Đầu tư tư nhân: Trụ đỡ của nền kinh tế

Trang Trần

(Tài chính) Kinh tế tư nhân được các chuyên gia đánh giá là yếu tố quyết định sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, cho đến nay, thành phần kinh tế này vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đóng góp được như kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Đầu tư tư nhân: Trụ đỡ của nền kinh tế
Kinh tế tư nhân được các chuyên gia đánh giá là yếu tố quyết định sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Nguồn: internet

Thu hút đầu tư tư nhân: Khó trăm bề!

Năm 2013 sắp kết thúc, nền kinh tế nhìn chung được đánh giá là đã thoát khỏi vùng đáy của sự suy giảm, các mục tiêu đề ra cho cả năm về cơ bản là đạt được với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 5,3-5,4% và mức lạm phát khoảng 6,2-6,3%.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng khuyến cáo, các kết quả Việt Nam đạt được chưa thực sự vững chắc và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhiều năm qua chủ yếu dựa vào 2 nguồn lực chính là khai thác tài nguyên thô và đầu tư công. Trong khi đó, 2 "lực đỡ" này hiện nay đang ngày càng bị siết chặt.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong những nhân tố tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, lao động chiếm 25,5%, vốn chiếm tới 57,54% và chỉ tiêu về chất lượng là năng suất tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 16,25%. Như vậy, nền kinh tế cũng phụ thuộc nhiều vào vốn, tài nguyên; năng suất lao động rất thấp.

Nhiều chuyên gia nhận định, về cơ bản, kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định như năm 2013. Tuy nhiên với mô hình tăng trưởng cũ, tiếp tục dựa vào đầu tư công, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên… thì tương lai Việt Nam sẽ không có một cú hích thực sự.

Để giải quyết bài toán này, GS. Nguyễn Mại cho rằng phải kích hoạt khu vực kinh tế tư nhân ngay trong năm 2014 để góp phần tái cấu trúc nền kinh tế, hồi phục tăng trưởng trong dài hạn. Như vậy, phát triển kinh tế tư nhân là con đường tất yếu đưa nền kinh tế Việt Nam hồi phục hoàn toàn, tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, song dường như kiệu quả chưa được như kỳ vọng.

Điển hình như gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng, có đến 95% doanh nghiệp bất động sản nằm trong số 70% doanh nghiệp khó khăn năm nay cần gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, số doanh nghiệp bất động sản trên sàn tiếp cận được nguồn vốn đều cho biết thực sự gói hỗ trợ này có tác động rất ít để có thể giảm hàng tồn kho. Đó là chưa kể đến vấn đề giải ngân nguồn vốn quá chậm, gói 30.000 tỷ đồng được giải ngân bắt đầu từ ngày 1/6 mà tính đến ngày 15/12 mới chỉ giải ngân được khoảng 555 tỷ đồng, chưa được 2% tổng vốn dự kiến.

Bên cạnh đó, đã có không ít chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp nước sạch cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, được ban hành nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn hững hờ mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, chồng chéo, mâu thuẫn trong quản lý các lĩnh vực dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Đó là chưa kể năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ ở địa phương chưa bắt kịp xu hướng đổi mới, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của các cơ chế, chính sách.

Ngoài ra, thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiều cấp trung gian, thiếu minh bạch thông tin nên chưa tạo môi trường tham gia hoạt động thuận lợi, thông thoáng cho khu vực tư nhân yên tâm tham gia đầu tư. Đó là chưa kể các doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn khó tiếp cận các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước.

Không những thế, doanh nghiệp tư nhân còn chịu tác động mặt trái của ổn định kinh tế vĩ mô khi thu hẹp nhanh dư nợ tín dụng khiến doanh nghiệp không tiếp cận được. Đồng thời, lãi suất và nợ xấu tăng lên cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Kích thích kinh tế tư nhân phát triển

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế mà trước mắt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục tài chính – ngân hàng và kinh tế quốc doanh để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư.

Cần tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân, không phân biệt thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hay thành phần kinh tế trong nước. Cần tiếp tục tháo gỡ tất cả những vướng mắc căn bản nhất cho doanh nghiệp trong nước để giúp các doanh nghiệp vươn lên, đạt được thành quả tương tự các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước để mở rộng “đất” cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển mà cụ thể là cần tạo sự công khai, minh bạch của các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Theo đó, Nhà nước cần nhanh chóng cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại lĩnh vực quan trọng và thoái vốn khỏi những lĩnh vực mà tư nhân làm tốt hơn như lịch trình đã đưa ra là tới năm 2015 về cơ bản sẽ cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Nhà nước chỉ giữ lại khoảng 8 tập đoàn lớn nhưng các công ty trực thuộc vẫn sẽ cổ phần hóa. Điều này không những giúp Nhà nước có thêm nguồn lực đầu tư mà còn giúp doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng ngay trong năm 2014, cần thực hiện cải cách thể chế, tiếp tục tạo ra những khung khổ pháp lý mới để doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các nguồn lực. Trong đó, quan trọng nhất là tạo ra khung khổ pháp lý cho để khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia vào phát triển kinh tế, cung cấp dịch vụ công cho đất nước mà hiện đang còn lãng phí.

Nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Haruhiko Kuroda cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này dựa vào kết quả đầu ra nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư công và tăng khả năng cung ứng bền vững các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ cho cộng đồng nông thôn và người nghèo.