Để có một nền kinh tế thông minh và điềm đạm

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Mười năm vừa qua, khi bong bóng tài sản và kinh tế được “bơm” lên, hầu hết người Việt tỉnh táo đều bị “sốc” trước một xã hội xa hoa hình thành quá nhanh.

Để có một nền kinh tế thông minh và điềm đạm

Đâu đâu cũng bàn căn hộ triệu đô, ai ai cũng mơ sống trong các tòa nhà cao cấp với bảo vệ gác cửa, hồ bơi, siêu thị bên trong. Chiếc Toyota “vang bóng một thời” giờ bị xem là taxi, xe thì phải là Merc, BMW, Audi, thậm chí Lamborghini. Đi nước ngoài, chữa bệnh nước ngoài, mua nhà ở Mỹ thành chuyện thông thường...

15 năm trước thôi, tất cả những điều này vẫn còn quá xa lạ, thậm chí còn bị chút khinh miệt, nghi ngờ, vì cái thế giới hào nhoáng đó tưởng chỉ có trong các bộ phim Hong Kong thuở chưa có phim Hàn! Người Việt cũng từng có những trải nghiệm về một xã hội Việt khá giả, hoặc là Hà Nội xưa, hoặc là Huế đế đô, hoặc một Sài Gòn phong lưu cũ, nhưng trong xã hội truyền thống chưa bao giờ tồn tại một tâm lý xa hoa như thế.

Nhưng thật ra, chúng ta đang giàu hay nghèo?

Một vành đai nhỏ bé, “nghẹt thở”

Buổi sáng, từ nhà ở Gò Vấp đến trung tâm Sài Gòn làm việc, tôi thấy mình chuyển hóa qua bốn tầng thế giới. Chuyện đơn giản đầu tiên là quà sáng, nếu kêu một tô bún bò của bà Tám đầu hẻm thì chỉ mất 20.000 đồng.

Nếu dừng gần Phú Nhuận ăn mì, giá đã 35.000 đồng. Nếu đến Phở Dậu quận 3, giá tận 65.000 đồng. Lên đến tiệm mì Nam Lợi đường Hàm Nghi, bữa sáng của tôi sẽ là 80.000 đồng. Một phần quà sáng từ Gò Vấp, qua Phú Nhuận, đến quận 3 và quận 1 đã chuyển hóa qua bốn mức giá và tăng lên gấp bốn lần.

Lại nữa, do yêu cầu công việc phải gặp gỡ, bàn bạc với người của các đối tác nước ngoài hay của các công ty lớn, nên vừa gửi xe máy vào bãi là tôi được nhảy lên xe Lexus đời mới bọc da thơm phức, họp hành ở các khu văn phòng sang trọng mát lạnh điều hòa, bao quanh là đường sá nhìn như nước ngoài, cà phê bàn việc ở tiệm Mojo thuộc khách sạn Sheraton, giá mỗi ly thức uống ít nhất 100.000 đồng, lại đi ăn trưa tại Park Hyatt, có khi là một phần steak bò Kobe giá 70 đôla (khoảng 1,5 triệu đồng)...

Thế rồi chiều về lại tà tà xe máy ghé quán bún chả gần Tân Sơn Nhất làm một suất 25.000 đồng bên cạnh một anh công nhân vừa tan tầm... Tôi nhận ra rằng mình thường xuyên trải qua cách sống của các tầng lớp khác nhau, có thể nói giai tầng của tôi chuyển đổi đến hai, ba lần trong ngày.

Và cũng nhờ các chuyển động “xuyên giai tầng” ấy, tôi nhận ra mình không giàu như mình vừa được sống, và toàn bộ cái thị trường cao cấp của xứ mình thật ra rất nhỏ bé, chỉ là một vành đai thượng lưu cạnh tranh nghẹt thở nằm ở vài phường trong quận 1, sau đó là các vành đai khác với giá trị giật cấp xuống rất nhanh, để tiến ra ngoại thành, nơi mỗi buổi chiều tan tầm nhìn các em công nhân dáng người “thấp nhỏ đồng hạng” đi kiếm vài bó rau rẻ cho bữa ăn chiều mà xót cả lòng.

Hiện tượng phân hóa mạnh như thế ở các mảng thị trường vốn đã nhỏ bé, các đứt gãy lớn trong sức mua... sẽ làm giảm khả năng phát triển mạnh của thương mại, dịch vụ và sản xuất. Hãy để ý, các chuỗi thương hiệu lớn hiện chỉ có thể quẩn quanh trong vành đai trung tâm với chục cửa hàng là hết “không gian sinh tồn”, bước ra khỏi vành đai đó sức mua giảm sút và khó mà tồn tại nổi. Ngược lại, ở các vành đai ngoại biên có không ít sản phẩm tốt nhưng chẳng thể nào đủ tiền trả chi phí mặt bằng để chen vào vành đai trung tâm, làm hạn chế sức bành trướng của thương hiệu nội.

Mà cả đất nước Việt Nam nói không ngoa chỉ có hai vành đai thượng lưu nhỏ xíu như vậy nằm ở Sài Gòn và Hà Nội, ngoài ra chẳng có một đô thị nào đạt được sức mua cao cấp tương tự. Vậy thì khó có thể nói chúng ta đã đạt được mức của một thị trường trung lưu chứ nói gì đến hai chữ xa hoa.

Tự mình rơi vào ảo ảnh PR

Chúng ta đều biết tâm lý xa hoa trong xã hội phần lớn xuất hiện từ cách tạo nhu cầu, tạo thị trường của các nhà kinh doanh. Điển hình nhất là thử phân tích cơ cấu giá thành của một chai nước hoa.

