Để doanh nghiệp không bỏ phí "mỏ vàng" Big Data

Theo Long Hồ/DNSGCT

Doanh nghiệp cần nhìn vào nguồn thông tin hiện có và sáng tạo trong cách tiếp cận, sử dụng dữ liệu để thay đổi, cải tiến cách phục vụ khách hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một doanh nghiệp dù đang hoạt động trong lĩnh vực nào, từ dịch vụ lữ hành, bán lẻ hay phát triển trò chơi điện tử, vẫn liên tục nhận được thông tin khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ của họ. Các công ty lữ hành có dữ liệu về chi tiêu của khách hàng, về thẻ tín dụng và mức độ thường xuyên của hoạt động du lịch. Các chuỗi cửa hàng bách hóa sẽ biết về xu hướng mua sắm tại những địa điểm bán hàng.

Tờ The New York Times từng đăng một thông tin thú vị về cách thức mà tập đoàn bán lẻ Target của Mỹ nghiên cứu hành vi, thói quen mua sắm của khách hàng. Họ cố gắng xác định những khách hàng quen đang trong thời kỳ mang thai để đẩy mạnh doanh số của nhóm khách hàng này. Target có hơn 50 nhân viên chuyên phân tích hành vi mua hàng và các dữ liệu khác để có thể quyết định loại phiếu quà tặng mà khách hàng nên nhận khi thanh toán và những thông tin nào mà khách cần thấy khi thăm trang web của siêu thị này.

Còn Uber thì dựa vào phương pháp phân tích hồi quy để xác định xem khu vực nào đang có nhu cầu cao nhất và kích hoạt chính sách điều chỉnh tăng giá. Có thể nói đây là một trong những ứng dụng đầu tiên của công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) vào kinh tế. Với công ty khởi nghiệp, dữ liệu vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là một sản phẩm.

Ngày nay, cả doanh nghiệp truyền thống và công ty khởi nghiệp công nghệ thời đại mới đều tận dụng dữ liệu để tạo lợi thế và những doanh nghiệp khai thác được giá trị của nguồn dữ liệu sẽ phát triển mạnh. Thế nhưng, giữa thế giới dữ liệu dường như là vô tận, doanh nghiệp cảm thấy “ngộp với rừng thông tin” và chưa thể định hình được cách tận dụng nguồn tài nguyên giá trị này. 

Để giải phóng nguồn dữ liệu nhằm tiếp thêm sức mạnh cho sự phát triển của doanh nghiệp, trước tiên, hãy nhận diện thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt và xác định các loại dữ liệu quan trọng nhất có thể giúp giải quyết thách thức này. Tùy vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, một số dạng dữ liệu nhất định sẽ có vai trò quan trọng hơn so với những dạng khác.

Chẳng hạn, một cửa hàng bán thực phẩm có thể cần biết về những mặt hàng cũng như số lượng của từng loại được bán ra trong ngày. Qua phân tích dữ liệu, cửa hàng này có thể nhận diện được xu hướng mua hàng để hỗ trợ cho quyết định đặt hàng và lưu trữ hàng trong tuần, tháng hoặc năm.

Doanh nghiệp cần nhìn vào nguồn thông tin hiện có và sáng tạo trong cách tiếp cận, sử dụng dữ liệu để thay đổi, cải tiến cách phục vụ khách hàng. Loại dữ liệu nào đã thu thập về khách hàng và nhu cầu của họ? Cách thức đang sử dụng nguồn dữ liệu này để tạo ra nguồn thu mới và xây dựng lòng trung thành với thương hiệu? Chẳng hạn, một công ty bảo trì có thể tận dụng số liệu ghi nhận được và tiến hành lắp đặt những cảm biến để chủ động nhắc nhở khách hàng khi cần phải bảo trì. Bằng cách tận dụng dữ liệu sẵn có của nhà sản xuất, sản phẩm và người tiêu dùng, việc sửa chữa có thể được dự đoán và tránh được chuyện hư hỏng. Điều này giúp cải thiện sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng.

Hơn nữa, doanh nghiệp nên mở rộng nguồn cung cấp dữ liệu. Một công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành không nên chỉ dựa vào dữ liệu từ khách hàng, mà có thể tìm thông tin từ đối tác là bên thứ ba, cơ quan chính phủ hay nguồn cung cấp khác như hiệp hội hàng không, v.v…

Dữ liệu giúp cho các công ty cải tiến dịch vụ và thực hiện quyết định xác đáng hơn. Doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu, thách thức và mối quan tâm khác với một tổ chức lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp lớn không thể tạo cảm hứng cho sáng kiến của một doanh nghiệp nhỏ nhằm khai thác sức mạnh của nguồn dữ liệu. Doanh nghiệp nhỏ nên dõi theo các đối thủ cạnh tranh để tìm những cách tiếp cận mới có thể thích hợp với họ.

Một nhà điều hành tự tin sẽ sử dụng dữ liệu để bổ sung cho những quyết định của mình. Họ tin tưởng vào nguồn dữ liệu và sẽ muốn thu thập, tổ chức, phân tích dữ liệu về khách hàng và thị trường, cũng như mong muốn đội ngũ nhân viên nắm bắt và sử dụng nguồn dữ liệu này một cách tốt nhất.

Sử dụng nguồn dữ liệu là một quá trình lâu dài. Một khi đã xác định được loại dữ liệu quan trọng và cần thiết, doanh nghiệp cần tổ chức thu thập và phân tích. Chiến lược dữ liệu cũng nên phát triển theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu không tự đầu tư hạ tầng dữ liệu, doanh nghiệp có thể tìm một đối tác tiềm năng.