như xây dựng cấu trúc tổ chức phù hợp cho DN. Các quy trình quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính chưa được các chủ DNNVV quan tâm triển khai. Do đó, các DNNVV không quản lý được công việc, không quản lý được tình trạng tài chính và hiệu quả hoạt động của DN. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong giai đoạn vừa qua. Để có thể vượt qua khó khăn và sẵn sàng cho sự phát triển bền vững trong tương lai, các DNVVN cần phải xây dựng chương trình hoàn thiện các yếu tố nội bộ, đặc biệt là về chức năng quản lý tài chính.

Những hạn chế trong trình độ quản lý, năng lực quản trị đã làm giảm tính năng động, ý thức dám chịu rủi ro và sức mạnh bứt phá của đội ngũ quản lý DNNNV. Không chỉ vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như trong giai đoạn vừa qua, lại làm những hạn chế của đội ngũ doanh nhân - nhà quản lý DNNVV càng bộc lộ nhiều hơn. Đó là tầm nhìn còn hạn hẹp, có tâm lý làm ăn chụp giật, thiếu tự tin, thiếu ý chí kinh doanh lớn; thiếu kiến thức kinh doanh trong kinh tế thị trường; thiếu am hiểu luật pháp quốc tế trong kinh doanh; thiếu tinh thần hợp tác, liên kết trong kinh doanh…

Do hạn chế về tri thức nên tâm lý của chủ DN - nhà quản lý tại nhiều DNNVV không muốn chia sẻ định hướng phát triển DN với người khác. Đây chính là một rào cản làm hạn chế khả năng xây dựng chiến lược cho DN. Ngoài ra, tư duy ngắn hạn của chủ DN – nhà quản lý cũng góp phần làm cho DN tập trung vào ngắn hạn. Chính sự thiếu vắng các chiến lược và kế hoạch dài hạn, khiến đa số các DNVVN thất bại sau giai đoạn hình thành. Những hạn chế cố hữu này cần phải được khắc phục nếu như muốn khu vực DNNVV có những đóng góp tốt hơn.

Giải pháp nâng cao trình độ quản lý

Mục tiêu tổng quát trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành "Nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đó là một bước phát triển mới, quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước ta. Mục tiêu về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân – chủ DNNVV đến năm 2020 phải đạt được như sau: Xây dựng và phát triển tầng lớp doanh nhân có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; Có ý chí kinh doanh, khát vọng làm giàu và có tầm nhìn; có đủ kỹ năng quản trị kinh doanh; tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; có trách nhiệm với xã hội; xây dựng và phát triển DN thành những hệ thống liên kết liên doanh chặt chẽ vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì năng lực cạnh tranh của quốc gia, tránh mọi khuynh hướng bản vị, cục bộ, địa phương, tranh giành thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.

Để làm được điều này, công tác đào tạo đội ngũ chủ DNNVV phải chú trọng những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, phải phát triển mạnh mẽ các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của DN, doanh nhân, như: hệ thống thông tin, dự báo; hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, phát triển DN; các vườn ươm DN...

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và phát triển tầng lớp doanh nhân. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi và phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội DN; thực hiện các chính sách khuyến khích, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức này.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho các chủ DNNVV. Thực tiễn trong những năm qua, nhiều chủ DNNVV, nhất là ở các địa phương phản ánh những khó khăn trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN. Bởi vậy, nhiều Hiệp hội nghề nghiệp có sự tham gia của thành viên là DNNVV đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho chủ sở hữu, người quản lý DN và hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Thứ tư, nâng cao tri thức, kiến thức về hội nhập quốc tế cho DNNVV bao gồm cả hệ thống pháp luật, ưu đãi, các chế tài pháp lý cần thiết cho hội nhập để DNNVV Việt Nam sẵn sàng cũng như đủ sức đương đầu với làn sóng toàn cầu hóa mà Việt Nam đang từng bước áp dụng.

Tài liệu tham khảo:

1. Chương, T. S. (2008). "Hãy cứu Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ." Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần 30/10/2008;

2. Georgee Manners, J. (2006). "Six levels of financial knowledge." Strategic Finance;

3. Harvie, C. (2007). "SME development strategy in Vietnam." The 4th SMEs in a global economy conference 2007, 9th – 10th July, 2007, Hanoi.