Để Đề án tổng thể Tái cơ cấu kinh tế thành công cần những chương trình hành động cụ thể

Theo Đại biểu Nhân dân

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020”, nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thành công, Đề án cần có ngay những chương trình hành động tái cơ cấu cụ thể, thiết thực từ các cấp ngành đến từng lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2013 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm 2011-2015, cũng là năm Chính phủ xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển một cách bền vững. Vì vậy, một Đề án tổng thể Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trước đó, Đề án tái cơ cấu từng Tập đoàn kinh tế Nhà nước cũng đã được người đứng đầu Chính phủ phê duyệt.

Từ nhà quản lý, chuyên gia đến các đối tượng trực tiếp thực hiện các Đề án này đều đánh giá cao bởi tính thực tế và hiện đại của nó. Với Đề án tái cơ cấu từng tập đoàn kinh tế, đã kiên quyết tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, không đầu tư đa ngành… và phải trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận; còn Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, đã tập trung vào những nỗ lực cơ bản để có bước đột phá phát triển giai đoạn từ nay đến năm 2020, đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư (tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp và các ngành kinh tế, có tính đến kinh tế vùng)… Nhưng, để Đề án thành công, quan trọng nhất là làm sao để những cơ sở được thiết kế khoa học này được đưa vào thực tiễn? Theo đó, việc xây dựng những Chương trình hành động cụ thể là việc tiên quyết phải làm của cả hệ thống chính trị!

Tại Đề án, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ, việc “khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện ngay trong nửa đầu năm 2013 Chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ…; các đề án, chương trình tái cơ cấu kinh tế phải thể hiện đầy đủ các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng và các giải pháp cụ thể; lộ trình, thời hạn thực hiện, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện…”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Chương trình hành động cụ thể và đầu tiên - cần đặc biệt chú ý - đó chính là phải nâng cao chất lượng quản lý nhà nước từ các cấp. Cần phải tái cơ cấu ngay từ cách hành xử với chiến lược, chính sách lâu nay vạch ra mà không làm hay “chỉ quen với bàn luận mà không hành động với trách nhiệm rõ ràng”…

Đơn cử như trong Định hướng chiến lược kinh tế Việt Nam thì chỉ còn 7 năm nữa Việt Nam cơ bản phải trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng đến nay, nhìn vào các ngành công nghiệp cơ bản của Việt Nam, rất nhiều lĩnh vực then chốt - hoặc chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, tầm nhìn chưa dài hạn, hoặc đã có chiến lược nhưng còn quá chung chung, thậm chí đã có không ít quy hoạch ngành vừa triển khai thực hiện đã bị phá vỡ không theo quy hoạch, thiết kế… Cơ khí, xi măng, thép, than, khoáng sản… đều là những thực tế nhãn tiền cho thấy từ chất lượng của quy hoạch, chiến lược đến thái độ ứng xử và thực thi chiến lược của tất cả các cấp ngành và đối tượng thực thi (?!) Đó là chưa kể, những quy hoạch của ngành này bị phá vỡ sẽ kéo theo hệ lụy đối với nhiều ngành khác.

Một thực tế khác, là cả 3 lĩnh vực được coi là trọng tâm trong tái cơ cấu kinh tế giai đoạn này, mặc dù có sự tác động chặt chẽ theo quy luật nhân - quả, nhưng hiện vẫn đang thiếu một “trục kết nối”. Hay, mỗi tập đoàn vẫn còn giới hạn sự quan tâm tái cơ cấu trong phạm vi nội bộ tập đoàn mà chưa quan tâm đến chuỗi cung ứng “của mình”, có tác động trực tiếp đến sự trường tồn và phát triển của cả ngành, ví như lĩnh vực thép trong tổng thể ngành công nghiệp cơ khí, hay lĩnh vực than, dầu, khí, điện trong tổng thể ngành công nghiệp năng lượng chẳng hạn…

Vì vậy, để tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công theo yêu cầu của Chính phủ, và để có những Chương trình hành động tái cơ cấu cụ thể, có chất lượng cao cho từng ngành nghề, lĩnh vực… đòi hỏi sự quyết tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, đầu tiên - trước mắt vẫn phải bắt đầu từ “tái cơ cấu” nguồn nhân lực quản lý, hành chính các cấp. Đi liền với chiến lược, nhân lực đồng bộ phải đồng bộ chính sách từ điều hành đến thực thi nhiệm vụ.

Về lâu dài, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2013-2020, cần có tầm nhìn dài hạn hơn, một kế hoạch phát triển kinh tế bền vững hơn, đó là sự phát triển của một nền kinh tế Việt Nam vừa năng động, chủ động trong hội nhập, vừa đủ sức cạnh tranh và kháng cự trước những ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài!