Đầu tư hạ tầng giao thông: Phải hút vốn ngoại

Theo baohaiquan.vn

Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới còn khá lớn và xã hội hóa nguồn vốn vẫn là giải pháp tối ưu được lựa chọn trong điều kiện ngân sách ngặt nghèo. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngoài trông chờ vào các nhà đầu tư trong nước, làm sao để thu hút được nhà đầu tư và nguồn vốn ngoại mới là “lời giải” then chốt.

Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới còn khá lớn.
Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới còn khá lớn.

Cần hơn 1 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT): Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông lên đến hơn 1.039 tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối từ nguồn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 11%. Do vậy, việc tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức Hợp tác công tư (PPP) là một giải pháp tất yếu.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Thời gian tới, việc đầu tư hạ tầng giao thông sẽ tập trung vào các dự án có tính chất đột phá, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc-Nam. Bên cạnh đó, các tuyến nối liền các trung tâm kinh tế với nhau sẽ được nâng cấp, trên cơ sở Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng thực hiện.

“Để đảm bảo việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT hài hòa lợi ích giữa các bên, tránh tăng chi phí vận tải, Bộ GTVT chủ trương tập trung đầu tư các tuyến mà người dân có quyền lựa chọn. Nếu người dân, DN không muốn đi vào tuyến cao tốc thì có thể đi vào tuyến đường còn lại. Việc áp dụng các công nghệ mới cũng sẽ được đẩy mạnh áp dụng nhằm giảm suất đầu tư xuống, mục tiêu giảm mức thu phí, rút ngắn thời gian thu phí”, ông Trường nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT: Để việc thu hút vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi hơn trong thời gian tới, về giải phóng mặt bằng, tái định cư, đối với dự án PPP, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận sử dụng nguồn vốn Nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng đặc biệt trong bối cảnh đang định hướng huy động nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan tới các trạm thu phí, chính sách phí, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chính thức về quy hoạch trạm thu phí theo hướng giao Bộ Tài chính quy định về tiêu chí lập trạm thu phí, xác định mức phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc; ban hành các Thông tư hướng dẫn quản lý về giá phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực.

Cơ chế thoáng để hút vốn ngoại

Trên thực tế, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, năng lực tài chính của các DN trong nước cũng hạn chế, để có thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút được nhà đầu tư và nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất hợp lý là điều khá quan trọng. Nhận thức rõ điều này, ông Nguyễn Nhật cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận cơ chế bảo lãnh doanh thu.

Xung quanh câu chuyện làm thế nào để hút vốn ngoại vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đại diện Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM phân tích: Hiện nay, nhà đầu tư ngoại không mặn mà bởi các hình thức đầu tư vào hạ tầng giao thông như BOT ở Việt Nam đang tồn tại nhiều rủi ro. Điển hình như khâu giải phóng mặt bằng khó khăn. Hợp đồng BOT thì cơ quan quản lý Nhà nước ký kết, song giá phí lại do Bộ Tài chính và UBND địa phương quyết định nên tổng thể phương án tài chính không ổn định. Bên cạnh đó, một dự án BOT có quá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra các khâu. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài rất sợ thanh kiểm tra nhiêu khê, đặc biệt là sợ xảy ra tranh chấp. Nhà đầu tư nước ngoài hiện không thể vay vốn các ngân hàng trong nước cũng là một rào cản khiến DN ngại ngần tham gia đầu tư.

“Xuất phát từ các yếu tố trên, để thay đổi quan điểm của nhà đầu tư ngoại, các dự án mời gọi đầu tư nên là dự án mới như xây dựng đường trên cao, cao tốc…, nơi mà người sử dụng dự án được lựa chọn phương án để đi, không thắc mắc về giá phí thời gian thu phí. Hình thức chọn nhà đầu tư phải tổ chức đấu thầu quốc tế, từ bước lập dự án tới đầu tư. Về vấn đề pháp lý, nhất là các Luật liên quan, nếu nhà đầu tư cảm thấy Luật mới ban hành kèm theo các Nghị định, văn bản dưới Luật không tốt hơn Luật cũ ở thời điểm mời gọi đầu tư thì có thể cho phép nhà đầu tư lựa chọn áp dụng Luật cũ. Làm như vậy, mới có thể đảm bảo sự ổn định tạo dựng lòng tin”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Đứng từ góc độ của Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Về kiến nghị bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư nước ngoài của Bộ GTVT cần xem xét kỹ lưỡng. Bởi, bảo lãnh phải theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Hình thức bảo lãnh có thể dẫn tới rủi ro lớn cho Chính phủ và hiện tại chưa phù hợp với Luật Quản lý nợ công.

Đánh giá tổng thể về đầu tư kết cấu cho hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục rà soát chiến lược quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Đối với Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát chính sách phí theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 ngày 16/5; đồng thời kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn về giá phí theo hình thức BOT khi Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ 1/7 tới.