Đấu thầu hay đấu giá

Theo daibieunhandan.vn

Bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế chính là mục đích của hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Đấu thầu có những sơ hở, vướng mắc khiến cho việc đấu thầu chệch hướng chạy theo giá bỏ thầu; việc đánh giá về năng lực nhà thầu, về vấn đề kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức thực thi... có khi lại bị xem nhẹ so với yếu tố giá thầu.

Đấu thầu hay đấu giá
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo từ điển bách khoa Việt Nam: Đấu thầu là phương thức giao dịch đặc biệt, mà người muốn xây dựng công trình (người gọi thầu) công bố trước các yêu cầu và điều kiện để xây dựng công trình (người dự thầu) công bố giá mà mình muốn nhận. Người gọi thầu sẽ chọn người dự thầu nào phù hợp với điều kiện của mình với giá thấp hơn. Như vậy có thể thấy, để trúng thầu cần có 2 yếu tố: bảo đảm kỹ thuật và giá cả thấp nhất.

Khi bước vào quá trình xây dựng tiêu chí gọi thầu, chấm thầu thì ngoài vấn đề năng lực của nhà thầu, vấn đề tiêu chí kỹ thuật và giá cả là vấn đề rất quan trọng quyết định đến việc xác định đơn vị trúng thầu. Và trên thực tế, nhiều trường hợp hai vấn đề này lại dường như mâu thuẫn với nhau. Bên gọi thầu vừa muốn tiêu chí về kỹ thuật cao, lại vừa có giá cả thấp. Thậm chí giá thấp nhất luôn là “ma lực” hấp dẫn việc chọn thầu. Nhiều trường hợp bỏ giá thấp để trúng thầu bất chấp các yêu cầu về kỹ thuật, tiến độ thời gian… và đã dẫn đến hệ lụy là kết quả thực hiện gói thầu.
 
Theo Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm thì xưa nay nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi “đấu thầu hay đấu giá” khi mà phương thức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đấu thầu hiện hành thiên về việc lựa chọn các nhà thầu đưa ra giá thấp nhất. Phải thấy rằng, giá thấp nhất thì chất lượng cũng sẽ thấp nhất. Để trúng thầu nhiều đơn vị tham gia đấu thầu có xu hướng bỏ giá thầu thấp hoặc rất thấp so với tiêu chí về chất lượng kỹ thuật để được trúng thầu. Cách làm này dễ biến cuộc đấu thầu thành đấu giá cao thấp còn tiêu chi kỹ thuật bị xem nhẹ, hoặc xác định chung chung, hoặc “đợi hồi sau sẽ rõ”.
 
Đành rằng, chọn thầu, chấm thầu theo hồ sơ nhưng vấn đề quan trọng là năng lực thực sự của nhà thầu. Mà trong đó, năng lực về kỹ thuật, năng lực về tài chính, kinh nghiệm quản lý tổ chức thực hiện chuyên nghiệp… sẽ quyết định việc thực hiện chất lượng và hiệu quả gói thầu. Tuy nhiên nếu chỉ chú ý giá bỏ thầu sẽ khiến cho việc đấu thầu lệch hướng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, tình trạng bỏ thầu thấp, kéo dài thời gian thi công, đợi khi nào có thay đổi về giá, dẫn đến kết quả đấu thầu ban đầu hầu như không có giá trị về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, có được thầu rồi có tình trạng bán thầu hoặc ký hợp đồng với các nhà phụ không đủ điều kiện năng lực. Nhiều dự án đấu thầu thiên về giá, không chú ý đến vấn đề kỹ thuật. Nhiều công trình vừa làm xong đã phải sửa chữa, làm lại.
 
Thực tế nêu trên không thể tồn tại kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật Đấu thầu bổ sung quy định phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi tham gia hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế cho gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc gói thầu hỗn hợp, mua sắm hàng hóa, xây lắp quy mô lớn, phức tạp theo quy định của Chính phủ, nhà thầu nộp đề xuất về mặt kỹ thuật và đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Việc mở thầu được tiến hành hai lần; trong đó, đề xuất về mặt kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu để đánh giá, đề xuất về tài chính của tất cả các nhà thầu có đề xuất về mặt kỹ thuật được đánh giá là đáp ứng yêu cầu được mở để đánh giá tổng hợp. Trường hợp gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao thì chỉ mở đề xuất về tài chính của nhà thầu đáp ứng số điểm kỹ thuật tối thiểu theo quy định và đạt số điểm kỹ thuật cao nhất để xem xét, thương thảo (Điều 23).

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù, Dự thảo Luật quy định phương thức hai giai đoạn; trong đó, giai đoạn một, các nhà thầu nộp đề xuất về mặt kỹ thuật, phương án tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng chưa có giá dự thầu; trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu tham gia giai đoạn này, sẽ xác định hồ sơ mời thầu giai đoạn hai. Trong giai đoạn hai, các nhà thầu đã tham gia giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu giai đoạn hai bao gồm: đề xuất về mặt kỹ thuật và đề xuất về tài chính, trong đó có giá dự thầu; biện pháp bảo đảm dự thầu (Điều 24).
 
Sự thay đổi này sẽ khắc phục tình trạng các nhà thầu năng lực kém nhưng lại đưa ra giá bỏ thầu thấp để trúng thầu, dẫn tới dự án không bảo đảm về tiến độ cũng như chất lượng công trình. Việc "đấu thầu hay đấu giá" sẽ ngã ngũ nhưng quan trọng hơn các quy định chính là yếu tố con người thực thi nhiệm vụ. Do đấu thầu là một nghiệp vụ, vì vậy, cần phải do những người chuyên nghiệp, nắm vững về nghiệp vụ và thực thi đúng quy định. Và cùng với việc thành lập đơn vị tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, cần tạo điều kiện để cho các tổ chức tư vấn luật tham gia nhiều hơn vào hoạt động đấu thầu.

Khi hoạt động đấu thấu được tổ chức chuyên nghiệp thì sẽ khắc phục căn bản các bất cập trong hoạt động đấu thầu.