Đẩy nhanh tiến trình đổi mới, sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Tuấn Kiệt

(Tài chính) Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tiến trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gần đây diễn ra khá chậm chạp, từ đó ảnh hưởng đến lộ trình tái cơ cấu DNNN. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN là một trong những mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đặt ra trong thời gian tới.

Hiệu quả sau cổ phần hóa

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trên thế giới, không có một nền kinh tế thị trường nào mà DNNN chiếm một tỷ lệ lớn như Việt Nam. Tại Việt Nam, số lượng DNNN đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, khoảng 28% GDP. Trong khi ở những quốc gia tiên tiến, tỷ trọng này rất nhỏ, dưới 10% (thậm chí ở Mỹ chỉ dưới 2%). Không chỉ hoạt động thua lỗ và kém hiệu quả, DNNN ở nước ta chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của đất nước và chiếm phần lớn tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế.

Nhận thức được điều này, trong những năm qua, chúng ta đã đưa ra nhiều phương án để xử lý các vấn đề của DNNN, trong đó cổ phần hóa được cho là phương thức mang lại hiệu quả cao. Thống kê cho thấy, sau hơn 20 năm đổi mới, sắp xếp lại hệ thống DNNN, số DN 100% vốn nhà nước đã giảm từ trên 12.000 DN xuống còn 5.655 DN vào năm 2000 và hiện tại giảm xuống còn 1.309 DNNN, đa phần có quy mô vừa và lớn. Cũng theo thống kê, năm 2011, chúng ta chỉ cổ phần hóa được 16 DN; năm 2012 cổ phần hóa được 13 DN, 9 tháng đầu năm 2013 được 41 DN.

Nhìn một cách khách quan, quá trình đổi mới, sắp xếp và cổ phần hóa DNNN đã đạt những mục tiêu cơ bản, huy động được nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Hầu hết DN sau sắp xếp đã có tốc độ tăng trưởng tốt, kinh doanh hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, số lượng DNNN với các ngành, nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ vẫn còn rất nhiều, trong khi hiệu quả hoạt động không cao. Bên cạnh đó, tiến độ sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DNNN gần đây diễn ra rất chậm, việc giải thể, phá sản rất khó khăn do vướng về cơ chế chính sách, thủ tục. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, cần đẩy nhanh tiến trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa những DN này; đồng thời, giải thể, phá sản những DN làm ăn kém hiệu quả để giảm gánh nặng bao cấp từ Nhà nước.

Thời gian gần đây, mặc dù Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái quyết liệt đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN song việc này cũng bị ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Việc DNNN thoái vốn khỏi những ngành nghề không phải là ngành nghề chính còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi, có một số cổ phiếu niêm yết thấp hơn mệnh giá hoặc giá hiện tại thấp hơn thời điểm DN mua cổ phần nên ảnh hưởng đến việc thoái vốn do các DN phải đảm bảo quy định về bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư.

Bên cạnh đó, vướng mắc từ một số quy định pháp luật hiện hành khiến các DNNN cũng chưa thể thoái vốn khỏi những DN hoạt động kinh doanh không hiệu quả, hoặc ngành nghề không phù hợp với định hướng phát triển. Sự thiếu chủ động, tích cực của những người lãnh đạo DNNN cũng được coi là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến tốc độ cổ phần hóa các DNNN.

Tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa

Hiện nay, dư luận cho rằng có khá nhiều trở ngại ảnh hưởng đến đến tốc độ cổ phần hóa như: Nỗi lo bị thâu tóm, bán lỗ làm thất thoát tài sản Nhà nước, sự dè dặt của nhà đầu tư, lợi ích giữa các bên liên quan… Tuy nhiên, những nỗ lực và động thái của Chính phủ cho thấy quyết tâm cao trong việc đẩy nhanh cổ phần hóa nhằm giúp các DNNN phát huy hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước.

Điều này tiếp tục được khẳng định trong Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường. Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, Chính phủ sẽ quy định mức trần sở hữu vốn tại DN ở một số ngành, lĩnh vực để thu hút các DN ngoài nhà nước, cổ đông nước ngoài tham gia.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm 2011-2013, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 cũng cho rằng trong thời gian tới cần rà soát đề án cổ phần hóa DNNN và bổ sung định hướng chính sách sử dụng nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, tới đây cần ưu tiên tái cơ cấu DNNN bằng các biện pháp tài chính và cổ phần hóa. Cần đẩy nhanh hơn nữa công tác cổ phần hoá để huy động vốn của xã hội, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và có phương án sử dụng hợp lý nguồn vốn này. Xây dựng hệ thống chính sách xử lý những vấn đề lớn như: phân loại xác định danh mục ngành nghề kinh doanh chính của DNNN, quản trị DN hiện đại, chính sách lương trong DNNN, xử lý lao động dôi dư, thanh lý tài sản không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, kế hoạch và lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất chính trong điều kiện thị trường không thuận lợi hiện nay, cân nhắc chấp nhận các khoản lỗ phát sinh...

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN, thì cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị DN, chú trọng kiểm soát nội bộ và công tác cán bộ. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu và công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế...

Tính đến năm 2012, vốn chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đạt 735 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2010, tổng tài sản ước đạt 2.138 nghìn tỷ đồng, phần lớn số DN hoạt động có lãi (23/27 tập đoàn kinh tế, tổng công ty), số lỗ và hòa vốn giảm đáng kể.