Để du lịch Lâm Đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Lê Thanh

Những năm qua, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tận dụng thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói này.

Cáp đồi treo Robin thu hút nhiều du khách. Ảnh: Lê Thanh
Cáp đồi treo Robin thu hút nhiều du khách. Ảnh: Lê Thanh

Tài nguyên du lịch của Lâm Đồng đa dạng, hấp dẫn; được hình thành bởi những yếu tố đặc thù về địa hình, địa chất, khí hậu, hệ động - thực vật... tạo nên nhiều hình thái cảnh quan, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng. Lâm Đồng cũng là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với sự góp mặt của trên 43 dân tộc anh em. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hoá, lịch sử của các dân tộc, là nơi hội tụ cư dân của các vùng miền đến sinh sống và phát triển kinh tế, tạo nên nét văn hóa đặc thù cho thành phố Đà Lạt, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh những thuận lợi về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tích cực triển khai các Quy hoạch, Chiến lược nhằm phát triển du lịch như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Đây là văn bản có ý nghĩa lịch sử đối với ngành du lịch, là cơ sở tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho ngành du lịch bứt phá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thúc đẩy này chưa đồng bộ và thiếu tính chuyên nghiệp nên kết quả đạt được chưa tương xứng với kỳ vọng. Tỉnh Lâm Đồng cần thêm một số giải pháp để góp phần phát triển ngành kinh tế du lịch của tỉnh, tương xứng với tiềm năng vốn có, ngang tầm với các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Để du lịch Lâm Đồng thực sự là ngành kinh tế động lực của tỉnh, cần triển khai đồng bộ thực hiện các phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và đảm bảo tính bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn. Phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng môi trường du lịch thân thiện và bền vững, tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.

Hoàn thiện các chính sách về thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tạo sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến được đẩy mạnh đến các thị trường tiềm năng, thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các địa phương trong cả nước nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh du lịch của mỗi địa phương, xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh và gắn du lịch Đà Lạt với các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông…, khu vực Duyên hải miền Trung: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… để hình thành các tour tuyến du lịch có nhiều tiềm năng như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và trở về chiến trường xưa”...

Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa trong việc đầu tư, bảo vệ, tôn tạo các di tích, cảnh quan môi trường, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phát triển du lịch. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với trọng tâm là đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, xúc tiến mở thêm đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Lạt - Lâm Đồng.Tỉnh cũng cần đề nghị Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam tăng chuyến bay về Đà Lạt, đặc biệt chú trọng các chuyến bay chiều thứ Sáu và chiều Chủ nhật.

Ngoài ra cần tiếp thị, quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt một cách chuyên nghiệp nhằm thu hút khách quốc tế đến với thành phố hiền hòa, thành phố Festival hoa của Việt Nam thông qua các hội chợ thương mại quốc tế. Còn như hiện tại vẫn phải thu hút khách quốc tế qua kết nối tour, tuyến từ các trung tâm du lịch trong nước.

Đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch với các hình thức linh hoạt; tranh thủ hợp tác trong hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch theo các chuyên đề, tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch, từng bước tạo dựng và nâng cao hình ảnh du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt trên thị trường du lịch.

Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; giữ gìn, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là “Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên” để thu hút khách.

Thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm về du lịch, các khu vui chơi giải trí để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống của tỉnh như du lịch sinh thái; du lịch tham quan nghỉ dưỡng , nghỉ cuối tuần kết hợp với vui chơi giải trí, mua sắm; du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, trưng bày, xúc tiến thương mại ; du lịch trăng mật…, ngành du lịch cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới như du lịch nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm du lịch trà, rau, hoa; du lịch thể thao mạo hiểm: leo núi, vượt thác ghềnh, nhảy dù, vượt địa hình...; du lịch văn hóa với các sản phẩm như tham quan nghiên cứu về tự nhiên, kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật, văn hóa - lễ hội các dân tộc, làng nghề truyền thống; du lịch kết hợp nghiên cứu, đào tạo, thực tập, giảng dạy du lịch canh nông; du lịch kết hợp khám chữa bệnh, điều dưỡng…