Để công nghiệp hỗ trợ không còn là "nỗi đau" của Việt Nam

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Sau 14 năm chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam vẫn chỉ là công xưởng gia công, lắp ráp đơn thuần, không sản xuất nổi cái sạc pin hay chiếc ốc vít. Để CNHT không còn là “nỗi đau”, Việt Nam cần "bàn tay" Chính phủ với những chính sách “đủ”, “đúng”, “trúng” hơn nhằm thực hiện hiệu quả hơn.

Để công nghiệp hỗ trợ không còn là "nỗi đau" của Việt Nam - Ảnh 1

TS. Nguyễn Minh Phong
Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi chia sẻ với phóng viên xung quanh câu chuyện và những giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đón bắt các cơ hội vàng đến từ cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển ngành CNHT của Việt Nam thời gian qua?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đến nay, chúng ta đều thấy, hiệu quả của chiến lược phát triển CNHT không được như kỳ vọng cũng như chưa có tác động tích cực rõ nét đến nền kinh tế nước ta.

Câu chuyện Việt Nam không thể sản xuất được một số sản phẩm đơn giản cho các tập đoàn lớn đã có mặt tại Việt Nam như Samsung, Cannon, trong đó, có sạc điện thoại, ốc vít đã nói lên phần nào về  thực trạng ngành CNHT của nước ta.

Rõ ràng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu về sản phẩm cho các DN FDI tại Việt Nam.

Chúng ta vẫn hô hào tập trung phát triển, ưu tiên đầu tư, nhưng đến nay ngành CNHT Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp, thiếu các trung tâm, viện nghiên cứu,… để hỗ trợ cho ngành phát triển.

Bên cạnh đó, nhìn vào DN, chúng ta thấy, trình độ công nghệ của DN vẫn lạc hậu, phần lớn máy móc vẫn thô sơ. Sự thích ứng của các DN sản xuất trong nước vẫn chưa có gì thay đổi lớn.

Chính vì vậy, sau 14 năm Chính phủ có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ, hiện Việt Nam vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT và nước ta vẫn chỉ là một công xưởng gia công, lắp ráp đơn thuần mà thôi. Đó là thất bại, là “nỗi đau” mà Việt Nam phải nỗ lực vượt lên trong thời gian tới.

Theo ông, ngành CNHT Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trước thềm AEC?

Ngành CNHT là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là nền tảng cho việc phát triển bền vững kinh tế trong dài hạn. Trong khi đó, ASEAN đang trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động với nhiều hứa hẹn khi AEC hình thành vào năm 2015. Chính vì vậy, AEC được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều cơ hội cho nền CNHT Việt Nam và đưa đến những thay đổi tích cực. 

Trong bối cảnh, Việt Nam đang có sức hút lớn và trở thành điểm đến của đầu tư nước ngoài, AEC sẽ mang đến nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam và tất nhiên điều đó sẽ giúp nền CNHT trong nước tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, khi các nhà đầu tư lớn như Samsung, Honda, Toyota, Cannon,… cam kết mở rộng đầu tư thì đây chính là cơ hội tuyệt vời để DN tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, AEC cũng sẽ mang đến nhiều áp lực cạnh tranh cho DN Việt, lẽ hiện nền CNHT của Thái Lan, Indonesia, Malaisia, Myanmar,…đều phát triển mạnh hơn Việt Nam. Các DN sẽ phải đấu tranh rất quyết liệt để tạo được vị trí cũng như giữ được “miếng bánh” của mình.

Vậy theo ông, để nắm bắt “cơ hội vàng” từ AEC nhằm phát triển CNHT, vượt qua “nỗi đau” của sự thất bại trong thời gian vừa qua thì chúng ta cần phải làm gì?

Hiện các nước láng giềng của chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho AEC 2015. Malaysia đã hoàn thành hơn 80% các biện pháp trong kế hoạch đề ra cho sự hội nhập vào khuôn khổ AEC.

Còn Thái Lan đã đưa ra các chính sách khai thác lợi thế mà AEC mang lại sau năm 2015 để thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch. Đồng thời, hỗ trợ toàn diện cho các DN Thái Lan. Thậm chí, Thái Lan đã nhìn thấy cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam nên DN Thái đang hiện diện ngày càng nhiều ở Việt Nam, bằng cách thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập trong nhiều lĩnh vực như nông sản, hàng công nghiệp nhẹ và hệ thống dịch vụ bán lẻ,…

Đối với Việt Nam, một trong những sự chuẩn bị quan trọng mà chúng ta cần làm, đó là nhanh chóng phát triển CNHT. Muốn làm được, đầu tiên, Việt Nam cần "bàn tay" Chính phủ để có những chính sách “đủ”, “đúng”, “trúng” hơn đối với ngành CNHT nhằm thực hiện trong thực tế đạt hiệu quả hơn.

Trong đó, theo tôi, hiện vốn đang là trở ngại lớn nhất đối với các DN CNHT. Chúng ta cần tập trung giúp DN tiếp cận được những ưu đãi về vốn tín dụng, nhất là DN nhỏ và vừa vì đây chính là lực lượng xung kích cho phát triển CNHT. DN và ngân hàng cũng nên bắt tay để tìm giải pháp cũng như có chính sách ưu đãi lãi suất, hỗ trợ về vốn cho DN CNHT.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ nhằm giúp DN trong nước tiếp cận được với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, thiếu các trung tâm, viện nghiên cứu,…để hỗ trợ cho ngành phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, DN cần chủ động tăng cường hợp tác trong việc xây dựng mạng lưới cũng như nhanh chóng tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng linh kiện cho các tập đoàn lớn.

Xin cảm ơn ông!