Đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ 2 trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á năm 2014. Tuy nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2014 ước tính đạt 2.216 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý, theo dự kiến, đến ngày 11/1/2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO.

Đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ
Điểm đáng chú ý, trong những năm qua, các siêu thị hiện diện ngày càng phổ biến ở Việt Nam, chiếm lĩnh một phần thị phần bán lẻ của chợ truyền thống. Nguồn: internet
Ở Việt Nam, mạng lưới bán lẻ truyền thống đã tồn tại và phát triển cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các loại hình cơ bản như chợ, cửa hàng, cửa hiệu, sạp hàng… Hiện nay, ở nước ta, các loại hình bán lẻ truyền thống vẫn tồn tại phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Chợ truyền thống là loại hình bán lẻ có lịch sử phát triển lâu đời nhất, phổ biến nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hoá, nhất là ở khu vực nông thôn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 8.583 chợ. Loại hình chợ chủ yếu là kinh doanh tổng hợp, hàng hoá đa dạng, phong phú và thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày; phẩm cấp hàng hoá ở mức độ trung bình, phù hợp với người tiêu dùng bình dân, hạ tầng chợ còn kém phát triển. Lực lượng kinh doanh chủ yếu là các hộ tư thương, ngoài ra, tại các chợ nông thôn còn có người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm. Người bán hàng tại chợ có tiềm lực vốn thấp, quy mô lao động nhỏ.
Bên cạnh mạng lưới chợ, loại hình kết cấu hạ tầng bán lẻ truyền thống quan trọng khác là các cửa hàng, cửa hiệu nhỏ, thường cũng là của các hộ tiểu thương. Tại khu vực đô thị, các cửa hàng, cửa hiệu thường được quy tụ về không gian để hình thành lên các dãy phố buôn bán. Tại các khu, cụm dân cư, trên các tuyến đường giao thông, các cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng phát triển khá phổ biến. Đặc điểm của các cửa hàng loại này là có quy mô nhỏ, sử dụng tương đối ít lao động, thường sử dụng diện tích nhà ở để kinh doanh, hiện tượng chủ hộ kinh doanh trực tiếp bán hàng khá nhiều. Điều này khiến cho loại hình này nhìn chung thường phát triển tự phát, không theo quy hoạch, gây mất mỹ quan, mất trật tự an toàn giao thông.

Điểm đáng chú ý, trong những năm qua, các siêu thị hiện diện ngày càng phổ biến ở Việt Nam, chiếm lĩnh một phần thị phần bán lẻ của chợ truyền thống. Năm 2008 cả nước mới có khoảng 385 siêu thị, nhưng hiện nay đã tăng lên 724 siêu thị. Điều này phần nào cho thấy sức hút của loại hình bán lẻ hiện đại này đối với người tiêu dùng Việt Nam. Có thể kể ra một số lợi thế từ rõ nét của siêu thị so với các loại hình bán lẻ truyền thống như hàng hoá đa dạng hơn, chất lượng đảm bảo hơn, môi trường kinh doanh văn minh, hạ tầng khang trang… Nhìn chung, các siêu thị tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, chiếm 30,8% số siêu thị, Đồng bằng sông Hồng chiếm 23,6% và Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung là 23,1%... Do có nhiều đô thị lớn, mật độ dân cư thành thị cao, các vùng này là nơi tập trung phần lớn khách hàng tiềm năng của mạng lưới siêu thị, vốn có trình độ tiêu dùng tiên tiến. Các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chiếm ưu thế về thị phần với một số thương hiệu nổi bật như Co.opMart, Citimart, Fivimart… Trong tháng 10/2014, vừa qua, Tập đoàn Vincom cũng đã mua lại 70% quyền sở hữu hệ thống siêu thị OceanMart, qua đó chính thức tham gia vào mạng lưới siêu thị. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường bán lẻ, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực kinh doanh siêu thị tại Việt Nam. Bên cạnh Tập đoàn Casino với chuỗi siêu thị BigC đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc, một số thương hiệu nổi tiếng như NTUC FairPrice (Singapore), E-Mart (Hàn Quốc) đều đã có những bước tiến đầu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam.

