Để bảo hiểm hưu trí tự nguyện sớm đi vào cuộc sống

(Tài chính) Sự ra đời của loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện (BHHTTN) đã tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể tự tham gia, đóng góp, giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định khi đến tuổi về hưu. Bên cạnh đó, BHHTTN cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đa dạng hóa loại hình hoạt động, làm phong phú thêm sản phẩm bảo hiểm, góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm nguồn quỹ bảo hiểm hưu trí quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Để bảo hiểm hưu trí tự nguyện sớm đi vào cuộc sống
BHHTTN đã tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể tự tham gia, đóng góp, giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định khi đến tuổi về hưu. Nguồn: internet

Sau gần một năm triển khai, ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC về việc Hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Mô hình này cũng đã phát sinh một số vướng mắc, đặc biệt là việc chỉ cho phép mua BHHTTN với mức tối đa 1 triệu/tháng thì mới được tính vào chi phí trước thuế, còn muốn đóng cao hơn chủ doanh nghiệp phải lấy từ lãi của mình, khiến nhiều doanh nghiệp dù muốn cũng không thể mua bảo hiểm cho người lao động cao hơn 1 triệu đồng/tháng. Do đó, cần có cơ chế phù hợp, bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm để mô hình này phát triển hơn.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, việc hình thành và phát triển hai loại hình BHHTTN sẽ góp phần bổ sung thêm trụ cột vào hệ thống hưu trí đơn lẻ hiện nay, giúp cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam dần trở thành hệ thống đa trụ cột, đem lại sự bền vững và đảm bảo tính đầy đủ hơn cho hệ thống hưu trí. Đây được xem là giải pháp có tính chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Với người tham gia đóng góp, BHHTTN và bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người lao động cải thiện khả năng tài chính để có cuộc sống tốt hơn sau khi được đáp ứng nhu cầu tối thiểu bởi quyền lợi theo chế độ bảo hiểm xã hội và có thể chủ động đối phó với các rủi ro phát sinh trong cuộc sống. Đối với thị trường tài chính, lượng vốn hình thành từ các quỹ hưu trí tự nguyện và bổ sung sẽ gia tăng nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn Việt Nam, tạo điều kiện cho sự phát triển về chiều sâu và mang tính bền vững của thị trường vốn. Ngoài ra, dòng vốn từ các quỹ hưu trí sẽ được tái đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Cũng theo ông Lộc, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh xã hội và Bộ Tài chính có vai trò rất lớn trong việc thiết kế chương trình cải cách tổng thể, hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý và đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhận thức cộng đồng về việc tham gia các chương trình hưu trí tự nguyên. Quá trình này sẽ còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian tới và cần phải có sự góp sức của toàn bộ xã hội. Đó là sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chuẩn bị và đảm bảo năng lực, nguồn lực, triển khai các chương trình hưu trí tự nguyện, đón đầu cơ hội kinh doanh một loại hình sản phẩm mới đảm bảo an toàn và góp phần vào cải thiện an sinh xã hội. Đồng thời, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả cũng cần sự hợp tác đặc biệt từ phía người lao động, người sử dụng lao động và cả các bên trung gian cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống.

Nói về sự cần thiết phát triển cũng như vai trò của BHHTTN tại Việt Nam, ông Phạm Trường Giang - Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh xã hội cho biết, nhờ bảo hiểm tổng lợi ích của người lao động sẽ được cải thiện, giúp người lao động tập trung lao động phục vụ doanh nghiệp; tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để dành cho tuổi già, đảm bảo cho cuộc sống hưu trí không phải phụ thuộc vào con và phúc lợi xã hội của Nhà nước; giúp đa dạng hóa và cải thiện lương hưu cho người lao động khi nghỉ hưu, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hưu trí cơ bản; giảm gánh nặng cho các thế hệ lao động kế cận; thông qua quản lý bằng tài khoản cá nhân, mỗi người lao động biết rõ thu nhập tương lai của mình, từ đó thúc đẩy động lực tiết kiệm.

Về phía Nhà nước, xã hội là đa dạng hóa nguồn thu nhập của người nghỉ hưu, giúp giảm các tác động xấu đối với xã hội khi có vấn đề với hưu trí cơ bản. Hưu trí tự nguyện ra đời giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước (NSNN) và quỹ hưu trí cơ bản (khi người dân tự lo được tương lai của mình, Nhà nước sẽ bớt gánh nặng). Đồng thời, tạo nguồn lực dài hạn phát triển thị trường vốn, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Giang cũng cho biết, sự cần thiết thực hiện BHHTTN (bổ sung) tại Việt Nam, do mô hình này được xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời, thể hiện nhu cầu đa dạng hoá nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống người nghỉ hưu của người lao động.

