Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành

TS. Vũ Đình Ánh

(Taichinh) - Tính đến cuối tháng 3/2015, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đạt gần 5.000 tỷ đồng với số thu về thực tế được gần 7.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 45% tổng số thoái vốn. So với con số 23.744 tỷ đồng (trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, bất động sản với 9.286 tỷ đồng, chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư là 3.053 tỷ đồng) tổng vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại thời điểm 31/12/ 2011 thì kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành đến cuối năm 2015 không dễ hoàn thành.

Ảnh minh họa. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Khuôn khổ pháp lý hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã được ban hành với Nghị định 71/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định, trong đó quy định việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cả trong trường hợp bảo toàn được vốn lẫn thua lỗ thông qua hàng loạt biện pháp cụ thể cho phép DNNN chủ động thoái vốn với những khoản đầu tư ngoài ngành tại công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM qua các hình thức khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh...

Thậm chí, Nghị định 71 cũng cho phép trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài ngành bị lỗ, tức giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách của doanh nghiệp và giao quyền cho chủ sở hữu xem xét, quyết định và nếu thoái vốn không thành công thì Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua lại sau khi đã trừ khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư.

Rõ ràng, muốn bảo đảm tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì ban hành khuôn khổ pháp lý chung là chưa đủ, mà còn cần có các giải pháp cụ thể và khả thi, tập trung vào:

Thứ nhất, kiên quyết yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành chính vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán ngay trong năm 2015 mà không có bất cứ sự trì hoãn nào. Quy định rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chậm trễ không hoàn thành kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Thứ hai, tăng quyền chủ động cho chủ sở hữu trong quyết định trường hợp thua lỗ khi thoái vốn ngoài ngành theo đúng quy định của pháp luật trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đều chưa thuận lợi cho cổ phần hóa (CPH) DNNN nói chung và thoái vốn đầu tư ngoài ngành nói riêng.

Thứ ba, kịp thời bổ sung hướng dẫn chi tiết cụ thể về sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là trong việc xác định giá trị, tiếp nhận và quản lý phần vốn đầu tư đã thoái.

Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của SCIC trong việc mua và quản lý các khoản đầu tư ngoài ngành trong trường hợp thoái vốn không thành công.

Thứ năm, tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các khoản đầu tư ngoài ngành được thoái thông qua đa dạng hóa các hình thức thoái vốn, áp dụng đấu giá cổ phần trọn lô, điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước, thu hút các nhà đầu tư chiến lược,...

Tóm lại, tiến trình cổ phần hóa các DNNN nói chung, thoái vốn đầu tư ngoài ngành nói riêng đến cuối năm 2015 không chỉ được đẩy nhanh thông qua quyết tâm của các cấp lãnh đạo và các cơ quan chức năng mà còn phải được bảo đảm thông qua các biện pháp cụ thể, linh hoạt, khả thi, đúng người, đúng việc.