Đào tạo luật sư thương mại quốc tế - Yêu cầu cấp thiết

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Đề án 123 đã vạch ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 số lượng luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư là 1.000 người; số luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế là 150 người, bao gồm cả những người được đào tạo hoặc tự đào tạo nhưng được thu hút theo chính sách của Đề án.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2020 sẽ có 150 luật sư đạt chuẩn quốc tế

Với sự phát triển chung của xã hội, thời gian qua đội ngũ luật sư Việt Nam đã có bước tiến đáng ghi nhận về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, số lượng luật sư giỏi, thông thạo pháp luật quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại, tư vấn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong đàm phán, kinh doanh có yếu tố nước ngoài còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Chính vì thế, mục tiêu tổng quát của Đề án 123 là xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạokỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Để triển khai mục tiêu trên, Đề án 123 đã vạch ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 số lượng luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư là 1.000 người; số luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế là 150 người, bao gồm cả những người được đào tạo hoặc tự đào tạo nhưng được thu hút theo chính sách của Đề án. Chương trình đào tạo luật sư thương mại quốc tế cần được xây dựng trên cơ sở chương trình chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của Việt Nam và áp dụng thống nhất cho các trung tâm đào tạo liên kết. Chính vì thế, kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, đặc biệt là các kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại; tư vấn pháp luật trong các giao dịch thương mại quốc tế; kiến thức pháp luật về kinh doanh, thương mại quốc tế; tiếng Anh pháp lý… là những vấn đề được ưu tiên.

Dự thảo còn thiên về kiến thức chung

Hiện nay, các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam như ĐH Luật, Khoa Luật, ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngoại giao... mới trang bị bước đầu các kiến thức về thương mại quốc tế cho sinh viên, chưa có một cơ sở nào đào tạo toàn diện các kiến thức về thương mại quốc tế và kỹ năng của luật sư trong việc tư vấn, tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Thực tế này vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn cho Học viện Tư pháp (đơn vị xây dựng Dự thảo), bởi chưa có kinh nghiệm thực tế, lại phải xây dựng được một chương trình thỏa mãn yếu tố hội nhập trên nền tảng không nhiều về số lượng luật sư đạt tiêu chuẩn hội nhập, có tiếng Anh chuyên ngành sâu.

Hơn nữa, đây là một chương trình đào tạo đặc thù, sau đại học, ưu tiên vào kỹ năng nghề chính vì thế lựa chọn đối tác nước ngoài phối hợp đào tạo thỏa mãn các điều kiện về tài chính, chương trình đào tạo cũng không hề đơn giản. Quan điểm của Bộ Tư pháp là không “nhập khẩu chương trình”, mà phải xây dựng chương trình made in Việt Nam. Đã có rất nhiều đối tác tiếp cận, song đối tác đồng ý hợp tác xây dựng chương trình trên cơ sở chương trình khung của họ, phù hợp với Việt Nam thì đơn giá cao; còn đối tác đơn giá thấp thì lại yêu cầu nhập khẩu chương trình đào tạo. Ngoài ra, vì đây là chương trình đào tạo thực hiện đề án của Chính phủ, nên kinh phí đào tạo sẽ do Chính phủ quyết định. Nếu đào tạo thiên về chất lượng (20 - 30 học viên) thì không thỏa mãn điều kiện tài chính, chi phí cao; còn nếu đào tạo thiên về số lượng (bảo đảm thu - chi) thì không thỏa mãn yêu cầu về chất lượng của Đề án 123.

Đại diện Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp chia sẻ, việc đào tạo luật sư theo Dự thảo chủ yếu tập trung vào trang bị các kỹ năng chung và kỹ năng hành nghề trong một số lĩnh vực phổ biến như tranh tụng trong vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đủ về số lượng luật sư theo yêu cầu cải cách tư pháp. Các kỹ năng liên quan tới giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế chưa được đề cập một cách toàn diện và chuyên sâu trong chương trình đào tạo luật sư hiện nay.