Đối với đại đa số người lao động Việt Nam, hưu trí cơ bản (bảo hiểm xã hội hiện nay) là nguồn thu nhập duy nhất. Trong khi đó, ở hầu hết các nước, hưu trí cơ bản không được coi là nguồn thu nhập hưu trí duy nhất. Ví dụ, hưu trí cơ bản chiếm 60% tổng thu nhập người nghỉ hưu ở Thái Lan, 20 - 25% ở Pháp và 58% ở Mỹ. Trong khi đó, hưu trí bổ sung chiếm 20% tổng thu nhập người nghỉ hưu ở Thái lan, 55 - 60% ở Pháp và 30% ở Mỹ. Ngoài ra, mức lương hưu hiện nay là thấp, bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Đồng thời, sự cần thiết giảm áp lực đối với hưu trí cơ bản và NSNN. Trên thực tế, lương hưu đã được điều chỉnh theo tốc độ của lương tối thiểu. Trong giai đoạn 2007 - 2012, qua 6 lần điều chỉnh, lương hưu đã tăng bình quân 26,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội cơ bản cùng thời kỳ chỉ tăng bình quân khoảng 10,1%/năm. Điều này tạo áp lực rất lớn cho Quỹ bảo hiểm xã hội hiện tại và NSNN. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh trong các năm tới.

Theo nhận định của ông Giang, đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện BHHTTN bởi hiện Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến 2020, con số này là gần 62%; tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 2.000 USD/người/năm; cơ sở hạ tầng để thực hiện hưu trí tự nguyện đã sẵn sàng với: 46 công ty quản lý quỹ; 9 ngân hàng có chức năng giám sát, các tập đoàn, doanh nghiệp bảo hiểm. “Do đó, hưu trí tự nguyện được thực hiện càng sớm càng tốt, nếu bị trì hoãn sẽ làm cho việc đảm bảo cuộc sống người nghỉ hưu khó khăn hơn” - ông Giang nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, ông Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM, Trưởng ban phản biện chính sách Hội đồng các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là hình thức hỗ trợ đắc lực cho bảo hiểm xã hội vì đã khắc phục được hạn chế của bảo hiểm xã hội là đối tượng hạn chế và yêu cầu phải có hợp đồng lao động, thủ tục bảo hiểm xã hội rất phức tạp và phiền hà. Hơn nữa, mức đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương, vì thế, khi người lao động nghỉ hưu lương hưu thấp, cho dù muốn đóng bảo hiểm thêm cũng không được do quy định. Bên cạnh đó, hiện còn rất nhiều doanh nghiệp không tham gia nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động nên số lượng người lao động đóng bảo hiểm xã hội ngày càng hẹp. Do đó, rất cần một hình thức bảo hiểm khác hỗ trợ đó là BHHTTN.

Xét về lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, ông Tiền cho rằng, đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động thì đây là biện pháp thu hút nhân tài, giữ chân người lao động, tác động trực tiếp tới quyền lợi cá nhân của người lao động. Còn đối với người lao động thì lợi ích là được tham gia với cơ chế thông thoáng, quyền lợi được hưởng nhiều hơn. Ví dụ, Thông tư số 115/2013/TT-BTC ngày 20/8/2013 của Bộ Tài chính đã cho phép người thân có quyền được bảo hiểm cùng và bảo hiểm tốt hơn, cao hơn khi đến tuổi về hưu. Với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, đây là thời cơ rất quan trọng để mở rộng kinh doanh. “Tôi cho rằng đây là thị trường đầy tiềm năng, cho dù trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn” - ông Tiền nhấn mạnh.

Ông Tiền kiến nghị, để mô hình BHHTTN sớm đi vào cuộc sống thì trước hết các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần tuyên truyền rộng hơn để người lao động biết đến. Đồng thời, các doanh nghiệp cần xây dựng các hợp đồng BHHTTN một cách đơn giản, dễ hiểu. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, cần lập danh sách người lao động tham gia bảo hiểm chi tiết, cẩn thận. Đối với người lao động, cần tiết kiệm chi tiêu để tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Quan trọng là hướng tới “của để dành” cho tương lai.

Tuấn Anh - Theo Thông tin Tài chính số 16 kỳ 2 tháng 8/2014