Cùng với sự tăng nhanh của hệ thống siêu thị, số lượng trung tâm thương mại cũng tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, từ 72 trung tâm thương mại trong cả nước vào năm 2008 lên 132 vào năm 2013. Về phân bố, số lượng trung tâm thương mại tại vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 34,8% số trung tâm thương mại cả nước, tiếp đến là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, chiếm 26,5%, vùng Đồng bằng sông Hồng là 25%. Nếu tính theo tỉnh, thành phố, số lượng trung tâm thương mại tập trung nhiều nhất tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Điều này là do mặt hàng kinh doanh trong các trung tâm thương mại phần lớn là hàng hoá cao cấp và hướng tới đối tượng khách hàng có thu nhập cao, vốn sinh sống chủ yếu tại các đô thị lớn. Tương tự như loại hình siêu thị, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trung tâm thương mại ngày càng góp nhiều cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài vốn có nhiều lợi thế về kinh nghiệm, đội ngũ nhân sự, tiềm lực tài chính,… Bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như Parkson, Lotte (đều của Hàn Quốc) đã có mặt tại Việt Nam, một số nhà đầu tư nước ngoài khác như Aeon cũng đang bắt đầu thâm nhập thị trường.

Có thể thấy, tốc độ phát triển nhanh của hệ thống bán lẻ đã làm gia tăng vai trò quan trọng của lĩnh vực này đối với nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của cả nước và ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm việc cung ứng, tiêu thụ hàng hoá, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hoạt động lưu thông hàng hoá trong nước có sự gia tăng nhanh chóng về quy mô. Các chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không ngừng tăng, bảo đảm lưu thông hàng hoá kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2014 ước tính đạt 2.216 nghìn tỷ đồng, chiếm 75% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 11,3% so với năm 2013. Nhìn chung, thị trường giá cả ổn định, nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình có xu hướng giảm giá; nhiều cơ sở bán lẻ thực hiện các chương trình khuyến mại cũng là những yếu tố đẩy mức tiêu dùng trong nước tăng. Dự kiến, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh thu lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016. Nhu cầu hàng hoá tăng cao là cơ sở để hệ thống hạ tầng thương mại, trong đó có mạng lưới chợ phát triển.

Nhìn chung, mặc dù quy mô của hệ thống bán lẻ chủ yếu vẫn ở mức vừa và nhỏ, nhưng sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian qua là cơ sở để thúc đẩy quá trình phân công và hợp tác trong lĩnh vực thương mại, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo sự chuyển dịch từ phương thức kinh doanh truyền thống sang các phương thức kinh doanh mới, hiện đại,… qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Sự gia tăng số lượng lao động trong hoạt động bán lẻ đã phần nào phản ánh nhu cầu thu hút lao động và mở rộng hoạt động kinh doanh của hệ thống bán lẻ.

Sự phát triển của mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại nhìn chung đã đáp ứng được sự gia tăng về quy mô và trình độ phát triển nhu cầu mua sắm của các tầng lớp dân cư có thu nhập khác nhau tại các vùng, địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, các cơ sở bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, cả về số lượng và thị phần với nhiều cơ sở nhỏ và siêu nhỏ của các hộ kinh doanh có trình độ, khả năng kinh doanh thấp, phát triển tự phát trên đường phố, trong các khu dân cư và các trục giao thông, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và an toàn giao thông. Sự chuyển dịch từ các loại hình bán lẻ truyền thống sang các loại hình bán lẻ hiện đại đang diễn ra khá mạnh mẽ ở các đô thị lớn, nhất là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần nâng cao văn minh thương mại, văn minh đô thị, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực cạnh tranh lớn lên các doanh nghiệp trong nước.../.