Dấu hỏi cho cổ phần hóa

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Cổ phần hóa là phần việc quan trọng trong công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên tiến độ cổ phần hóa chậm chạp trong những năm gần đây đã dấy lên nhiều quan ngại về quyết tâm cổ phần hóa của một bộ phận DNNN.

Quá trình ổ phần hóa đang diễn ra khá chậm. Nguồn: internet
Quá trình ổ phần hóa đang diễn ra khá chậm. Nguồn: internet

Cổ phần hóa chậm dần

Tại Diễn đàn DN 2013 tổ chức đầu tháng 12-/2013, ông Trần Anh Đức, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cho rằng: Tốc độ cổ phần hóa đã giảm mạnh trong những năm vừa qua: Từ hơn 800 DN được cổ phần hóa trong năm 2004-2005 đã giảm xuống còn 13 DN vào năm 2012. Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về tiến độ cổ phần hóa trong các năm tiếp theo.

Còn theo báo cáo chính thức của Chính phủ, năm 2012 cổ phần hóa được 13 DN, 9 tháng đầu năm 2013 cổ phần hóa được 27 DN. Số DN 100% vốn Nhà nước giảm từ 5.655 DN năm 2001 đến nay đã giảm còn 1.257 DN. Nếu tính từ 1990 đến nay, số lượng DNNN đã giảm đáng kể (từ 12.000 DNNN)

Nhìn vào việc giảm nhanh số lượng DNNN 20 năm qua, có thể thấy đó như một thành tích. Nhưng đi sâu phân tích tiến độ cổ phần hóa những năm gần đây thì thấy rằng: Cổ phần hóa đang đi lùi.

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việc cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN còn chậm và gặp những khó khăn, vướng mắc do không có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính và những cản trở bởi khuôn khổ pháp lí.

TS.Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho rằng: Cổ phần hóa không tiến triển nhiều; thoái vốn gặp khó khăn trên nhiều mặt, chậm nhiều so với yêu cầu. Nguyên nhân là do tư duy, tiêu chí và cách thức thực hiện bảo toàn và phát triển vốn chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Mặt khác, một số phương thức bảo toàn vốn theo quy định hiện hành còn hình thức và thiếu linh hoạt, làm tăng chi phí hoạt động của DN; chưa thật sự thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, kinh doanh sáng tạo và cẩn trọng để bảo toàn vốn và phát triển vốn.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cổ phần hóa, thoái vốn chậm thì chưa thể thay đổi vai trò, chưa thể thu hẹp phạm vi kinh doanh của DNNN, chỉ  tập trung vào các lĩnh vực chính gồm công nghiệp quốc phòng, các ngành, lĩnh vực công nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn như kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI.

Cần đưa ra mục tiêu cụ thể

Theo thống kê từ Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tốc độ cổ phần hoá của DNNN đang khá chậm. Có 76 DN của 23 tập đoàn kinh tế Nhà nước, DNNN trực thuộc bộ, ngành và địa phương xin lùi cổ phần hoá sau năm 2015. Trao đổi với báo chí về tiến độ cổ phần hóa DNNN khi còn là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam (nay giữ chức Phó Thủ tướng) cho rằng: Trong bối cảnh tình hình kinh tế và hoạt động DN còn nhiều khó khăn, việc cổ phần hoá DN nếu vội vàng và cứ kiên quyết áp tiến độ như đã tính toán trước đây thì sẽ dẫn đến tình trạng giá bán ra của DNNN, tức tài sản của Nhà nước bị thua thiệt.

Bên cạnh mục tiêu đổi mới DN thì cổ phần hoá còn có mục tiêu rất quan trọng là không để thất thoát tài sản của Nhà nước. Do vậy, tinh thần chung trong chỉ đạo của Chính phủ là phải hết sức khẩn trương, song chặt chẽ và không quá nóng vội để làm sao vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu nhưng không để thất thoát tài sản.

Trong một báo cáo đánh giá kinh tế 2013 với tựa đề "Thách thức còn ở phía trước", nhóm chuyên gia Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Việc tiến hành cổ phần hóa nhanh chóng khu vực DNNN lúc này khác với giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi. Trong giai đoạn đầu, nếu tiến hành cổ phần hoá quá nhanh, trong khi cơ chế thị trường chưa được hoàn thiện, các DN sau khi được cổ phần hóa có thể sẽ không cải thiện được năng suất mà lại chuyển sang độc quyền tư nhân.

Khi đó các DN cổ phần có thể chạy theo lợi nhuận mà giảm nhẹ các chức năng cung cấp các dịch vụ công ích. Nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, với hầu hết các hoạt động kinh tế đã dựa trên cơ chế thị trường, thì việc tiến hành cổ phần hoá triệt để các DNNN sẽ không dẫn đến hiện tượng việc cung cấp các dịch vụ công ích sẽ bị ngừng trệ.

Vì thế, nhóm chuyên gia Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị: Để tránh việc thu hẹp một cách hình thức khu vực DNNN, cần đưa ra mục tiêu giảm tỉ trọng đóng góp của DNNN vào nền kinh tế. Mặc dù trong những năm qua tỉ trọng đóng góp của DNNN vào GDP đã giảm xuống còn khoảng 25-27% GDP nhưng rõ ràng vẫn ở mức rất cao so với các nước trên thế giới. Chính phủ cần có định hướng để giảm đóng góp của khu vực này vào GDP chỉ nên ở mức 15-17% vào năm 2015, và xuống mức dưới 10% vào năm 2020 như hầu hết các nước trên thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Phát triển tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý: Đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh.

Liên quan đến tái cơ cấu DNNN, trong 2014-2015, sẽ chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 DNNN. Trong đó, cổ phần hóa 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91, hầu hết tổng công ty 90. Ngoài ra, sẽ bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hóa vào 2020.