Để lãi suất giảm bền vững

Theo daibieunhandan.vn

Kiểm soát tốt lạm phát và duy trì niềm tin của người dân vào sự ổn định của tiền đồng. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước “bơm” lượng tiền phù hợp vào lưu thông để giữ thanh khoản cho các ngân hàng. Đây là hai trong nhiều yếu tố cần thiết để giảm lãi suất bền vững. Cần tránh dùng các biện pháp hành chính ép ngân hàng phải giảm lãi suất vì nó đi ngược lại với lợi ích kinh tế thị trường, chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Ngân hàng nhỏ căng thẳng huy động vốn

Phóng Viên: Cách đây vài ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm lãi suất huy động tiền đồng. Ông bình luận gì về động thái này?

Để lãi suất giảm bền vững - Ảnh 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Động thái này tích cực cho nền kinh tế, bởi về nguyên tắc khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay sẽ giảm, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng lớn có vốn nhà nước, hy vọng sẽ lan tỏa trong cả hệ thống để kéo mặt bằng lãi suất xuống.

Hy vọng này có khả năng thành hiện thực không, thưa ông?

Khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất dễ hơn so với các ngân hàng nhỏ vì nguồn vốn huy động dồi dào, không cần tăng lãi suất để cơ cấu lại nguồn vốn. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình, việc huy động vốn đang rất căng thẳng. Do vậy, việc giảm lãi suất khó lan sang các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình.

Ông có thể phân tích kỹ hơn?

Thứ nhất, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và trung bình đang rất cao, đặc biệt từ nay đến cuối năm để đáp ứng nhu cầu tín dụng. 

Thứ hai, Thông tư 36 của NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và ngắn hạn xuống 50% từ ngày 1/1/2017. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn (huy động nhiều hơn cho trung và dài hạn), họ sẽ sàng lọc và đẩy lãi suất huy động lên cho trung và dài hạn. 

Thứ ba, nợ xấu vẫn đang khiến cho chi phí của ngân hàng ở mức cao, do đó, dù lãi suất huy động giảm thì chưa chắc lãi suất cho vay đã giảm.

Áp lực thuộc về ngân hàng lớn

Theo ông, khối ngân hàng nào phải chịu áp lực nhiều hơn từ động thái này?

Áp lực có lẽ dành cho khối ngân hàng quy mô lớn nhiều hơn. Bởi khi họ giảm lãi suất huy động, có khả năng khách hàng của họ sẽ “chạy” sang các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình có lãi huy động cao hơn. Đây là điều có lợi cho các ngân hàng trung và nhỏ nếu họ không giảm lãi suất huy động.

Nếu có sự dịch chuyển dòng vốn như ông vừa phân tích, điều gì sẽ xảy ra đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, thưa ông?

Thực ra có cả mặt tích cực và tiêu cực. Nếu khách hàng rời bỏ ngân hàng có lãi suất thấp để chạy về các ngân hàng có lãi suất cao, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm dẫn đến việc không duy trì được xu hướng lãi suất giảm. Mặt tích cực là nó hỗ trợ cho các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình trong việc huy động lãi suất cho vay để tái cơ cấu.

Ông bình luận gì về mức lãi suất hiện nay?

Thực tế lãi suất cho vay hiện vẫn cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế do đó đòi hỏi phải giảm lãi suất. Tuy nhiên, để giảm được lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào ý chí của Chính phủ hoặc NHNN mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh doanh của các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình khác. Khi họ không thuộc diện ưu tiên trong hệ thống thì phải tăng lãi suất cho vay để duy trì thanh khoản và tỷ lệ sinh lời. Nếu ngân hàng không bảo đảm tính sinh lời và thanh khoản thì sẽ bất lợi cho cả hệ thống.

Xin cảm ơn ông!