Để chính sách lạm phát mục tiêu phát huy hiệu quả

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Ngày 18/5, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp tổ chức Hội thảo Chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu: Sự lựa chọn thích hợp cho Việt Nam.

Để chính sách lạm phát mục tiêu phát huy hiệu quả
Chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu có thể là lựa chọn cho Việt Nam trong thời gian tới. Nguồn: Internet

Trong những năm qua, Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu, vừa đẩy mạnh tăng trưởng để ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp và giải quyết công ăn việc làm, vừa kỳ vọng kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ, sử dụng chính sách tiền tệ như công cụ hỗ trợ ổn định ngân sách, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc gia.

Chính sách tiền tệ đa mục tiêu đã đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình đổi mới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chính sách tiền tệ này bắt đầu bộc lộ những hạn chế.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy lạm phát mục tiêu có thể là lựa chọn hợp lý cho chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, duy trì mức lạm phát hợp lý là mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII cũng đã nhấn mạnh chính sách “chủ động điều hành thực hiện lạm phát mục tiêu”.

Về những điều kiện để áp dụng hiệu quả khuôn khổ chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu, ông Sanjay Kaira, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, chỉ ra 4 tiền đề: Độc lập thể chế tương đối của Ngân hàng Nhà nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, cơ cấu kinh tế hiệu quả và hệ thống tài chính mạnh.

Đối với điều kiện về cơ cấu kinh tế, ThS. Nguyễn Anh Dương, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, dù rất nỗ lực thị trường hóa giá cả nhưng nhiều mặt hàng ở Việt Nam vẫn thuộc diện quản lý giá. Giá điện, giá xăng dầu doanh nghiệp chỉ được điều chỉnh trong giới hạn và vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, nền kinh tế khá nhạy cảm với các diễn biến giá thế giới, nhất là giá nông sản, vàng và mức độ đô la hóa còn cao.

Nếu xét về các điều kiện tiền đề, Việt Nam chưa hoàn toàn đủ để thực hiện chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn có thể bắt đầu lộ trình thực hiện chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu và đồng thời nỗ lực đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hiệu quả chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, cho rằng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, trước mắt sử dụng chính sách tiền tệ kiểm soát tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 là phù hợp. Tuy nhiên, sau năm 2013, việc lựa chọn mục tiêu trung gian là lãi suất sẽ phù hợp nhưng phải xác định chính xác mức độ tín dụng và lãi suất để đảm bảo đạt được mục tiêu cuối cùng.

Về mối liên hệ chính sách tài khóa (công cụ thuế và chi tiêu Chính phủ) với lạm phát mục tiêu, TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng cần phải đảm bảo chính sách tiền tệ không chịu tác động của chính sách tài khóa, dù thực hiện chính sách tiền tệ hoàn toàn độc lập không dễ trên thực tế.

Thị trường tài chính trong nước phải có đủ khả năng hấp thụ lượng trái phiếu mà Chính phủ phát hành để bù đắp bội chi ngân sách; phát huy hiệu quả thị trường chứng khoán. TS. Vũ Nhữ Thăng nhấn mạnh, chính sách tài khóa cần bổ trợ được cho chính sách tiền tệ, tăng cường lòng tin vào kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Các cân đối về tài khóa cần có sự ổn định và bền vững, hạn chế thâm hụt ngân sách kéo dài. Nếu để thâm hụt kéo dài, Chính phủ sẽ phải phát hành thêm tiền hoặc tăng vay nợ, sẽ phá vỡ khuôn khổ lạm phát mục tiêu trong dài hạn.

Để đảm bảo bền vững ngân sách trong dài hạn cần đảm bảo kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt, thực hiện dự toán ngân sách được phê chuẩn, cần hạn chế sử dụng nguồn tăng thu cho việc mở rộng chính sách chi thường xuyên.