Để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt tiến độ và hiệu quả cao

Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách nền kinh tế. Thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp nhà nước đã từng bước được cơ cấu lại hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cổ phần hoá đạt nhiều kết quả, song chưa như kỳ vọng

Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 929/QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Triển khai đồng bộ Đề án này, số lượng DN thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp cơ bản đạt kế hoạch theo Đề án tái cơ cấu được duyệt. Trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã sắp xếp được 568 DN, trong đó cổ phần hóa được 488 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào 5 lĩnh vực không khuyến khích (Chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư) được triển khai quyết liệt, trong đó việc thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư đạt tỷ lệ cao. Trong giai đoạn 2011- 2015, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng (số thu về giảm so với sổ sách do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với giá 0 đồng).

Đồng thời, việc hình thành Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bước đầu thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thực hiện cổ phần hoá thuộc các bộ, địa phương theo mô hình DN. SCIC đã thực hiện được yêu cầu đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các DN do SCIC tiếp nhận quản lý.

Nhờ đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DN và nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN. Trong giai đoạn 2011-2015, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 368 DN, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 336 DN, bán bớt vốn nhà nước tại 30 DN và bán quyền mua tại 02 DN. Tổng giá trị thu về đạt 6.998 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị đầu tư (2.940 tỷ đồng), thặng dư bán vốn là 4.058 tỷ đồng.

Công tác cổ phần hóa DN đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện và phát triển thị trường vốn đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.

Việc bán đấu giá cổ phần công khai trên Sở giao dịch chứng khoán đã cung cấp cho thị trường chứng khoán một lượng hàng hoá chất lượng cao; góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia; tạo sự ổn định cho thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, chi phối giá cả chứng khoán trên thị trường.

Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra của Chính phủ. Nguyên nhân là do quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 chịu tác động từ những diễn biến bất lợi từ khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến sức hút đầu tư của nền kinh tế thế giới và khu vực.

Bên cạnh đó, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn này hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian xử lý tồn tại về tài chính, lao động, thời gian chuẩn bị để có sự tham gia của nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã xác định mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa, thu gọn số lượng DNNN trong nền kinh tế; đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước tại các ngành, nghề nhà nước không cần nắm giữ chi phối, kể cả những DN đang hoạt động, kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp và các thành phần kinh tế tư nhân phát triển.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, công tác tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, trong đó sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN; hoàn thiện quy chế đấu giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình, phương pháp bán cổ phần trong cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường, hoàn thiện các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ quốc tế áp dụng đối với công ty đại chúng.

Hai là, hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác phù hợp với hệ thống Luật mới ban hành như cơ chế bán toàn bộ DN, bán một phần vốn nhà nước đầu tư tại DN để chuyển thành Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, sáp nhập, hợp nhất, chia tách DNNN; bổ sung quy định trình tự, thủ tục phá sản các DN lâm nghiệp, nông nghiệp theo nội dung Nghị quyết của Quốc hội để đẩy nhanh việc xử lý các DN, không đủ điều kiện chuyển đổi, sắp xếp và giải thể.

Ba là, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực thi các quy định pháp luật về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu DN. Nâng cao hiệu quả quản lý của chủ sở hữu nhà nước thông qua việc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước; chức năng quản trị kinh doanh của DNNN. Tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành và đơn vị có liên quan phù hợp yêu cầu thực tiễn của quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN.

Bốn là, tập trung triển khai phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020; chủ động xây dựng phương án và tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả của DNNN. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành DN, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, bảo đảm hiệu quả giám sát, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã sắp xếp được 568 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 488 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng

Sáu là, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tài chính DN, cổ phần hóa, thoái vốn tại DN đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các DN đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ, đồng thời thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện vốn về SCIC theo quy định.

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát DNNN. Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hình thành cơ quan quản lý, giám sát tài chính DN để thực thi chức năng giám sát tài chính các DNNN và DN có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 929/QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu DNNN;

2. Báo cáo của Bộ Tài chính tại Công văn số 331/BTC-TCDN ngày 08/1/2016;

3. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại Công văn số 382/KTNN-TH ngày 01/9/2016.