Liên quan đến khối lượng kiến thức nhiều ý kiến cho rằng, chương trình còn nặng về kiến thức chung, mà chưa xây dựng được nét riêng (phục vụ hội nhập), nét đặc thù (luật sư chuyên về thương mại quốc tế), đặc biệt yếu tố tiếng Anh pháp lý còn bị xem nhẹ. Mặc dù, chương trình được xây dựng dựa theo tín chỉ, nhưng điều kiện thực tế triển khai như thế nào thì Học viện Tư pháp chưa tính cụ thể. Hơn nữa, thực tế hiện nay luật sư có trình độ tiếng Anh pháp lý chuyên sâu không nhiều. Điều khó hơn, luật sư nếu đã có trình độ tiếng Anh ielts 7.0 thì tự thân họ đã sống được với nghề, và đã vậy họ không mấy mặn mà với Đề án 123; còn nếu đầu vào tiếng Anh chỉ dừng lại ở ielts 5.0 thì không đáp ứng được yêu cầu hội nhập như mục tiêu đặt ra của Đề án. Hiện dự thảo Chương trình xây dựng khung theo thời lượng (12 tháng học viên phải hoàn thành 42 tín chỉ); trong khi đó ở các cơ sở đào tạo khác (ĐH Luật thì 45 tín chỉ được học trong 1,5 năm). Với thời gian và số lượng tín chỉ nêu trên thì e rằng chương trình là quá nặng.

Liên quan đến đầu vào tiếng Anh, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Bạch Quốc An cho rằng: nếu chỉ dành vài ba tín chỉ để trang bị tiếng Anh thì không thể giải quyết được điều gì. Tiếng Anh cũng như kiến thức, kỹ năng nghề cần có thời gian tích lũy, một lần nữa chất lượng đầu vào phải được đặc biệt quan tâm. Từ cách tiếp cận đó, ông An cho rằng, không đào tạo nhiều chỉ nên chọn 20 - 30 học viên, từ đó rút kinh nghiệm, đồng thời chờ đợi hiệu ứng từ xã hội rồi triển khai tiếp.

Cùng góc tiếp cận với ông An, đại diện ĐH Ngoại thương chia sẻ, cần có sự lý giải kỹ hơn về tiếng Anh pháp lý, học viên cần có ít nhất ở trình độ ielts 6.5. Để tạo được tính hấp dẫn của chương trình thì cần xây dựng theo chuẩn quốc tế, tận dụng thế mạnh của Đề án 123 - tức là đào tạo luật sư phục vụ hội nhập. Hơn nữa, trong thực tế, những thực hành về thông luật (common law) phổ biến hơn luật lục địa (civil law), nhưng các đối tác của Việt Nam hiện không chỉ dừng lại ở các nước trong hệ thống pháp luật Anh - Mỹ nên cần có cách tiếp cận khái quát hóa hơn với những vấn đề nóng như chống bán phá giá, tự vệ thương mại...

Từ những phân tích trên thiết nghĩ, Dự thảo chương trình cần bám sát yêu cầu Đề án 123. Từ Đề án 123 tính đến thực tế của đội ngũ luật sư hiện nay cũng như điều kiện hành nghề của họ. Bên cạnh, việc tính đến việc đáp ứng yêu cầu hội nhập thì cũng cần chuẩn bị những bước dài hơi hơn trong việc xây dựng một chương trình chuẩn khung quốc gia trong việc đào tạo luật sư tư vấn, tranh tụng trong thương mại quốc tế. Hơn nữa, để tạo sự hấp dẫn đối với học viên, cần phải tính đến sự liên thông với các chương trình đào tạo khác như công chứng viên, chấp hành viên, 3 chung (kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư) hay chương trình thạc sĩ ứng dụng mà ĐH Luật đang đào tạo; đồng thời để bảo đảm tính bền vững của chương trình phải đào tạo cả giảng viên, bên cạnh việc thuê giáo viên nước ngoài.