Nếu một chai nước hoa diễm tình và quý phái kiểu Ý có giá 100 đôla thì giá của thứ nước hoa bên trong chỉ là 30 đôla, giá của thiết kế cái chai và bao bì thật sexy là 20 đôla, còn lại là tiền thuê quảng cáo, PR, thuê những nữ diễn viên thật gợi tình, mắt nhắm hờ, môi mọng đỏ, đứng bên chiếc Audi màu champagne trên đường phố cổ kính của nước Ý..., tất cả như một khối cầu thèm khát rực lửa khi những hơi nước hoa đầu tiên đụng vào cơ thể nàng. Xem thế, 100 đôla là giá phải trả cho một đam mê, một sự xa hoa, một ảo ảnh về nhan sắc.

Kinh doanh nhà cửa cũng vậy, đó là bán một giấc mơ. Nhà phát triển địa ốc thời gian qua đã không bán một căn nhà như một nhu cầu sống cấp thiết, bán “cái ăn, chốn ở”, mà họ đã đi rất xa vào một ảo ảnh. Trong số các nhà địa ốc mà tôi được biết, ít ai nghĩ đến việc xây một ngôi nhà cơ bản nhưng tận dụng các không gian thật khéo léo, thông minh để sống tốt trong một diện tích nhỏ, thuận hướng gió, nhiều ánh sáng, tiết kiệm điện năng...

Hầu hết đều cố tưởng tượng ra những điều “kỳ ảo” nhất để nhồi vào căn nhà, và kết quả là nhà phải có hồ bơi, nhưng mấy ai đủ thời giờ xuống bơi và phơi nắng, đọc sách như trong phim, thế là hồ bơi bỏ rong rêu, chứa lăng quăng; phòng tắm phải có bồn tắm, có vòi nước massage, mà chẳng ai có thì giờ để ngâm mình, trong khi cách tắm cơ bản nhất chỉ là một vòi sen một chiếc ghế nhẹ nhàng chắc chắn để ngồi tắm... Tất cả những chi tiết như thế đã góp phần làm căn nhà ngày càng xa rời giá trị thật.

Mà rất nhiều tinh hoa kinh doanh Việt, rất nhiều vốn liếng ít ỏi Việt đã được tập trung vào thị trường xa hoa này, đây vừa là thị phần vô cùng nhỏ bé trong toàn bộ nền kinh tế, lại vừa làm thất thoát rất nhiều tiền của để nhập khẩu hoặc tiêu dùng ở bên ngoài quốc gia. Còn một thị phần rất lớn các nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu thì ít được lưu tâm, để sau cùng bị các công ty nước ngoài thâu tóm hết như hiện đang thấy.

Thông minh là sống đúng sức mình

Trên thế gian này đâu phải ai cũng phải ra vẻ giàu có, sành điệu mới là người thành đạt. Philippines từng nhấn mạnh khi quảng bá trên báo chí thế giới: “Chúng tôi là nơi cung cấp những công nhân xây dựng lành nghề nhất thế giới”, và họ cũng không giấu giếm gì việc là quốc gia cung cấp người giúp việc nhà chuyên nghiệp toàn cầu.

Còn tại Thái Lan, chính phủ đã xây dựng một chương trình phát triển sản phẩm truyền thống mang tên OTOP (viết tắt của One Tambon One Product, nghĩa là Mỗi làng một sản phẩm, tambon tiếng Thái tương tự làng xã của ta), là chương trình giúp khai thác các sản phẩm truyền thống nằm rải rác trong dân gian, đưa công nghệ mới vào, thêm kỹ thuật marketing hiện đại, giúp sản phẩm đạt chuẩn để chào bán trên thị trường quốc tế.

Xã hội nào cũng phải xây dựng trên một tầng lớp chủ yếu. Nước Mỹ lấy nền tảng là tầng lớp trung lưu (tùy tiểu bang, có thu nhập từ 25.000-200.000 đôla/năm) vốn chiếm đa số tại nước họ. Trung Quốc thì đang cố gắng xây dựng một xã hội khá giả... Còn ở ta, ai cũng rõ 70% là nông dân với thu nhập bấp bênh, còn lớp trung lưu chỉ tập trung ở đầu dưới của chuẩn trung lưu tại các nước đang phát triển, tức thu nhập phổ biến ở mức 15 triệu đồng/tháng.

Vậy đúng ra chúng ta phải xây dựng một nền tảng về tâm thức xã hội, một hoạt động kinh tế dựa trên thành phần chuẩn đó của mình. Từ xưa chúng ta đã có một xã hội thanh đạm và trầm tĩnh phù hợp với thực tế đó. Cha ông ta đã chứng minh rằng dù hầu hết là nông dân, công nhân, thị dân nghèo và tầng lớp trung lưu thấp, chúng ta có thể không giàu, sức mua chưa cao nhưng vẫn có thể có một phong cách tiêu dùng tao nhã, trí thức.

Một cách từ tốn, không vội vàng chụp giựt, chúng ta cần xây dựng một quốc gia thông minh, mà thông minh nhất là không sống vượt trên sức của mình, không sống khác với bản thân mình.

“Cũng quan trọng như việc cần có một nền kinh tế thịnh vượng, chúng ta còn cần sự thịnh vượng của lòng tốt và sự khiêm cung”. Câu nói đó không phải từ một người nghèo mà từ một người danh giá hàng đầu nước Mỹ, bà Caroline Kennedy, một nữ luật sư, một tác giả có tiếng, xuất thân trong một dòng họ giàu có và là con gái cố tổng thống Kennedy.